Giáo dục thể chất trong trường học: Cần đi vào thực chất!

Giáo dục thể chất trong trường học: Cần đi vào thực chất!

(GD&TĐ) - Mới đây, tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2020” và Quyết định số 51 của Thủ tướng Quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên TDTT do Bộ GD&ĐT tổ chức, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư và Sở GD&ĐT các tỉnh, thành đã có dịp trao đổi nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để việc dạy và học môn giáo dục thể chất (GDTC) trong các nhà trường được tốt hơn và đúng với tầm quan trọng của môn hoc.

Tập thể dục phải giữ... im lặng

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM chỉ ra, trong vài năm gần đây cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, nhà thi đấu, phương pháp giảng dạy môn GDTC đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, nhận thức về GDTC của không ít nơi vẫn còn hạn chế, nhiều nơi gần như bỏ ngỏ. Trong các trường học tại TP.HCM, chỉ bậc học lớn mới có đủ GV thể dục chuyên trách, cấp tiểu học vẫn còn thiếu nhiều. Một số quận, huyện GV chủ nhiệm dạy luôn GDTC nên chất lượng môn học không đảm bảo.

Học sinh Tiểu học trong giờ thể dục
Học sinh Tiểu học trong giờ thể dục 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ nhấn mạnh, chúng ta cần phải  quan tâm hơn nữa đến thể thao học đường, vì mức đầu tư cho GDTC thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức.  Năm học 2012-2013, Cần Thơ đã triển khai 17 nhà đa năng (thừa hưởng từ việc đăng cai Hội khoẻ Phù Đổng năm 2012) tại các trường học, nhằm tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tập luyện của các em HS. Nhưng điều vẫn dễ nhận thấy nhất vẫn chính là cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và lạc hậu, thậm chí có trường còn không có. Hiện phần lớn các trường học chỉ có một sân trường chung, không đúng quy cách cho GDTC. Bởi GDTC đúng nghĩa khi học thì phải ồn ào, thoải mái mà với một sân trường chung, bao quanh là các lớp học buộc phải giữ trật tự thì tập luyện không có hiệu quả. Đôi khi cùng lúc 3-4 lớp cùng xuống sân, nên các em HS chỉ có thể tập tại chỗ và đặc biệt phải giữ im lặng để các lớp khác học văn hoá…”. 

Ngoài ra, nhiều ý kiến nêu lên là cần phải quan tâm hơn tới công tác đào tạo, bồi dưỡng GV GDTC nhằm chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ này thông qua các hình thức đào tạo nâng cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên ở T.Ư và địa phương; đổi mới nội dung, giáo trình, chương trình GDTC phù hợp với thực tiễn… Bởi mục tiêu của Bộ GD&ĐT đến năm 2015 là phải chuẩn hoá GV dạy GDTC, không còn GV trình độ trung cấp và sơ cấp; đến năm 2020 đảm bảo 100% các trường phổ thông có GV chuyên trách phụ trách môn GDTC tốt nghiệp chuyên ngành GDTC (đặc biệt đối với bậc tiểu học). Bên cạnh đó, các địa phương cần dần chuẩn hoá các điều kiện trang thiết bị, dụng cụ TDTT, từng bước đảm bảo trang bị được cho các bậc học, đặc biệt là bậc Tiểu học, nhằm phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và các hoạt động ngoại khoá. Vấn đề bồi dưỡng giờ dạy thực hành và chế độ trang phục đối với GV, giảng viên TDTT theo Quyết định 51, bước đầu đã được đảm bảo, được cán bộ, GV  đánh giá cao. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT cũng chỉ ra một số vướng mắc trong việc căn cứ trả tiền công cho GV làm công tác huấn luyện các đội tuyển HS… Do vậy, thời gian tới Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, mang tính ổn định và lâu dài…

Cần nhận thức đúng về tầm quan trọng môn GDTC

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) Đào Ngọc Dũng cho rằng, cần quán triệt sâu sắc những quan điểm GD&ĐT của Đảng và Nhà nước, nhận thức rõ về tầm quan trọng của GDTC và sức khoẻ HS trong hệ thống nhà trường phổ thông để các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý có sự chỉ đạo và quyết sách thực tế hơn. Ngoài ra, cần không ngừng đổi mới hình thức, nội dung và các biện pháp GDTC cho HS ngày càng sinh động, phong phú, sáng tạo, thiết thực để xã hội đồng tình, các thầy cô giáo, các em HS ủng hộ và tham gia tích cực. Tranh thủ sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp giải quyết các vấn đề đặt ra cho công tác GDTC trong trường học. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hoá giáo dục, huy động mọi nguồn lực trong công tác TDTT, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhằm đáp ứng được yêu cầu mục tiêu của môn học.

Với sự quan tâm kịp thời của các cơ quan quản lý, hy vọng công tác GDTC và hoạt động thể thao trong trường học sẽ tìm được chỗ đứng đúng tầm quan trọng của nó, thúc đẩy sự phát triển thể thao nước nhà, mà trước hết là thể thao trong trường học.

Nam Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ