Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Nỗ lực để có giờ học bổ ích

GD&TĐ - Là môn học đặc thù, Giáo dục Quốc phòng an ninh đòi hỏi điều kiện riêng về sân bãi, trang thiết bị cũng như đội ngũ nhà giáo.

 Học sinh Trường THPT A Kim Bảng (Hà Nam) trong một buổi học môn QPAN tại trường. Ảnh minh họa
Học sinh Trường THPT A Kim Bảng (Hà Nam) trong một buổi học môn QPAN tại trường. Ảnh minh họa

Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi nhà trường, từng địa phương linh hoạt phương pháp để đem đến cho người học kiến thức cần thiết và trải nghiệm thú vị qua giờ học, ngoại khóa.

Nỗ lực của các địa phương

Từ ngày 22/11, Trường THPT A Kim Bảng (Hà Nam) tổ chức dạy học trực tiếp trên lớp cho gần 1.000 học sinh ở cả ba khối. Với bộ môn Giáo dục Quốc phòng an ninh (QPAN), các lớp vẫn học theo thời khóa biểu chính khóa. Mỗi lớp học 1 tiết/tuần do giáo viên QPAN giảng dạy tại khu vực nhà đa năng. Học sinh chủ yếu được tập các kỹ năng cơ bản.

Thầy Dương Việt Hùng – Hiệu trưởng Trường THPT A Kim Bảng (Hà Nam) cho hay: Khi chưa có điều kiện về sân bãi cũng như trang thiết bị thực hành, nhà trường muốn triển khai có hiệu quả môn QPAN cũng rất khó. Hiện nay, chính quyền các cấp quan tâm nên đã trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho bộ môn này, học sinh được thực hành nhiều hơn. Một điểm đáng chú ý, nhà trường có hai giáo viên dạy môn QPAN được biên chế. Đây là thầy cô đã tốt nghiệp Khoa QPAN của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Do đó, chất lượng giảng dạy môn này được cải thiện rõ rệt.

Em Phạm Ngọc Ánh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT A Kim Bảng chia sẻ: “Do dịch, học phần lý thuyết môn Giáo dục QPAN được học online. Khi học trực tiếp trên lớp, chúng em được tiếp tục học các phần thực hành như ngắm bắn súng tiểu liên AK…”.

Tại Nam Định, thầy Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: Môn QPAN được nhà trường đưa vào lịch giảng dạy chính khóa cho 1.164 học sinh của trường. Do chỉ có một giáo viên văn bằng 2 phụ trách giảng dạy môn QPAN, nhà trường đưa ra một số giải pháp như tập trung xây dựng kế hoạch khoa học hợp lý, sát với thực tế của nhà trường. Phân công giáo viên QPAN, các thành viên trong Chi hội Cựu chiến binh nhà trường, tiểu đội tự vệ cùng tham gia giảng dạy, huấn luyện.

Ngoài ra, nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện biên soạn giáo án điện tử. Các bài giảng được minh họa bằng âm thanh, hình ảnh, clip, phim mô phỏng tình huống chiến đấu, động tác kỹ thuật, chiến thuật, trường bắn và đưa những hình ảnh, thông tin mới về hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh. Báo cáo đề xuất với Ban Chỉ huy Quân sự TP Nam Định về tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy QPAN, mượn thêm các dụng cụ, khí cụ mô hình để học sinh thực hành.

Tỉnh Cà Mau có 36 nhà trường, cơ sở giáo dục, đào tạo, với số lượng trên 35.000 học sinh, sinh viên có nhu cầu học môn Giáo dục QPAN. Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, mỗi năm tỉnh tuyển viên chức ngành Giáo dục 2 lần nhưng vẫn còn thiếu. Hiện cấp THPT còn 40 biên chế chưa tuyển được, đặc biệt môn Giáo dục QPAN, Giáo dục thể chất, Tiếng Anh… vừa thiếu, vừa không có nguồn tuyển. Về giải pháp, theo ông Dự, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cho phép hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên. Cụ thể, cho phép các trường thiếu giáo viên được thỉnh giảng giáo viên trường khác để bảo đảm chương trình.

Ngoài ra, trước mỗi năm học, Bộ Chỉ huy Quân sự chỉ đạo cơ quan quân sự cấp huyện phối hợp với các trường trên địa bàn tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này... Với một số trường thiếu giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ môn học, các cơ quan quân sự trên địa bàn chủ động phối hợp, hỗ trợ để khắc phục…

Trường đại học chủ động “gỡ khó”

Là cơ sở đào tạo đại học có đông sinh viên, Học viện Tài chính cũng chú trọng bộ môn QPAN. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch – Trưởng ban Quản lý Đào tạo nhà trường, theo phân tuyến của Bộ Quốc phòng, học viện đã và đang phối hợp với Trung tâm Giáo dục QPAN của ĐHQG Hà Nội để triển khai giảng dạy QPAN cho sinh viên. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục kết hợp với Trung tâm Giáo dục QPAN của ĐH Hùng Vương giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất theo hình thức học tập trung tại trung tâm trong khoảng một tháng nếu không có dịch.

Nhờ có sự phối hợp trên, theo PGS Nguyễn Xuân Thạch, nhà trường không phải lo sân bãi, các điều kiện trang thiết bị phục vụ thực hành cho sinh viên. Hiện do điều kiện dịch bệnh nên khoảng 4.000 tân sinh viên năm nhất mới chỉ được dạy lý thuyết, chưa thể thực hành. Lịch học trực tiếp có thể lùi sang năm thứ hai. Ngoài ra, ở mỗi trung tâm giáo dục QPAN có  nhiều trường đại học cho sinh viên cùng học môn QPAN. Do đó, việc sắp xếp lịch học những môn khác cho sinh viên cũng bị động.

Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải, công tác giảng dạy môn QPAN cho sinh viên cũng có những mặt thuận lợi và khó khăn khác nhau. Theo Đại tá, Thạc sĩ Đồng Văn Thảo – Trưởng khoa Giáo dục Quốc phòng, khoa có 10 giảng viên là sĩ quan biệt phái từ Binh chủng Công binh sang giảng dạy cho sinh viên theo Nghị định 165/2003 của Chính phủ nên chất lượng giảng được nâng cao.

Cũng theo vị trưởng khoa này, thuận lợi lớn nhất là được Bộ GD&ĐT đồng ý cho tổ chức đào tạo bộ môn QPAN tại trường. Từ năm học trước, nhà trường đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm cho việc tổ chức dạy học theo yêu cầu mới của Luật Giáo dục QPAN, sinh viên phải ăn ở và học tập trung. Sau đó, Hội đồng Giáo dục QPAN Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT tiến hành thẩm định và cho phép nhà trường đào tạo, cấp chứng chỉ cho sinh viên.

Năm học này, khi triển khai môn QPAN, nhiều nội dung liên quan đến thực hành không thể triển khai trực tiếp do tác động của dịch Covid-19. Giảng viên phải giảng dạy trực tuyến cho các em những học phần lý thuyết. Với học phần mang tính thực hành và nội dung có yếu tố mật không thể dạy trực tuyến. Đây cũng là thực tế mà nhiều trường, trung tâm giáo dục QPAN đang gặp phải. Dự kiến sang học kỳ II, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, trường sẽ cho sinh viên đi học trực tiếp. 

“Vì dịch bệnh nên sinh viên năm thứ nhất của trường chưa thể hoàn thành các học phần thực hành nên phải lùi lịch sang năm thứ hai, thậm chí năm thứ ba. Theo quy định, sinh viên phải hoàn thành và được cấp chứng chỉ QPAN mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Do đó, khó khăn nhất lúc này là giải quyết những tồn đọng về phần thực hành cho sinh viên để các em có thể ra trường đúng hạn” – Đại tá Đồng Văn Thảo cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ