Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện

GD&TĐ - Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tu dưỡng phẩm chất, rèn luyện năng lực, ý chí kiên cường.

Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, Thiếu tướng, Tiến sĩ Phạm Đức Tú - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Bộ GD&ĐT) - khẳng định: Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQPAN) có vai trò quan trọng. Do đó, các địa phương cần quan tâm, có giải pháp nâng cao chất lượng môn học này.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm với công cuộc bảo vệ Tổ quốc

- GDQPAN là môn học chính khóa được đưa vào nhà trường từ nhiều năm nay. Xin ông cho biết về vai trò, tầm quan trọng của môn học này?

- Môn học GDQPAN nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc, do đó, các nhà trường đều chú trọng phương pháp giảng dạy tốt, khơi gợi đam mê học tập, tự tin, rèn luyện kỹ năng quân sự, an ninh cho các em.

GDQPAN trong trường phổ thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo cho thế hệ trẻ có điều kiện tu dưỡng phẩm chất, rèn luyện năng lực, góp phần giáo dục thế hệ tương lai của đất nước có đạo đức trong sáng, ý chí kiên cường.

Môn học này còn có tác dụng rèn luyện tác phong nghiêm túc, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật trong học sinh. Thông qua các giờ học lý luận, học sinh, sinh viên sẽ nhận thức đầy đủ hơn quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Đảng, có nhận thức rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Những giờ học thực hành sẽ trang bị cho các em hiểu biết và kỹ năng về đội ngũ, đội hình, các chiến thuật cũng như một số loại vũ khí, khí tài, thông qua đó có thể biết cách phân biệt, sử dụng và trang bị cho mình những kỹ thuật cơ bản để sử dụng được một số loại vũ khí thông thường và biết cách phòng tránh khi kẻ thù sử dụng vũ khí tấn công.

Cùng với đó, môn học GDQPAN còn rèn luyện cho học sinh một số kỷ luật trong môi trường quân đội, hướng cho các em làm việc theo nguyên tắc, kỷ cương; tạo cơ sở cho thế hệ trẻ tu dưỡng và hoàn thiện kỹ năng sống, góp phần ngăn ngừa và phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học.

-  Xin ông cho biết kết quả đạt được trong công tác GDQPAN cho học sinh, sinh viên thời gian qua?

- Thời gian vừa qua, công tác GDQPAN trong các nhà trường có những cải thiện rõ nét về chất lượng dạy học. Chương trình giảng dạy của cơ sở GD đã bám sát vào chương trình của Bộ GD&ĐT. Chương trình học được các nhà trường quản lý chặt chẽ như môn học khác, có đánh giá, kiểm tra đúng quy định.

Đơn vị trường học còn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Tùy theo từng cấp học, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản khác nhau. Bên cạnh nội dung GDQPAN theo từng tiết học cụ thể, khoa học, các trường còn tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú.

Thiếu tướng Phạm Đức Tú - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Bộ GD&ĐT).
Thiếu tướng Phạm Đức Tú - 
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Bộ GD&ĐT).

Góp phần giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực người học

- Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Vậy môn GDQPAN có những thay đổi thế nào, thưa ông?

- Ở cấp tiểu học, THCS, GDQPAN được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi, bảo đảm cho học sinh hình thành những hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, về lực lượng vũ trang nhân dân.

Ở cấp THPT, GDQPAN là môn học chính khóa, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc sau khi rời ghế nhà trường.

Chương trình xác định rõ các phẩm chất, năng lực có thể hình thành và phát triển ở học sinh thông qua môn học: Một mặt, chương trình căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực làm cơ sở và xuất phát điểm để lựa chọn nội dung giáo dục; mặt khác, chương trình hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu, cốt lõi cho học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh tiếp thu, vận dụng nội dung môn học vào thực tiễn.

- Bộ GD&ĐT có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng bộ môn GDQPAN trong thời gian tới?

- Khó khăn lớn nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên, giảng viên vẫn thiếu, chưa chuẩn hóa trình độ chuyên môn theo yêu cầu của Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN cho các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020” (Đề án 607).

Do đó, Bộ GD&ĐT đã giao Vụ GDQPAN xây dựng Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo” thay thế cho Đề án 607. Theo đề án mới, giáo viên dạy GDQPAN sẽ phải có bằng cử nhân hệ chính quy hoặc văn bằng hai trình độ cử nhân về đào tạo GDQPAN mới được đứng lớp. Yêu cầu này sẽ góp phần nâng cao chất lượng GDQPAN cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đào tạo; đổi mới tổ chức phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn học.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ