Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật...
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, Ngành GD&ĐT địa phương này đã chú trọng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, Ban giám hiệu các trường trực thuộc quan tâm xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường. Từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.
Nhiều hội nghị do Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La tổ chức đã lồng ghép chỉ đạo về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. |
“Chúng tôi phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường học tập, phòng chống bạo lực học đường cho các em học sinh. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Hoàng nói.
Song song với đó, hàng năm Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm thực hiện định hướng phát triển các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục thể chất. Những định hướng trên kết hợp với tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức, lối sống, văn hóa, giáo dục lý tưởng cho học sinh, sinh viên.
Các trường duy trì nền nếp hoạt động chào cờ, hát Quốc ca. |
Tỉnh Sơn La hiện có 616 cơ sở giáo dục, trong đó 228 trường Mầm non, 326 trường Tiểu học và Trung học cơ sở, 44 trường có cấp THPT... Về cơ bản, ở tất cả các cơ sở giáo dục đều nghiêm túc quan tâm, thực hiện phòng chống bạo lực học đường.
Năm học 2022 – 2023, Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Mai Sơn có 10 lớp, với 345 học sinh. Thầy Đặng Văn Hiệu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hơn 99% học sinh trong trường là con em đồng bào ở các xã, bản đặc biệt khó khăn. Đến trường, các em ở bán trú. Ở đây, thầy, cô luôn phải gánh hai “vai”, đó là vừa làm cha mẹ, vừa làm thầy.
“Ngoài các giờ lên lớp, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khoá, tọa đàm theo chủ đề, chủ điểm. Có thể là về an toàn giao thông, giáo dục giới tính, giáo dục cách ứng xử, bạo lực học đường... Qua đó, để giáo dục, giúp các em sớm hình thành nếp sống tích cực, có ý thức xã hội tốt hơn và trở thành con ngoan, trò giỏi”, thầy Hiệu chia sẻ.
Một tiết học của cô trò Trường THCS Chất lượng cao, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. |
Cần nhiều giải pháp đồng bộ...
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Huy Hoàng, thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn học sinh, sinh viên đều có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi. Các em có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Đa số học sinh có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, hiện vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống. Tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Bên cạnh đó, còn có sự tác động về mặt trái của nền kinh tế thị trường, hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, trên phim ảnh, internet, sách báo... đã tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên.
Cô trò Trường Tiểu học và THCS xã Mường Bon, huyện Mai Sơn. |
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngành GD&ĐT Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; khuyến khích cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo. Hướng dẫn học sinh thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy phù hợp với lứa tuổi.
Sở yêu cầu các trường tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời với đó là xây dựng và nhân rộng mô hình tốt, điển hình tiêu biểu trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường; từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Huy Hoàng, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục đạo đức, các môn học chính khóa. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, giáo viên các bộ môn trong giáo dục học sinh.
Cùng với đó, đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh, sinh viên. Triển khai các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.