Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Những ngôi nhà bán trú ấm tình quân - dân

GD&TĐ - Dãy nhà bán trú đầu tiên ở vùng khó Điện Biên đã hình thành nhờ bàn tay góp sức của những người lính.

Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm xây lắp, song cán bộ, chiến sĩ đều hào hứng tham gia.
Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm xây lắp, song cán bộ, chiến sĩ đều hào hứng tham gia.

Còn với 20 cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) địa phương, mang lại một mái nhà “đủ ấm” giúp học sinh vượt qua mùa đông khắc nghiệt ở vùng cao là niềm tự hào, trách nhiệm của người lính.

Gác súng, cầm bay trát vữa

Ngày 15/11, Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc, Phòng Chính trị (Bộ CHQS Điện Biên) nhận lệnh lên đường tham gia xây dựng nhà bán trú cho học sinh xã vùng cao Tả Sìn Thàng. Đây là địa phương nằm ở phía Bắc của huyện Tủa Chùa, với đa phần diện tích là núi đá tai mèo.

Nơi đây, có 85% là người Mông và một phần người Xạ Phang sinh sống. Con đường từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ - nơi Thiếu tá Ngọc đóng quân đến Tả Sìn Thàng phải đi mất hơn 5 giờ ô tô. Anh cùng đồng đội đã vượt qua không biết bao cung đèo, đoạn cua gấp khúc, vòng quanh mới tới nơi.

Thiếu tá Ngọc tâm sự: Vì toàn núi đá nên sự khắc nghiệt của thời tiết ở đây khác hẳn. Những ngày cuối năm chuyển mùa, rét buốt. Vừa đặt chân đến Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng – nơi đoàn thực hiện nhiệm vụ, gió rít thành từng cơn kéo theo hơi lạnh khiến bề mặt da lúc nào cũng cảm giác bị hàng loạt mũi kim châm trực tiếp.

Mặc những khắc nghiệt thời tiết, ròng rã gần 1 tháng qua 20 cán bộ, chiến sĩ trong bộ quân phục lính vẫn “đội nắng, hứng sương” trên sân trường. Khác với mọi lần ra thao trường, lần này thứ họ mang theo không phải vũ trang, súng đạn, mà là bay, búa… để vào vai của người “thợ xây”.

Những đứa trẻ háo hức chờ nhà bán trú mới để mùa đông này bớt giá lạnh.
Những đứa trẻ háo hức chờ nhà bán trú mới để mùa đông này bớt giá lạnh.

Là người trực tiếp tham gia thi công các hạng mục từ xây dựng nền móng, lắp ghép dãy nhà 3 cứng nên Thiếu tá Ngọc cảm nhận được sâu sắc nhất ý nghĩa nhiệm vụ mình thực hiện lần này.

“Ở đây khó khăn đủ thứ, thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước sạch, điều kiện ăn ở tạm bợ. Nhưng các thầy cô, học sinh còn chịu được thì lính cụ Hồ làm sao mà không chịu được. Trong gần 1 tháng thực hiện nhiệm vụ, điều tôi nghĩ nhiều nhất không phải những khó khăn đó, mà là niềm tự hào. Bởi công trình này rất ý nghĩa, thiết thực. Hơn thế nữa, đây còn là nơi tôi sinh ra và gắn liền cả tuổi thơ. Hy vọng rằng từ nay, bọn trẻ sẽ đón những mùa đông ấm áp hơn”, Thiếu tá Ngọc trải lòng.

Còn với chiến sĩ Mùa A Thi, đây là trải nghiệm ý nghĩa nhất từng tham gia từ ngày vào quân ngũ. Khi nhận lệnh lên đường, Thi chưa có nhiều kinh nghiệm cầm bay, trát vữa, cũng chưa hình dung ra hết những việc phải làm nhưng vẫn rất háo hức. Với Thi, đã là “lính cụ Hồ”, môi trường nào cũng có thể rèn luyện và ở thời bình thì không phải cầm súng mới là nhiệm vụ vinh quang.

Những ngày được tham gia làm nhà bán trú, hình ảnh các em học sinh ở vùng quê nghèo khó này khiến Thi nhớ đến tuổi thơ của mình. “Tôi cũng là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, tôi hiểu khó khăn, thiếu thốn của các em. Làm được gì cho bọn trẻ, tôi sẽ cố gắng hết sức. Cứ nghĩ đến lúc các em được ở trong căn nhà mà có công sức mình đóng góp tôi mừng lắm”, Thi bộc bạch.

Để có chỗ ở cho học sinh, trước đây, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng đã dựng tạm dãy nhà bán trú bằng tôn cho học sinh.
Để có chỗ ở cho học sinh, trước đây, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng đã dựng tạm dãy nhà bán trú bằng tôn cho học sinh.

Đông này các em bớt lạnh

Sau gần 1 tháng thi công, căn nhà bán trú rộng 125m2 của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng đã thành hình. Cũng như nhiều bạn khác, Giàng A Long, học sinh lớp 4 háo hức chờ ngày khánh thành, để được bước vào căn phòng mới. Mỗi ngày trôi qua, cậu bé đều đặn 2 lượt sáng – tối ghé thăm.

Long tâm sự: “Nhà em ở quá xa không thể đi về hàng ngày nên được ở nội trú. Phòng đang ở do thầy cô làm tạm, rất chật. Mùa đông rồi, buổi tối cũng lạnh lắm. Giờ có các chú bộ đội về làm nhà mới, em vui lắm. Chỉ mong sớm được về ở”.

“Trò mong một, thì thầy, cô mong mười” – đó là chia sẻ của thầy Cà Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Hùng tâm sự: Với hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên và trên 600 học sinh, nhà trường nằm trong tốp 3 của toàn huyện về số lượng học sinh.

Đáng lưu ý nhất là 442 em bán trú, ăn ở tại trường. Trước kia, số học sinh bán trú ít thì đảm bảo về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên từ năm học 2016 – 2017, nhà trường đã huy động toàn bộ học sinh ở các điểm bản về trung tâm. Số học sinh nội trú tăng gấp nhiều lần, trong khi cơ sở vẫn vậy nên gây nhiều khó khăn cho nhà trường.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên khắc phục nhiều khó khăn để đảm bảo hoàn thành các công trình đúng tiến độ.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên khắc phục nhiều khó khăn để đảm bảo hoàn thành các công trình đúng tiến độ.

Theo thầy Hùng, nhờ về trung tâm học tập mà số lượng học sinh đi học chuyên cần ổn định hơn, chất lượng giáo dục dần được nâng cao. Vì thế, nhà trường cố gắng tìm đủ cách để từng bước tháo gỡ khó khăn, giữ chân trò.

“Chúng tôi tận dụng phía sau lớp học để bán mái, dựng tạm lên dãy phòng bằng tôn cho các em ngủ nghỉ, sinh hoạt. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì nhà tôn mùa hè thì nóng mà đông lại lạnh. Đợt này, các thầy cô cũng vất vả để xoay xở tìm cách giữ ấm cho học sinh trong điều kiện khắc nghiệt trên này. Chúng tôi luôn mong có một căn nhà bán trú kiên cố. May mắn là khi đề nghị nguyện vọng này lên, trường đã nhận được sự hỗ trợ của Bộ CHQS tỉnh” – thầy Hùng bộc bạch.

Cũng theo thầy Hùng, căn nhà được làm 3 cứng đảm bảo, phù hợp với điều kiện thức tế tại địa phương. Mặc dù, diện tích sử dụng mới đáp ứng một phần so với nhu cầu thực tế, song đã san sẻ bớt “gánh nặng” cho nhà trường, nỗi lo của nhà giáo. Trên hết là có nhà mới, học sinh sẽ bớt lạnh, sức khỏe đảm bảo hơn.

Trường Tiểu học Tả Sìn Thàng đang nằm trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Chính vì vậy theo thầy Hùng, mọi sự hỗ trợ và đóng góp đều rất đáng trân trọng. “Đây không đơn thuần là một căn nhà bán trú, mà còn thể hiện sự quan tâm, tỉnh cảm gắn bó giữa quân đội và nhân dân, góp sức xây dựng những công trình, hoạt động nhiều ý nghĩa”, thầy Hùng nói.

Vì số lượng học sinh đông thuộc tốp 3 của huyện, nên Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng khó khăn về nhà ở bán trú.
Vì số lượng học sinh đông thuộc tốp 3 của huyện, nên Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng khó khăn về nhà ở bán trú.

Đồng hành cùng giáo dục vùng khó

Theo kế hoạch, sẽ có 4 dãy nhà bán trú, nhà ăn tại các trường học thuộc 3 huyện: Điện Biên, Nậm Pồ, Tủa Chùa được Bộ CHQS hỗ trợ xây lắp. Trong đó bao gồm cả kinh phí và toàn bộ công lao động.

Trường Tiểu học Tả Sìn Thàng là điểm đầu tiên. Sau khi hoàn thành, cán bộ, chiến sĩ sẽ di chuyển đến các địa bàn còn lại thực hiện nhiệm vụ. Dự kiến, các công trình sẽ hoàn thàn và bàn giao cho nhà trường đưa vào sử dụng chậm nhất là tháng 1/2022.

Trong đó, tại huyện Nậm Pồ là 8 gian nhà cấp 4, với diện tích sử dụng 250m2. Huyện Điện Biên dự kiến một ngôi nhà 5 gian, 125m2 diện tích sử dụng. Các nhà ở đều được làm theo tiêu chuẩn 3 cứng, (nền cứng, tường cứng và mái cứng), ước tổng chi phí khoảng 700 triệu đồng (không tính công lao động).

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ, cho biết: “Rà soát trên địa bàn hiện còn 2 cơ sở chưa có nhà ăn đảm bảo cho học sinh. Riêng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Vàng Đán do mới sáp nhập nên chưa xây dựng được nhà ăn. Trong khi đó, kinh phí ngành và địa phương lại hạn hẹp do những khó khăn đặc thù nên chúng tôi đã đề xuất và rất vui khi nhận được sự nhất trí của Bộ CHQS tỉnh”.

Một dãy nhà bán trú bằng gỗ, xuống cấp tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng.
Một dãy nhà bán trú bằng gỗ, xuống cấp tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng.

“Việc Bộ CHQS hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của đơn vị đối với công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục tại vùng khó. Không chỉ san sẻ bớt gánh nặng cho ngành, mà đây còn là công trình có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh”, ông Chiến cho hay.

Trao đổi về chủ trương này, Đại tá Thào A Của, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, cho hay: Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện ý nghĩa, thiết thực đơn vị triển khai thực hiện nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12.

“Dù số lượng không nhiều, song toàn bộ kinh phí triển khai đều được cán bộ, chiến sĩ đơn vị quyên góp, ủng hộ từ nhiều nguồn. Trong đó, có cả tiền lương, phụ cấp; thông qua các đợt huấn luyện của dân quân tự vệ, dự bị động viên, bớt một phần tiền ăn hội nghị... Qua đó, vừa để mỗi cán bộ, chiến sĩ đều có sự đóng góp và hiểu được ý nghĩa việc làm của mình. Đồng thời cũng là để khẳng định lực lượng vũ trang sẽ luôn đồng hành với giáo dục địa phương, nhất là vùng khó khăn”, Đại tá Của nhấn mạnh.

Cũng theo Đại tá Của, căn cứ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ này là từ những lời đề nghị trực tiếp của các cơ sở giáo dục. Song ý tưởng đã hình thành trước đó thông qua nhiều chuyến đi về cơ sở của chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

“Ở nhiều địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa đời sống bà con còn hết sức khó khăn. Thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở đây lại càng khó. Chúng tôi luôn quan tâm và mong muốn chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho các cháu. Làm như vậy cũng là để giảm gánh nặng, áp lực cho thầy cô, nhà trường”, Đại tá Của tâm sự.

“Không chỉ hỗ trợ xây lắp nhà ở, nhà ăn bán trú, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn lực lượng đã dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục địa phương. Hàng năm, đơn vị đều tổ chức trao tặng quà, như: Sách bút, quần áo ấm, học bổng… Rồi hỗ trợ nhân lực, kinh phí xây dựng, tu sửa những công trình hạ tầng cho các trường bán trú, khắc phục bão lũ, thiên tai… Đồng hành cùng giáo dục, chúng tôi cũng mong muốn nâng cao nhận thức của chính phụ huynh đồng bào các dân tộc, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa để bà con quan tâm hơn tới việc học tập của con em mình” – Đại tá Của nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.