Giáo dục giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện nay

GD&TĐ - Quan tâm đến GD nhân cách ngay từ sớm cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học, Tiến sĩ Nghệ thuật học Phạm Văn Tuyến - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - đã tiến hành nghiên cứu về GD giá trị văn hóa, truyền thống Việt Nam, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, từ đó đề xuất phương thức GD đa dạng, hiệu quả, GD sớm khi ứng dụng tác phẩm mĩ thuật trong GD giá trị truyền thống Việt Nam cho trẻ mầm non và HS tiểu học.  

Giờ chào cờ
Giờ chào cờ

Xác định 5 phẩm chất vốn thuộc hệ giá trị truyền thống Việt Nam

Mục tiêu GD giá trị truyền thống Việt Nam đã được quy định tại các văn bản pháp lí, các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội, đặc biệt là Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), Quyết định số 1501/QĐ-TTG, ngày 28/8/2015. Một số nội dung liên quan đã được quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BGDDT, Thông tư 26/2017/TT-BGDĐT. Theo đó, Chương trình GD phổ thông mới đã xác định năm phẩm chất là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm - vốn thuộc hệ giá trị truyền thống Việt Nam.

Dù vậy, đến nay có rất ít công trình nghiên cứu về lĩnh vực này nên chưa hỗ trợ tốt cho chủ trương chính sách GD. Nghiên cứu ứng dụng tác phẩm mĩ thuật trong GD giá trị truyền thống Việt Nam cho trẻ MN và HS tiểu học ở Việt Nam là chưa có đề tài nào nghiên cứu. Chúng ta chưa chú trọng GD nhân cách, thiếu phương thức GD đa dạng, hiệu quả và chưa GD sớm từ lứa tuổi MN.

Giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam trong nhà trường chủ yếu qua các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân. Các tư tưởng kết hợp giáo dục giá trị truyền thống trong các môn học, các hoạt động giáo dục chưa được lưu tâm, thậm chí đôi khi còn bị bỏ quên. Trong chương trình giáo dục cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học là chưa thực sự rõ ràng và không có nhiều phương thức triển khai. Hầu hết, các bài học chỉ hướng đến nội dung giáo dục môn học chứ ít khả năng tích hợp hiệu quả giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế

Qua các tài liệu cho thấy, nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế từ lâu đã quan tâm đến vấn đề con người trong mối liên hệ với văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền. Đi liền với các nghiên cứu thường thấy những giải pháp đưa ra cho vấn đề GD con người. Điều đó cho thấy, hệ giá trị truyền thống, giá trị văn hóa của các quốc gia luôn là vấn đề được quan tâm và liên kết với lĩnh vực GD con người…

Trên thế giới mỗi quốc gia lại đề ra những giá trị đặc trưng phù hợp với văn hóa của đất nước cần hình thành cho HS trong nhà trường. Ví dụ, tại Úc có 9 giá trị được đưa vào nhà trường đó là: Biết quan tâm và thương người; làm tốt công việc của mình; công bằng; tự do; trung thực và tin cậy; chính trực; tôn trọng; trách nhiệm; hiểu biết, khoan dung và hợp nhất. Nội dung GD giá trị của Nhật Bản là: Chính trực, kính trọng, trình độ chuyên nghiệp, lòng trắc ẩn, tinh thần trách nhiệm, không ngừng hoàn thiện bản thân theo khẩu hiệu “mỗi ngày tiến lên một bước nhỏ”, luyện tập phán đoán, lãnh đạo và hợp tác.

Ở Trung Quốc, GD giá trị cho HS tiểu học, THCS tập trung vào các nội dung: Lòng hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng thầy cô giáo và người lớn tuổi; đoàn kết với anh chị em trong nhà, các bạn, hàng xóm; đối xử nhã nhặn, đúng mực với mọi người; khoan dung, hòa bình, lương thiện, chân thành, thiện chí, trách nhiệm công dân giữ gìn thống nhất, đất nước, đoàn kết dân tộc, làm chủ thế giới…

Chúng tôi chủ trương kế thừa kinh nghiệm quốc tế, kế thừa các thành tựu nghiên cứu trong nước, tiến hành khảo sát thêm thực tiễn GD giá trị truyền thống và GD giá trị truyền thống thông qua tác phẩm mĩ thuật trong trường MN và tiểu học để triển khai đề tài nhằm tìm ra những đề xuất mới cho ngành GD. Kết quả nghiên cứu sẽ có đóng góp rất mới mẻ và hiệu quả cùng ngành GD Việt Nam thực hiện tốt Nghị quyết số 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.  

TS Phạm Văn Tuyến

Các học thuyết về tính cách và phát triển nhân cách đều gặp nhau ở quan điểm cho rằng 5 nét nhân cách (mô hình nhân cách 5 yếu tố của Costa và McCrae (1992): Sự ổn định cảm xúc; Sự cởi mở với trải nghiệm; Sự tận tâm; Sự hướng ngoại và sự Thân thiện) ở trẻ em và người trưởng thành mang tính ổn định, vì thế việc xây dựng và hình thành các giá trị và nét tính cách ở giai đoạn đầu đời (trước 3 tuổi) sẽ góp phần hình thành và làm ổn định nét nhân cách trong suốt cuộc đời. Vì thế, việc GD các giá trị cho trẻ em ở giai đoạn này sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc định hình mô hình nhân cách cho trẻ ở những giai đoạn sau.

Có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới tập trung khai thác mối quan hệ và ảnh hưởng của văn hóa nói chung, các giá trị truyền thống nói riêng của mỗi nước với sự hình thành và biểu hiện các đặc điểm nhân cách của quốc gia đó, như: Costa & McCrae (1996); Mastor, Jin & Cooper (2000); Fruyt và cộng sự (2009)…

Nhiều nhà nghiên cứu đã coi nghệ thuật như những phương tiện văn hóa (Cultural tools) trong giáo dục trẻ em. R.Shimmacher cho rằng, các giáo viên mầm non có trách nhiệm phải tạo tiền đề lồng ghép các hình thức hoạt động, những truyền thống (traditions) và các giá trị (values) từ những nền văn hóa đa dạng vào chương trình giáo dục, và các học giả khác như Eckhoff, Bresler, Sasaki, nhóm tác giả Castrup, Ain và Scott…

Ở Trung Quốc, vấn đề GD mĩ thuật được quan tâm một cách mạnh mẽ từ cuối những năm 90. Các học giả Trung Quốc đã dịch tài liệu nước ngoài và tự mình biên soạn những chuyên luận, giáo trình phục vụ cho GD Mĩ thuật. Trong GD nói chung, Trung Quốc là quốc gia rất quan tâm đến vấn đề GD giá trị truyền thống.

Đề xuất giải pháp

Để đáp ứng mục tiêu Chương trình khoa học GD, TS Phạm Văn Tuyến đề xuất cho phép nghiên cứu đề tài hướng đến việc: Nghiên cứu, xác định điều kiện cơ bản cần thiết để ứng dụng các tác phẩm mĩ thuật trong GD giá trị truyền thống cho trẻ MN và HS tiểu học, bao gồm điều kiện pháp lí và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, tài liệu; Nghiên cứu, đề xuất áp dụng các chủ đề GD giá trị truyền thống Việt Nam cho bậc học MN và tiểu học qua tác phẩm mĩ thuật: Giải pháp áp dụng trong mô hình đơn môn (trong môn mĩ thuật với giáo viên chuyên trách); Giải pháp áp dụng trong mô hình liên môn, tích hợp các chủ đề GD (trong các môn học với giáo viên không chuyên về mĩ thuật).

Cùng đó, đề xuất bổ sung môn học hoặc tích hợp nội dung GD giá trị truyền thống trong chương trình đào tạo giáo viên MN, tiểu học, mĩ thuật. Thực hiện ngay giải pháp đồng bộ trong thiết kế sách giáo khoa nhằm tích hợp GD giá trị truyền thống Việt Nam qua tác phẩm/sản phẩm mĩ thuật. Yếu tố kênh hình ảnh, ý nghĩa hình ảnh, thiết kế mĩ thuật phải hướng tới và thuộc phạm trù giá trị truyền thống Việt Nam được xác lập trong Chương trình GD phổ thông mới (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam khác.

Nghiên cứu, đề xuất phương án, tổ chức thực hiện trong lĩnh vực GD-ĐT với Bộ GD&ĐT, các vụ, viện thuộc Bộ, các Sở GD&ĐT và các trường phổ thông, các trường sư phạm như: Đề xuất phương án GD trải nghiệm sáng tạo thông qua hoạt động ngoài trời, ngoại khóa (xem bảo tàng, vẽ tranh ngoài trời, thực tế…); Đề xuất các giải pháp GD thông qua môi trường cảnh quan, liên kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Đề xuất công tác kiểm tra, đánh giá trong chương trình GD giá trị truyền thống Việt Nam cho bậc tiểu học qua tác phẩm mĩ thuật.

Theo TS Phạm Văn Tuyến, những công trình nghiên cứu về giá trị và giá trị truyền thống, giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam đã chỉ rõ hệ giá trị quan trọng, cốt yếu của con người Việt Nam trong lịch sử và hiện tại. Các hệ giá trị cốt lõi được xác định trong Chương trình GD phổ thông mới khá rõ ràng. Việc tìm những phương cách GD giá trị truyền thống, trong đó có GD thông qua nghệ thuật, tác phẩm mĩ thuật mà chúng tôi đang nghiên cứu chính là một trong những hướng đi mới. GD giá trị truyền thống Việt Nam cho trẻ MN và HS tiểu học thông qua tác phẩm mĩ thuật là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.