(GD&TĐ) - Trong thời gian gần đây, tình trạng cha mẹ dạy con bằng cách “phạt” theo nhiều hình thức nghiêm khắc như đòn roi, hạ nhục... gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển tâm lý, tính cách trẻ liên tiếp xảy ra. Nhiều phụ huynh ngộ nhạn đây là cách để giáo dục tốt giúp các em nên người. Thế nhưng, các nhà tâm lý giáo dục đều cho rằng đòn roi, hạ nhục không thể thay thế được những lời khuyên răn, giải thích, bảo ban.
Khi GD bằng đòn roi, hạ nhục…
Có nhiều cách để giáo dục con cái, tuy nhiên, nhiều ông bố bà mẹ đã dùng tới những biện pháp đòn roi, hạ nhục quá dã man khiến dư luận xã hội không khỏi phẫn nộ.
Đó là N.V.N (tại Tứ Kỳ -Hải Dương)- một người cha độc ác đã lột tran, bắt con ăn phân. Là cha đẻ của hai bé trai và gái 11- 15 tuổi N thường xuyên “giáo dục” hai con của mình bằng những trận đòn roi thập tử nhất sinh vì những lý do nhỏ nhặt như nghịch ngợm, làm rách quần áo, không hoàn thành việc nhà... Ông N còn cầm gậy đứng giám sát bắt các con của mình nuốt phân gà vào bụng.
Đừng gieo vào lòng trẻ ký ức kinh hoàng về những đòn roi của bố mẹ |
Một học sinh lớp 8 tại Hà Nội cũng bị chính bố mẹ đẻ dành cho những trận đòn roi tàn nhẫn vì bất kì lỗi nhỏ hay lớn. 3h đồng hồ em bị mẹ dùng dây cáp điện đánh liên tiếp vào người để trừng phạt cho lỗi lầm cầm giúp mẹ ví đi chợ, khi về đến nhà bị phát hiện mất 1 triệu đồng. Rồi khi bài kiểm tra bị điểm kém, bố mẹ nữ sinh này lại tiếp tục hành hạ đôi chân của em bằng dây cáp điện. Những trận đòn tàn nhẫn kinh hoàng đã khiến tâm lý của em luôn bất an lo lắng, sợ hãi, sau giờ học không muốn về nhà.
Một bé gái sinh năm 1996 tại Gia Lai đã tự vẫn sau khi bị đánh đập thậm tệ vì bố mẹ nghi ngờ em làm mất tám trăm ngàn đồng. Hay như cháu N.T.P 10 tuổi tại Quảng Ngãi phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn về tinh thần, mặt mũi bầm tím... chỉ vì bị nghi ngờ lấy cắp 500.000 đồng của mẹ nuôi.
Một vụ việc khác tại TPHCM, một cháu bé 13 tuổi sau khi được người chú bảo lãnh từ đồn công an về vì có hành vi định ăn cắp xe đã được... chú “dạy” bằng cách bắt đeo tấm biển có dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp” rồi bắt đứng ngoài đường phố.
Gần đây nhất là trường hợp một bé trai tại Hải Phòng được bố đẻ chữa “nghiện” chơi game bằng cách lột truồng, trói vào cột điện dưới trời rét 15 độ với lý lẽ chỉ khi nào xấu hổ với bạn bè, mọi người thì con ông mới không dám bỏ học đi chơi điện tử nữa...
Những vụ việc mượn giáo dục để hành hạ con cái được dư luận phát hiện và đưa ra ánh sáng như trên đã và đang báo động về cách giáo dục con trẻ của những bậc phụ huynh không chỉ lệch lạc phản khoa học trong nhận thức mà còn mất nhân tính.
Đừng để giáo dục phản giáo dục
Những câu chuyện về cách giáo dục con cái đau lòng nói trên chỉ là một trong số ít những câu chuyện được xã hội phát giác và lên án gay gắt. Từ đó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách giáo dục của các bậc cha mẹ ngày nay.
Hãy cho trẻ một tuổi thơ yên bình |
Giáo dục trẻ bằng các hình thức đánh đập hay bôi nhọ đều mang đến những tác hại khôn lường. Nếu như việc bạo hành đánh đập gây ra sự tổn thương về thể xác, làm cho trẻ đau đớn và có thể khiến trẻ bệnh tật trong một khoảng thời gian ngắn hoặc có thể tàn tật suốt đời thì việc giáo dục trẻ bằng cách làm nhục, bôi nhọ trẻ trước đám đông cũng không hề có tác dụng, thậm chí gây tổn hại tinh thần trước mắt và lâu dài.
Sự tổn thương tâm lý còn kinh khủng hơn rất nhiều vì đây là cách hạ giá trị bản thân trẻ nhanh nhất. Đứa trẻ sẽ thấy xấu hổ, nhục nhã, bị bố mẹ và mọi người xung quanh khinh rẻ, thấy bố mẹ không yêu thương mình. Từ đó, các em sẽ có mặc cảm về bản thân, có thể mất niềm tin vào chính mình, mất niềm tin vào cha mẹ và mọi người xung quanh. Đặc biệt, sự hoài nghi về tình yêu thương, sự tử tế của con người sẽ làm các em mất phương hướng khi lớn lên.
Xét đến cùng thì việc giáo dục con cái là dùng các biện pháp khoa học để hướng con cái mình đi theo con đường đúng đắn chứ không phải dùng biện pháp vũ lực, tàn bạo, mất tính người để hành hạ cho bõ tức. Có thể thấy, trẻ em trong giai đoạn phát triển trí tuệ, luôn hành động theo sở thích và bản năng là chính. Chúng không thể dễ dàng phân biệt đúng sai như người lớn, vì thế cha mẹ không thể áp đặt lối suy nghĩ lối mòn của người trưởng thành vào hành động của trẻ em được. Đánh đập hay hạ nhục trẻ chỉ càng chứng tỏ là bậc làm cha mẹ đã rơi vào trạng thái bất lực, chỉ còn cách là dùng hình thức tra tấn đòn roi hay hạ nhục để thỏa cơn giận vì không kiểm soát nổi con cái của mình.
Trên thực tế, cha mẹ có nhiều cách phạt con giúp con trẻ nhận ra sai lầm chứ không thể lấy bạo lực để giáo dục bởi như vậy không chỉ xâm hại về thể xác mà còn tác động không nhỏ tới sự phát triển tâm lý của trẻ. TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn- Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cũng cảnh báo: nguyên lý của sự “chuyển di” năng lượng và những “dồn nén” nội tại, không ít cá nhân đã chọn lựa cách giải thoát rất tiêu cực và không kém phần nguy hiểm. Hơn thế nữa, nếu cha mẹ càng đánh đập, dồn ép... con cái càng cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng và không có điểm tựa. Chính con cái càng thấy mình tệ hại hơn và những áp lực sẽ quật ngã đứa trẻ trong hành trình làm người lớn để vào đời.
Trẻ cũng có cái tôi, có lòng tự trọng như người lớn nên việc bị người thân đánh đập, xúc phạm- nhất là điều này lại diễn ra trước mặt mọi người- đồng nghĩa với việc lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Khi bị phạt, trẻ có thể sợ nhưng trong tâm lý vẫn ngấm ngầm chống đối. Nếu người lớn làm cho trẻ đánh mất lòng tự trọng của mình thì trẻ sẽ trở nên bất cần không còn muốn cố gắng, vươn lên trong học hành, cuộc sống. Vì thế, dù phạt hay mắng mỏ trẻ, người lớn cũng phải lưu ý giữ thể diện cũng như giá trị cho trẻ. Cũng đừng gieo vào lòng các em những ký ức kinh hoàng, có thể đi theo trẻ suốt cuộc đời.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: Để hạn chế tình trạng lấy bạo lực làm phương pháp giáo dục con, các bậc phụ huynh cần được tư vấn toàn diện hơn. Sai sót của trẻ em phải được xem xét từ nhiều phía, không nên áp đặt suy nghĩ của người lớn cho rằng con trẻ luôn sai. Việc dùng vũ lực chưa bao giờ thành công, với những trẻ có cá tính sẽ làm mất đi cá tính riêng. Hơn nữa, hiện nay, việc sử dụng bạo lực đối với trẻ em là hành động vi phạm quyền trẻ em đã được pháp luật bảo vệ.
Một cuộc trưng cầu ý kiến đã được thực hiện với hơn 80% trẻ em châu Âu và Nam Á, 3/4 trong số đó cho rằng đánh đập trẻ không bao giờ là giải pháp tốt. Khi bị mắng chửi bất công, 1/3 trẻ em phản ứng bằng cách im lặng. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới thông qua Công Ước Quốc tế về Quyền trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực (điều 19) và các hình phạt tàn bạo, làm mất phẩm giá và mất nhân tính (điều 37). |