Giáo viên không phải là nguồn duy nhất cung cấp tri thức cho người học, ranh giới nhà trường được mở rộng. Người học có nhiều kênh thông tin và nhiều con đường học tập đa dạng, mọi lúc, mọi nơi. Đây là quan điểm được PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Trưởng nhóm Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đưa ra. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với bà về những vấn đề liên quan.
Thời 4.0 và vấn đề đào tạo giáo viên
- Thưa bà, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho giáo dục Việt Nam những đổi thay, theo bà đó là những gì?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến với Việt Nam như là một tất yếu. Nó có thể làm thay đổi cách thức dạy và học cũng như mô hình nhà trường trong tương lai. Vai trò của giáo viên cũng sẽ có nhiều thay đổi. Giáo viên không phải là nguồn duy nhất cung cấp tri thức cho người học. Ranh giới nhà trường được mở rộng. Người học có nhiều kênh thông tin và nhiều con đường học tập đa dạng, mọi lúc, mọi nơi.
Tóm lại công nghệ có thể làm thay đổi nhà trường truyền thống. Tuy nhiên, tôi cho rằng những thứ không được thay đổi là các giá trị nhân văn, nhân bản, giá trị sống, giá trị truyền thống được truyền cho người học thông qua chính nhân cách mẫu mực, sự nhiệt huyết và sáng tạo của người giáo viên. Chính vì thế các trường sư phạm bên cạnh việc cập nhật đổi mới chương trình đào tạo, đã và sẽ phải luôn luôn chú trọng tới giáo dục đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất nhà giáo.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được đổi mới cả về cách tiếp cận, về kết cấu môn học, về nội dung và cách thức tổ chức dạy học… Điều này tất yếu đòi hỏi việc bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện tại để họ có thể sẵn sàng thực hiện chương trình phổ thông sắp tới. Mặt khác, các trường sư phạm cũng đã có những chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên tương lai kế cận bằng cách đổi mới chương trình đào tạo: Cập nhật chuẩn đầu ra, tăng cường kiến thức liên ngành, giảm tính hàn lâm để gắn bó tốt hơn với thực tiễn, tăng thời lượng cho rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá…
|
Yêu cầu phải chuẩn hóa
- Vậy theo bà, đáp ứng đòi hỏi mới, các bộ chuẩn nghề nghiệp và các yêu cầu về năng lực đội ngũ có tác động chi phối lẫn nhau thế nào?
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên có vai trò quan trọng trong công tác đánh giá nhằm bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên. Tuy nhiên mỗi văn bản chuẩn ra đời chỉ phù hợp ở một giai đoạn phát triển giáo dục nhất định. Trong những giai đoạn mới, bối cảnh mới, chuẩn cần phải được đổi mới, cập nhật, nâng cao mức độ đạt chuẩn để tương thích với sự phát triển và luôn thúc đẩy, động viên giáo viên trong phát triển nghề nghiệp.
Như vậy khi căn cứ vào chuẩn, các trường sư phạm xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên để nâng cao năng lực của họ, đáp ứng chuẩn. Mặt khác khi năng lực của giáo viên ngày càng cao hơn thì chuẩn cũng phải được điều chỉnh để luôn giữ vai trò định hướng thúc đẩy phát triển chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên.
- Nhóm nghiên cứu có dự báo nhu cầu giáo viên đến 2025 và giải pháp nào để thực hiện việc đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đến 2025, tầm nhìn đến 2035?
Với tình hình thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện tại, có thể nói đến năm 2025 ở khắp các địa phương trong cả nước chúng ta vẫn cần tuyển dụng bổ sung giáo viên ở các bậc học. Tuy nhiên số lượng tuyển thêm còn tuỳ vào vùng miền, cấp học, môn học. Hơn nữa số lượng giáo viên cần tuyển dụng mỗi năm tại các địa phương còn phụ thuộc vào chính sách phát triển và sự phân cấp trong quản lý về nhân sự của từng địa phương.
- Hiện nay, người học có nhiều kênh thông tin, cách thức học tập cũng đa dạng hơn, mọi thời điểm, mọi lúc, mọi nơi. Nhưng chính việc học mặt không đối mặt có đạt chất lượng hay không lại phụ thuộc nhiều vào ý thức của họ, thưa bà?
Đúng như vậy. Bản chất của hoạt động học là tự học. Vì thế học tập sẽ không hiệu quả nếu người học không có ý thức tự giác tích cực, chủ động tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức. Nói khác đi là tri thức của nhân loại sẽ không chuyển thành tri thức của người học khi không có sự tự giác, tích cực học tập của học sinh.
Dù là việc học diễn ra với sự có mặt trực tiếp của giáo viên hay không có sự tiếp xúc trực tiếp của giáo viên thì đều cần ý thức học tập chủ động.
Tuy nhiên để giúp người học hình thành phát triển năng lực tự học, giáo viên phải có phương pháp dạy học thích hợp ở trên lớp, phải hỗ trợ, giám sát và đánh giá được quá trình học tập của học sinh ngoài lớp học.
Tóm lại việc học nói chung và học không có sự tiếp xúc trực tiếp với giáo viên nói riêng phụ thuộc vào ý thức tích cực đối với việc học tập của người học. Nhưng giáo viên phải có trách nhiệm giáo dục và phát triển ý thức đó ở người học. Tôi cho rằng vai trò của giáo viên không thể thay thế hoàn toàn bằng máy móc, hay công nghệ, dù trong bối cảnh đổi mới, hiện đại như thế nào.
Ảnh minh họa/ Internet |
Giải pháp và khuyến nghị
- Vậy nhóm đã có giải pháp nào để đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trong thời gian tới, thưa bà?
Chúng tôi đề xuất 5 nhóm giải pháp thực hiện, đó là:
* Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên trong các trường/ khoa sư phạm.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hướng dần đến chuẩn đào tạo giáo viên chung của khu vực và thế giới, đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên nên xây dựng chương trình đào tạo giáo viên linh hoạt, liên thông về nội dung kiến thức nền nhưng vẫn đảm bảo cung cấp kiến thức chuyên biệt đáp ứng yêu cầu đặc trưng của từng cấp học, bậc học.
* Điều chỉnh và cập nhật các chương trình bồi dưỡng và đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Trước bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam và yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện nay, việc phát triển các chương trình bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục theo yêu cầu chương trình mới sẽ giúp công cuộc đổi mới giáo dục thành công.
* Xây dựng các chương trình bồi dưỡng và đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên ở những nơi có nhu cầu điều chuyển giáo viên giữa các cấp học nhằm chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Ví dụ giáo viên Vật lý, Hoá học THPT ở những nơi thừa sang dạy nhóm môn học này thuộc chương trình THCS ở những nơi thiếu. Hoặc giáo viên dạy nghệ thuật ở tiểu học ở những nơi thừa sang dạy nghệ thuật ở THCS khi Chương trình phổ thông mới ban hành. Giáo viên dạy ngoại ngữ THCS có thể tham gia dạy tiểu học khi được bồi dưỡng về kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi, phương pháp dạy học ở tiểu học...
* Có chính sách khuyến khích hợp lý đối với sinh viên sư phạm ngành công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao.
Mặc dù số liệu chỉ ra các bậc THCS, THPT đều cần tuyển thêm nhiều giáo viên dạy công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, giáo dục quốc phòng trong những năm tới nhưng thực tế tuyển sinh vừa qua, các trường đại học sư phạm có ít sinh viên đăng ký vào học những ngành này. Những năm học tới các trường sư phạm cần có chiến lược hiệu quả hơn trong tuyển sinh thông qua cơ chế động viên khuyến khích (có thể bằng học bổng) kết hợp với truyền thông để thu hút sinh viên vào học. Cần xem xét hình thức xét tuyển qua học bạ, chỉ thi năng khiếu đối với những thí sinh có nguyện vọng vào học những ngành khó tuyển mà nhu cầu xã hội đang cần.
* Chủ động nghiên cứu nhu cầu đào tạo giáo viên và căn cứ năng lực đào tạo để đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp.
Để tiến tới đào tạo đội ngũ giáo viên phù hợp với nhu cầu thực tiễn, các trường sư phạm cần chủ động nghiên cứu nhu cầu giáo viên trong thực tế, dự báo nhu cầu giáo viên theo chuỗi thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Từ đó, các cơ sở đào tạo giáo viên có những đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực của mình.
Xin cám ơn bà!