Giáo dục thể chất và thể thao trường học: Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc từ địa phương

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT nhận định, trong 10 năm qua, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học đạt được nhiều kết quả tích cực song vẫn còn một số hạn chế.

Hoạt động thể dục thể thao được nhiều địa phương rất chú trọng. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.
Hoạt động thể dục thể thao được nhiều địa phương rất chú trọng. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Những kết quả bước đầu

Sáng 5/11, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ tổng kết trực tuyến Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020" (sau đây gọi tắt là nghị quyết). Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Thanh Đề và đại diện một số cục, vụ ban ngành liên quan. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Khôi Nguyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Khôi Nguyên.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, vai trò của Giáo dục thể chất và thể thao trường học theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong 10 năm qua, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và địa phương đã cho những kết quả tích cực. Song, vẫn còn một số hạn chế và ngành giáo dục các địa phương cần mạnh dạn nhìn nhận, nêu kiến nghị để cùng tháo gỡ khó khăn. 

Đại diện Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD&ĐT cho biết, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, nhà trường và xã hội đối với phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học. Các giải pháp được triển khai đồng bộ với nhiều hoạt động khác nhau. 

Trong 10 năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn xã hội cùng nỗ lực của toàn ngành giáo dục, công tác chỉ đạo, quản lý giáo dục thể chất và thể thao trường học đã đạt được những kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khôi Nguyên.
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khôi Nguyên.

Bộ GD&ĐT đã tích cực chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức ban hành khung chương trình môn Thể dục đối với các cấp học. Xây dựng, ban hành chương trình môn học Giáo dục thể chất nằm trong Chương trình GDPT mới và được triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đảm bảo nội dung kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với đặc điểm thể chất ở từng lứa tuổi.

Toàn bộ các trường từ cấp tiểu học, THCS, THPT đều tiến hành giảng dạy môn Giáo dục thể chất với thời lượng 2 tiết/tuần theo khung chương trình. 100% các trường thành lập câu lạc bộ thể thao phù hợp với thực tế như: Võ, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ vua... để huy động tối đa học sinh có năng khiếu với từng môn tham gia. 

Ngoài ra, công tác phát triển hoạt động thể thao trường học giai đoạn này đã được ngành giáo dục quan tâm, chú trọng. Cụ thể, vào tháng 12/2016, Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã kí kết chương trình phối hợp về quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020.

Từ đó, hai Bộ đã xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai các lớp tập huấn; xây dựng Điều lệ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2020. Trong năm học 2019 - 2020, đã có 45/63 Sở GD&ĐT triển khai tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng các cấp, thu hút đông đảo học sinh có năng khiếu thể thao tham gia. 

Cũng theo Vụ Giáo dục thể chất, cả nước hiện có trên 45.000 giảng viên, giáo viên giáo dục thể chất. Trong đó, số thầy cô có trình độ Tiến sĩ là 72 người; 2.450 thạc sĩ; 35.626 cử nhân và hơn 7000 giáo viên có trình độ khác. Đội ngũ này cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Tính đến tháng 6/2020, cơ sở vật chất được tăng cường phục vụ cho việc học tập, luyện tập thể dục thể thao cho học sinh đã được đẩy mạnh.  

Số liệu báo cáo từ Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT.
Số liệu báo cáo từ Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT. 

Bên cạnh những mặt tích cực, Vụ trưởng Giáo dục thể chất cũng thừa nhận, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thể thao và quỹ đất dành cho giáo dục thể chất và thể thao trường học tại nhiều nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học. Cơ chế chính sách chưa hợp lý, công tác xã hội hóa cho hoạt động này còn thấp, chưa hiệu quả... Từ đó đòi hỏi nhiều giải pháp từ chính các địa phương

Kiến nghị từ địa phương

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, địa phương này có 2.820 cơ sở giáo dục với trên 2,1 triệu học sinh. Về nghị quyết này, Sở đã triển khai hướng dẫn, xây dựng kế hoạch tới các Phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc.

Lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương phát biểu tham luận theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Khôi Nguyên.
Lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương phát biểu tham luận theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Khôi Nguyên.

Ngành giáo dục Hà Nội cũng đã phát động nhiều phong trào thi đua về rèn luyện thể dục thể thao. Đáng chú ý, tính đến tháng 6/2020, các trường trên toàn thành phố có 965 nhà tập đa năng, 730 sân bóng đá, 326 bể bơi cố định và bể bơi thông minh được lắp đặt theo chương trình phổ cập bơi của thành phố. Cơ sở vật chất đáp ứng cho việc dạy và học bộ môn Giáo dục thể chất đạt bình quân 91,4%. 

Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức thi giáo viên dạy giỏi môn Thể dục THCS và THPT 4 năm/lần; Tiểu học 2 năm/lần nhằm khuyến khích việc tự học, nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp dạy học của giáo viên. 

Ông Tiến cũng đưa ra một số vướng mắc khi thực hiện như: Đội ngũ giáo viên Thể dục ở tiểu học hiện chưa đáp ứng đủ 100% để dạy chính khóa, thiếu khoảng 30%. Việc tuyển dụng viên chức đối với giáo viên dạy môn Thể dục vẫn đang chờ chỉ đạo của thành phố, hiện vẫn đang là giáo viên hợp đồng.

Ngoài ra, nhiều trường nội thành diện tích nhỏ nên việc tạo quỹ đất xây dựng sân chơi, bãi tập còn hạn chế. Vì vậy, các trường đã và đang kết hợp với một số trung tâm về thể thao để cho học sinh tham gia hoạt động thể dục thể thao, kể cả môn bơi.  

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Khôi Nguyên.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Khôi Nguyên.

Còn theo ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, địa phương này rất coi trọng hoạt động giáo dục thể chất, nâng cao thể lực cho học sinh. Việc này góp phần quan trọng vào sự phát triển thể chất cho học sinh phổ thông ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi tích cực hóa học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, nâng cao ý thức tự giác tập luyện thì hiệu quả giáo dục mới cao. 

Ngành giáo dục Cần Thơ đã đào tạo, bồi dưỡng chuẩn đội ngũ giáo viên. Toàn thành phố có 657 giáo viên Giáo dục thể chất, trong đó 424 người có tình độ cử nhân, 60 thầy cô có trình độ trên đại học. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị với 24 nhà tập luyện thể thao và 10 hồ bơi; thường xuyên tổ chức các giải thể thao trong trường học, kêu gọi các mạnh thường quân đầu tư cho thể thao trường học. 

"Do đó, chúng tôi cho rằng nên làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền và thu hút phụ huynh cùng tham gia. Góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho nhà trường và phát triển toàn diện người học. Tăng cường cơ chế quản lý trong các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học, xây dựng mô hình các câu lạc bộ thể thao và có cơ chế khen thưởng cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương", ông Tăng chia sẻ. 

Ông Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội nhấn mạnh, đổi mới tư duy sẽ tạo bước phát triển về giáo dục thể chất ở trường đại học. Theo ông Quyết, phải bám sát nhận thức đổi mới toàn diện mục tiêu giáo dục thể chất trên các lĩnh vực: Nhận thức (mục tiêu liên quan đến tri thức); thái độ (mục tiêu liên quan sở thích, giá trị) và tâm vận (kỹ năng thực hành). Nhà trường cũng đổi mới chương trình đào tạo nhằm thể chế hóa mục tiêu đào tạo. Mặt khác, đổi mới phương pháp dạy học là vấn đề trọng tâm trong công tác đào tạo. Chú trọng rèn luyện các kỹ năng thực hành cho người học phù hợp với các chuyên ngành đào tạo. Trường cũng có nhiều chính sách nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên Giáo dục thể chất để đào tạo ra những học sinh có tri thức và thể lực tốt phục vụ cho xã hội...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.