Thích ứng với việc dạy học trong điều kiện dịch bệnh, nhiều cơ sở giáo dục đã có những nỗ lực trong việc giảng dạy môn học này.
Chuyển hình thức dạy học
Theo đại diện Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (Trung tâm GDQP&AN) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, từ tháng 4/2021 đến nay, đơn vị đã linh hoạt, chuyển hoạt động giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến ở cả 4 học phần: Đường lối QPAN của Đảng; Công tác QPAN của Đảng; Quân sự chung; Chiến thuật và kỹ thuật chiến đấu bộ binh cho 10 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM.
Đồng thời, trung tâm cũng tổ chức thi trực tuyến cho trên 21 nghìn sinh viên các trường như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc Tế, ĐH Luật, ĐH Kiến trúc, ĐH Kinh tế, Học viện Hàng không, ĐH Ngân Hàng, ĐH Nông Lâm và ĐH Mỹ Thuật. Trong đó, có hơn 99% học viên đạt kết quả trung bình trở lên.
“Từ tháng 7/2020, trung tâm triển khai các công việc cụ thể để chuẩn bị tốt việc chuyển đổi này. Việc chọn công nghệ phù hợp nhất được bàn bạc, thảo luận, Đảng ủy - Ban Giám đốc Trung tâm đã quyết định sử dụng phần mềm Zoom để tổ chức dạy học và thi trực tuyến, đồng thời ứng dụng một số công cụ hỗ trợ cho việc điểm danh và tương tác với sinh viên như Google Form, Google Sheet.
Đặc biệt, trung tâm đã chuyển đổi hệ thống thi trắc nghiệm từ môi trường mạng LAN trong phòng máy hiện đại, sử dụng mạng Internet để tổ chức thi cho hàng nghìn sinh viên cùng lúc…”, Thượng tá Lưu Văn Điện - Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm GDQP&AN chia sẻ.
Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI), ThS Nguyễn Văn Thảo - Trưởng khoa Giáo dục thể chất và Quốc phòng HUFI cho biết, việc dạy học môn GDQP&AN tại trường diễn ra trong điều kiện online do dịch nên bị ảnh hưởng không nhỏ.
“Sinh viên và giảng viên không được tiếp xúc nên không có nhiều hoạt động thực để kích thích tinh thần học tập. Nhiều sinh viên làm việc riêng, hoặc không tập trung bài giảng. Đồng thời, sinh viên vắng cũng nhiều vì đi tiêm vắc-xin, test Covid, đi cách ly, phục vụ người nhà cách ly. Thậm chí có sinh viên vừa đi đường vừa học trên điện thoại, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều gia đình do kinh tế khó khăn, sinh viên không có thiết bị đầy đủ hoặc có nhưng cũ, không đáp ứng tốt. Những nội dung thực hành không thể triển khai, chậm hoặc ùn ứ tiến độ…”, ThS Nguyễn Văn Thảo thông tin.
Nói về những điểm nhấn trong việc đổi mới phương pháp, nội dung học tập môn GDQP&AN tại HUFI, ThS Nguyễn Văn Thảo cho rằng, nhà trường đã tập huấn kỹ việc giảng dạy online cho giảng viên, thành thạo các thao tác; Kịp thời sử dụng tốt nền tảng công nghệ số, làm phong phú nội dung truyền đạt. Bên cạnh đó, bộ môn cũng thường xuyên cập nhật các hoạt động quốc phòng an ninh của đất nước, đảm bảo tính thời sự… Đồng thời, bộ môn cũng nỗ lực tạo ra sự phong phú trong hình thức kiểm tra, đánh giá, như tập cho sinh viên kỹ năng tương tác nhóm trên nền tảng số thông qua bài tập nhóm.
Ngoại khóa bằng hình thức trực tuyến
Trong quá trình thực hiện dạy học trực tuyến môn GDQP&AN, Trung tâm GDQP&AN (ĐHQG TPHCM) còn tiến hành tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên bằng hình thức trực tuyến như: Tổ chức biên chế đầu khóa học, thông báo thời sự cho sinh viên, hướng dẫn sinh viên tập các bài tập thể dục buổi sáng, gấp xếp nội vụ…
“Sau khi hướng dẫn các hoạt động ngoại khóa, sinh viên tự luyện tập tại nhà và chụp, quay lại hình ảnh, sản phẩm của mình gửi về Phòng Quản lý sinh viên để đánh giá nhận xét. Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức đa dạng, phong phú và luôn được làm mới để phù hợp với đặc điểm riêng của các trường liên kết…”, Thượng tá Lưu Văn Điện chia sẻ.
Theo đại diện Trung tâm GDQP&AN, để hỗ trợ các giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động ngoại khóa, Ban tổ chức với thành phần chủ yếu là sinh viên, được thành lập và lên kế hoạch chương trình vui chơi trực tuyến như chương trình minigame Ngược dòng thời gian,
“challenge lối sống quân sự mùa Covid”, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ, khoảnh khắc quân sự… thu hút nhiều sinh viên tham gia nhiệt tình. Ngoài ra, trung tâm cũng trao học bổng, đồng hành với sinh viên vượt qua khó khăn do Covid-19.
Trong thời gian qua, bộ môn GDQP&AN Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) cũng tích cực, chủ động chuẩn bị mọi mặt để triển khai việc học tập cho sinh viên trong tình hình mới. “Cùng với nhiệm vụ chống dịch, đội ngũ giảng viên của bộ môn tích cực nghiên cứu bài giảng, củng cố bổ sung nội dung sẵn sàng thực hiện theo kế hoạch của nhà trường…” - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh (Phó Hiệu trưởng LHU) cho biết.
Để làm mới môn học khô khan, thầy Đinh Quốc Tuấn - giảng viên môn GDQP&AN tại LHU tâm sự: “Môn học GDQP&AN khá khô khan và có phương pháp giảng dạy đặc thù nên trong những năm đầu giảng dạy, tôi gặp rất nhiều khó khăn về phương pháp cũng như hình thức truyền đạt kiến thức.
Để khắc phục, tôi luôn rút ra kinh nghiệm cho bản thân qua từng tiết dạy, tăng cường nghiên cứu tài liệu, sách báo, Internet, sưu tầm những mẩu chuyện, những tấm gương chiến đấu anh dũng, kiên cường của dân tộc nói chung của tỉnh Đồng Nai nói riêng để dẫn dắt, lồng ghép. Đặc biệt, tôi chú ý học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước, tham gia các buổi dự giờ, hội giảng, thao giảng để có thể nâng cao được chuyên môn nghiệp vụ của bản thân”.