Giáo dục mầm non vùng khó ở Thanh Hóa: Đòi hỏi những nỗ lực to lớn

GD&TĐ - Với giáo dục vùng cao, mong mỏi lớn nhất của các thầy, cô giáo đó là kéo hẹp khoảng cách với giáo dục miền xuôi. Sự quan tâm của các cấp, ngành để các em bớt thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần.

Lễ tổng kết năm học 2021-2022 của cô, trò Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát).
Lễ tổng kết năm học 2021-2022 của cô, trò Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát).

Nỗ lực không ngừng

Trường Mầm non Nhi Sơn thuộc huyện vùng núi cao Mường Lát (Thanh Hóa). Ngôi trường chăm sóc và nuôi dạy trẻ này có tới 5 điểm trường, với học sinh là con em các dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh và Dao, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 97%.

Sau thành công trên vai trò quản lý tại Trường Mầm non Pù Nhi, cô Tống Thị Ninh được điều động về Trường Mầm non Nhi Sơn được 3 năm nay.

Đảm nhận vai trò Hiệu trưởng ở ngôi trường mới với cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học còn đơn sơ, chưa có bếp ăn bán trú, đội ngũ giáo viên chưa thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin,… khiến nữ nhà giáo không khỏi trăn trở.

“Sau thời gian được làm việc cùng tập thể giáo viên, học sinh nhà trường, tôi nhận thấy tình cảm, niềm tin của mọi người dành cho mình thật lớn. Vì vậy, tôi nhắn nhủ bản thân cần làm gì đó cho ngôi trường và địa phương này”, cô Ninh bộc bạch.

Nghĩ là làm, nữ nhà giáo đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng CSVC trong và ngoài lớp cũng như tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ. Đến nay, nhà trường đã có bếp ăn bán trú cho trẻ tại điểm trường chính.

Tỷ lệ trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đúng độ tuổi luôn đạt tỷ lệ 100%. Đặc biệt, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng cao, là một trong 3 đơn vị dẫn đầu toàn huyện được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen. Về CSVC bên trong và ngoài cũng được đánh giá là 1 trong ba đơn vị tốt nhất huyện.

Tuy nhiên, theo cô Ninh vấn đề thách thức đối với nhà trường khi nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non đó là nhận thức của người dân chưa đồng đều.

Hoạt động vui chơi ngoài trời của cô, trò Trường MN Nhi Sơn (Mường Lát).
Hoạt động vui chơi ngoài trời của cô, trò Trường MN Nhi Sơn (Mường Lát).

Vì vậy, công tác điều tra dân số và huy động trẻ ra lớp gặp muôn vàn khó khăn do trẻ được sinh ra nhưng chưa khai sinh, có hộ khẩu tại địa phương nhưng bố mẹ lại đi làm ở địa phương khác, trẻ khai sinh tên của người Mông nhưng đi học lại lấy tên khác,…

Ngoài ra, xã Nhi Sơn thuộc địa bàn có nguy cơ sạt lở cao, trong khi đó nhà trường hiện vẫn chưa có nhà công vụ. Vì vậy, giáo viên phần lớn phải di chuyển quãng đường rất xa từ nhà đến trường. Với vai trò là nhà quản lý, điều này khiến cô Ninh không khỏi trăn trở.

Hơn 20 năm gieo chữ nơi vùng cao, tâm nguyện lớn nhất của nữ nhà giáo Tống Thị Ninh đó là kéo hẹp khoảng cách với giáo dục miền xuôi.

“Tâm nguyện của tôi là sẽ gắn bó với bậc học, với Mường Lát để cố gắng cùng đồng nghiệp nơi đây phấn đấu đưa giáo dục vùng cao tiến nhanh theo với miền xuôi. Mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, có chế độ đãi ngộ nhất định cho các thầy, cô giáo vùng cao cũng như các con để giáo dục vùng cao bớt thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần”, cô Ninh trải lòng.

Để không còn những bữa cơm nguội

Trường Mầm non Trung Lý (Mường Lát) cũng là nơi chăm sóc, nuôi dạy trẻ là con em các dân tộc Mông, Thái, Mường và số ít con em người dân tộc Kinh.

Năm học 2021-2022, nhà trường có tổng số 595 học sinh, với tỷ lệ trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 95-98%, riêng trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%.

Theo cô Lò Thị Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường, công tác phổ cập giáo dục mầm non những năm qua đã mang lại nhiều thay đổi tích cực. Trong đó, thay đổi lớn nhất là xóa bỏ được trường học tranh tre, nứa lá đối với trẻ 5 tuổi, phòng học được xây dựng kiên cố hơn, đồ dùng, đồ chơi đảm bảo ở mức tối thiểu.

Ngoài ra, thực hiện theo chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ được nâng lên rõ rệt, hiện không còn trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Trình độ giáo viên cũng được nâng lên rõ rệt, với số lượng giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng tăng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các trường mầm non thuộc khu vực miền núi nói chung và Trường Mầm non Trung Lý nói riêng đó là CSVC, trang thiết bị dạy và học.

“Hiện nay, trong tổng số 16 điểm trường mới chỉ tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ ở điểm trường chính. Còn lại tại các điểm lẻ, nhiều em vẫn phải tự túc mang cơm đến trường. Ngoài ra, hiện nhà trường còn khoảng 10 điểm trường lẻ chưa có điện, đường xá đi lại khó khăn, một số khu còn không có sóng điện thoại”, cô Nguyệt cho hay.

Các bé Trường Mầm non Trung Lý (Mường Lát) trong giờ học.
Các bé Trường Mầm non Trung Lý (Mường Lát) trong giờ học.

Cũng theo cô Nguyệt, hiện nay nhà trường mới đảm bảo về đồ dùng, đồ chơi cho trẻ ở mức tối thiểu. Riêng các điểm trường lẻ vẫn thiếu thốn đồ chơi cho bé ngoài trời.

Bên cạnh đó, Trường Mầm non Trung Lý còn gặp thách thức trong việc phân lớp theo độ tuổi. Hiện, mới chỉ có trẻ 5 tuổi được tách lớp riêng, còn lại nhà trường vẫn đang phải dồn lớp từ 2-3 độ tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do các gia đình chủ yếu sống theo chòm bản, công việc chủ yếu làm nương, rẫy.

“Một trong những khó khăn nữa đối với nhà trường là tình trạng thiếu giáo viên. Hiện nhà trường có 30 cán bộ, giáo viên, trong đó có 28 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Trong số giáo viên đang giảng dạy, có 5 giáo viên hợp đồng. Ngoài ra, giáo viên hiện vẫn đang làm thừa giờ, nhiều khi tới tận 10 giờ/ngày, trong khi lại không nhận được bất cứ trợ cấp gì”, cô Nguyệt nói.

Trước muôn vàn khó khăn, thách thức, với vai trò là nhà quản lý cô Nguyệt đang đề xuất với các cấp, ngành dồn 3 điểm trường lẻ khó khăn nhất về CSVC. Đồng thời, đề xuất tu bổ CSVC, phòng học có dấu hiệu xuống cấp tại các điểm trường.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là nhà trường sẽ tổ chức nấu ăn bán trú cho các con ở tất cả các điểm trường. Đồng thời, xây dựng trường học theo tiêu chuẩn trường Mầm non, hiện nay các phòng học cho trẻ 5 tuổi mới chỉ được xây dựng kiên cố…”, cô Nguyệt bộc bạch.

Ông Lò Văn Tuấn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, những năm qua, công tác phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn huyện được các cấp, chính quyền, trường học chú trọng. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường đúng độ tuổi đạt tỷ lệ trên 99%, trong đó riêng trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%.

“Mặc dù, Mường Lát thuộc địa bàn khó khăn song công tác vận động, tuyên truyền của thầy, cô giáo cũng như chính quyền thực hiện tốt, huy động cơ bản trẻ từ 3 -5 tuổi ra trường được đảm bảo.

Chúng tôi hy vọng được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa, đầu tư CSVC, trang thiết bị. Đặc biệt, với các điểm trường lẻ được quan tâm đầu tư xây dựng nhà công vụ, tổ chức nấu ăn bán trú để nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu”, ông Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.