Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Bồi đắp tình yêu quê hương từ tiết học ngoài cửa lớp

GD&TĐ - Với sự kết nối giữa trường học và các đơn vị quân đội, nhiều hoạt động giáo dục ý nghĩa đã được triển khai.

Các em học sinh rất ấn tượng khi được tham quan, tìm hiểu về các khí tài quân sự của lực lượng vũ trang.
Các em học sinh rất ấn tượng khi được tham quan, tìm hiểu về các khí tài quân sự của lực lượng vũ trang.

Từ những chương trình đến tham quan học tập thực tế tại các doanh trại đơn vị, giờ học tại cột mốc - đường biên hay mời các sĩ quan chiến sĩ đến trường tọa đàm giao lưu chia sẻ, giúp học sinh, cán bộ, giáo viên mở rộng hiểu biết, trải nghiệm thú vị.

Kết nối để “gần hơn”

Với mong muốn đem đến những trải nghiệm, bài học ý nghĩa, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chú trọng việc kết nối với các đơn vị bộ đội. Những hoạt động này đem lại hiểu biết cũng như cảm hứng tích cực cho học trò.

Nhằm khơi gợi ý thức về lòng biết ơn, sự trân trọng đối với những người lính đảo cũng như tình yêu biển đảo quê hương đất nước cho học sinh, hằng năm, Trường THCS Trưng Vương (TP Thái Nguyên) tổ chức cho học sinh viết thư tay và làm thiệp gửi đến các chiến sĩ nơi tuyến đầu sóng nước, nhân dịp Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12.

Nhận được những tình cảm trân trọng đó, các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa) đã viết thư tay hồi âm cảm ơn và động viên các em học tập tốt. Đặc biệt, năm 2020, món quà vô cùng ý nghĩa được các chiến sĩ gửi tặng thầy trò nhà trường là lá cờ cắm trên pháo đài đảo Sinh Tồn. Trên lá cờ, một đôi chỗ đã bị rách do sức gió ngày đêm ngoài biển đảo.

Trong lá thư đại diện đơn vị, Trung tá Nguyễn Văn Quang (Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn) nhắn nhủ: “Các cháu chăm ngoan, học giỏi là món quà đặc biệt tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ hải quân trên đảo Sinh Tồn vượt mọi khó khăn, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Nhận được món quà đặc biệt và bất ngờ, các em mở từng trang thư đọc, cùng thầy cô và bố mẹ gọi điện ra đảo cảm ơn, hỏi thăm các chiến sĩ hải quân. Em Nguyễn Ngọc Minh (học sinh lớp 7A, Trường THCS Trưng Vương) bày tỏ cảm xúc và mong ước của mình: “Đọc thư của các chiến sĩ ngoài đảo xa, mới biết ở đó còn nhiều khó khăn, vất vả. Các chiến sĩ thiếu cả nước ngọt lẫn rau xanh nữa. Ước gì sau này em có thể được một lần ra đảo để được tận mắt nhìn khung cảnh trời biển và hiểu hơn về những vất vả ngoài đó”.

Còn cô Vũ Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Nhà trường đã chia sẻ nội dung những lá thư gửi về cho học sinh toàn trường, đồng thời trưng bày trang trọng lá cờ Tổ quốc và những lá thư này trong phòng truyền thống. Trước đó, chúng tôi cũng mời một số cán bộ chiến sĩ đã từng công tác trên đảo Sinh Tồn đến nói chuyện, giúp các em hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống trên đảo, sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo đất nước”.

Các chiến sĩ bộ đội đến hỗ trợ sửa chữa, cải tạo sân trường, khuôn viên Trường Tiểu học Thịnh Đức (TP Thái Nguyên).
Các chiến sĩ bộ đội đến hỗ trợ sửa chữa, cải tạo sân trường, khuôn viên Trường Tiểu học Thịnh Đức (TP Thái Nguyên).

Những bài học ý nghĩa, ấn tượng

Với một số trường như Tiểu học số 1 Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ), Tiểu học Dương Tự Minh (huyện Phú Lương)… các thầy cô giáo hằng năm vẫn mời các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn đến giao lưu, chia sẻ. Các chiến sĩ thường xuyên giúp nhà trường sửa chữa, xây dựng các công trình, tu chỉnh trang trí không gian trường lớp thêm khang trang sạch đẹp.

Bên cạnh đó, nhiều nhà trường trên địa bàn hết sức chú trọng công tác giáo dục truyền thống, giá trị sống với những hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa như: Trải nghiệm học tập kỹ năng và tác phong kỷ luật tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh; thăm hỏi học tập và kết nghĩa với các đơn vị quân đội…

Tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Đại học Thái Nguyên), 3 tháng hè là những ngày bận rộn và tràn đầy niềm vui khi đón các bạn nhỏ đến học tập trải nghiệm khóa học “Em tập làm chiến sĩ”. Tại đây, các em được quan sát, làm quen với không khí sinh hoạt trong quân đội, tuân thủ nền nếp tác phong đơn vị, thực hành một số bài tập ngoài sân bãi. “Các em thực sự hào hứng với những trải nghiệm của mùa hè đặc biệt khi được tập làm chiến sĩ. Nhiều bạn nhỏ tỏ ra rắn rỏi, vững vàng hơn sau khóa học. Có những gia đình còn đăng kí cả 2 khóa trong một hè cho con vì thấy hữu ích” - Đại tá Đinh Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm trao đổi.

 Trong khi đó, Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc - Quân khu 1 (đặt tại TP Thái Nguyên) cũng thường xuyên chào đón thầy và trò các nhà trường đến tham quan, học tập trải nghiệm. Mỗi chuyến đi giúp các em được quan sát, hiểu biết nhiều hơn về các khí tài quân sự của lực lượng vũ trang, đặc biệt là tư liệu và các câu chuyện truyền thống lịch sử. “Chúng tôi may mắn được ở gần Bảo tàng,  nên thuận lợi trong việc tổ chức cho các em đến tham quan học tập thực tế. Đây là những trải nghiệm thực sự ý nghĩa và thú vị” - thầy Bùi Xuân Mạnh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP Thái Nguyên) chia sẻ.

Việc kết nối không chỉ giúp các nhà trường và đơn vị quân đội “gần” nhau hơn, mà còn đem lại những bài học quý giá, trải nghiệm đặc biệt cho học sinh, giúp các em nâng cao hiểu biết cũng như bồi đắp thêm niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, lực lượng vũ trang; thêm yêu quê hương, tự hào truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ đó, tự hình thành ý thức tự học, vượt khó để xứng đáng truyền thống cha anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.