Phố cổ trong dòng chảy đương đại

GD&TĐ - “Người dân sống trong “lõi” phố cổ hầu hết đã biết những nguyên tắc cơ bản trong bảo tồn di sản… Di sản, văn hóa từ dân ra và phải được bảo tồn bởi chính những người dân sống tại khu phố cổ”- Bà Trần Thị Thúy Lan (Phó Trưởng ban Quản lý Phố cổ Hà Nội) chia sẻ với Báo GD&TĐ.

Trẻ em được nghệ nhân dạy cách làm đồ chơi truyền thống trong không gian văn hóa phố cổ
Trẻ em được nghệ nhân dạy cách làm đồ chơi truyền thống trong không gian văn hóa phố cổ

*Văn hoá phố cổ Hà Nội tập trung rõ nét nhất ở những hoạt động gì, thưa bà?

-Những năm gần đây, hoạt động văn hóa phố cổ có nhiều nét sinh động, bởi được sự quan tâm từ nhiều phía. Đặc sắc có thể kể đến Lễ hội đình Kim Ngân, một loại hình văn hóa phi vật thể thu hút đông người dându khách tham gia. Hay lễ hội đền Bạch Mã, rồi ẩm thực trong phố cổ... Nhiều hoạt động văn hóa thường xuyên diễn ra tại các điểm di tích trong khu vực phố cổ, như tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, 42 Hàng Bạc, đền Quan Đế 28 Hàng Buồm, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ…

Bên cạnh đó, có các hoạt động văn hóa phi vật thể, như Lễ hội Trung thu truyền thống hàng năm, được giới thiệu tới người dân và du khách một cách rõ nét. Vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam thường có các hoạt động nghề truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội và của Việt Nam, như nghề mây, tre đan, gốm, sứ.... Gần đây nhất là chương trình giới thiệu những bộ sưu tập áo dài nam truyền thống của người Hà Nội xưa.

Ban Quản lý Phố cổ (BQLPC) cũng thường xuyên (trong 3 ngày thứ 4, thứ 5, Chủ nhật hàng tuần) phối hợp với Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội giới thiệu những nét đặc sắc của ca trù, trong không gian di tích đình Kim Ngân 42- 44 Hàng Bạc. Đây là một điểm rất hút khách du lịch. Nhiều du khách bày tỏ sự quan tâm, thích thú khi được tìm hiểu về ca trù trong không gian di tích phố cổ.

Trong 3 ngày cuối tuần người dân Thủ đô cũng như du khách quan tâm, yêu thích có thể lui tới không gian các phố đi bộ trong phố cổ. Tại không gian phố đi bộ diễn ra các hoạt động âm nhạc truyền thống và đương đại. Âm nhạc truyền thống được tổ chức biểu diễn ngay trước cửa các điểm di tích. Trong đó có hoạt động hát văn, hát xẩm, ca trù… BQLPC đã kết hợp với các nghệ nhân, nghệ sĩ tổ chức hát văn trước cửa đền Quan Đế 28 Hàng Buồm; phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam để biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật tuồng, cùng các trích đoạn tuồng tại đền Hương Tượng 64 Mã Mây…

Bà Trần Thị Thúy Lan (phải) và đại sứ Phạm Sanh Châu trong một hoạt động văn hóa tại phố cổ Hà Nội
  • Bà Trần Thị Thúy Lan (phải) và đại sứ Phạm Sanh Châu trong một hoạt động văn hóa tại phố cổ Hà Nội

*Hiện nay, trong khu vực phố cổ có các hoạt động nào gây được sự chú ý với người dân và du khách, thưa bà?

- Trong khu vực phố cổ Hà Nội, BQLPC mong muốn tạo không gian đậm chất truyền thống cho các nghệ nhân của các làng nghề có điểm đến, không chỉ để trình diễn những tinh hoa của làng nghề, mà còn có tiếp xúc được trực tiếp với công chúng, cùng công chúng thực hiện, sáng tạo các sản phẩm mang đậm nét truyền thống và vẫn phù hợp với đời sống hiện đại.

Gần đây, phố cổ Hà Nội có thêm không gian bích họa phố Phùng Hưng, một không gian văn hóa nằm trong dự án “Nghệ thuật cho một không gian tốt hơn” do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp triển khai với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và chương trình “Định cư con người” của Liên Hiệp Quốc. Dự án đã hoàn thành, trang trí nghệ thuật tại một số vòm cầu dẫn ở phố Phùng Hưng.

Khu phố cổ nằm trong khu vực các phường: Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đào, Cửa Đông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Gai, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ, Hàng Bông. Các công trình kiến trúc dân sinh nơi đây trước kia có đặc trưng vừa là nhà ở vừa là cửa hàng phục vụ kinh doanh. Mật độ xây dựng dày đặc và đường đi lại nhỏ, ngắn. Nhiều thế hệ người dân sống trong phố cổ vẫn giữ thói quen sinh hoạt và kinh doanh xưa kia trong phố cổ sầm uất. 

19 bức bích họa mang chủ đề “Ký ức về Hà Nội xưa” đã tạo nên một không gian văn hoá công cộng hấp dẫn người dân mọi lứa tuổi. Ngay sau khi khánh thành không gian này thực sự đã thu hút được sự quan tâm của công chúng và khách du lịch.

Vừa qua, dự án này đã được vinh dự đạt giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, giải thưởng “Cảnh quan Châu Á” từ chương trình “Định cư Con người” của Liên Hiệp Quốc phối hợp với Tổ chức Thiết kế Cảnh quan châu Á, Trung tâm Nghiên cứu đô thị châu Á tổ chức bình chọn...

Giới thiệu cách chơi tàu thủy sắt với du khách tại Đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, Hà Nội)
  • Giới thiệu cách chơi tàu thủy sắt với du khách tại Đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, Hà Nội)

*Bà thấy ý thức của người dân phố cổ trong gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống thời điểm hiện nay ra sao, hay chỉ quan tâm đến khía cạnh thương mại hóa?

Theo tôi, gìn giữ, bảo tồn văn hóa nơi phố cổ Hà Nội không phải là câu chuyện chỉ ghi chép trên giấy, trong các văn bản chỉ thị. Tất cả phải được hiện thực hóa bằng hành động. Phải làm sao để mỗi người dân cảm nhận và trân quý những giá trị văn hóa truyền thống. Một khi đã có “tâm” với các giá trị văn hóa truyền thống thì chính người dân sẽ tự giác chung tay trong việc gìn giữ, bảo tồn.

BQLPC cùng các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống, cả với văn hóa phi vật thể và vật thể. Người dân sống trong phố cổ cũng đã có ý thức hơn trong việc chung tay bảo tồn di sản. Ví dụ, nhiều người dân nhiệt tình tham gia hoạt động trùng tu di tích, có nhiều người dân đầu tư kinh phí hoặc dành thời gian, công sức.

Các hoạt động văn hóa diễn ra trong khu vực phố cổ (hàng tuần hay vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô), chính là một hình thức gần gũi nhằm tuyên truyền, giáo dục tình yêu văn hóa và các giá trị truyền thống cho các thế hệ công chúng Hà Nội.

Người dân sống trong “lõi” phố cổ hầu hết đã biết những nguyên tắc cơ bản trong bảo tồn di sản. Chẳng hạn, khi người dân muốn trùng tu ngôi nhà của chính gia đình mình, đều có thể biết các văn bản quy định pháp lý liên quan đến việc này. BQLPC Hà Nội cũng đã đề nghị với UBND quận Hoàn Kiếm khen thưởng cho 11 hộ gia đình, trong việc gìn giữ các công trình, những giá trị di sản với chính ngôi nhà họ đang sinh sống. Người dân đã có ý thức gìn giữ di sản bằng cách nếu sửa chữa, xây dựng thì bảo tồn theo đúng dạng nhà cổ vốn có (theo quy định của Nhà nước).

Khó khăn nhất trong vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể trong phố cổ đó là việc kêu gọi xã hội hóa cho việc bảo tồn, chống xuống cấp các di tích. Những văn hóa vật thể cần bảo tồn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách khi tới thăm quan phố cổ. Trong đó có di sản đình Kim Ngân, đền Quan Đế, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây…

Di sản, văn hóa từ dân ra và phải được bảo tồn bởi chính những người dân sống tại khu phố cổ. Thực hiện bảo tồn văn hóa chỉ có ý nghĩa khi thật sự gắn với đời sống của người dân. Chính người dân là đối tượng thưởng thức, sáng tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Du khách nước ngoài tò mò với đồ chơi truyền thống ở phố cổ Hà Nội
  • Du khách nước ngoài tò mò với đồ chơi truyền thống ở phố cổ Hà Nội

*Một số du khách hình dung về phố cổ Hà Nội vẫn còn “méo mó” bởi những hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… Liệu việc thương mại hóa quá mức có khiến mất đi nét đẹp vốn có của khu vực phố cổ?

Liên ngành thường xuyên kiểm tra và có thông tin phản hồi. Nhất là đối với khách du lịch khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, không riêng khu vực phố cổ mà ở cả các tuyến phố bên ngoài. Những hình ảnh không đẹp cũng khó tránh khỏi, tuy nhiên, khi có những chuyện xảy ra không được đẹp lòng người dân hay du khách, luôn có đường dây nóng để xử lý kịp thời. Các hoạt động văn hóa, ẩm thực, giải trí diễn ra trong khu phố cổ phải hướng đến tiêu chí làm sao để du khách có cái nhìn đẹp về phố cổ Hà Nội nói riêng và Hà Nội nói chung.

Thời gian gần đây, trong khu vực phố cổ, tại các điểm đến tập trung nhiều du khách tới thăm quan, đã có sự tham gia của các sinh viên, tình nguyện viên, chủ yếu đến từ các trường, các khoa đào tạo về du lịch, ngoại ngữ, văn hóa, lịch sử… Việc hỗ trợ từ các sinh viên, tình nguyện viên này là một hoạt động có lợi ích hai chiều, một mặt sinh viên có thể thực hành những kiến thức đã được học ở nhà trường, mặt khác các điểm đến trong phố cổ cũng có lực lượng hỗ trợ nhiệt tình du khách.

Nghệ nhân làm diều hướng dẫn trực tiếp công chúng kỹ thuật cổ truyền đặc sắc tại phố đi bộ
Nghệ nhân làm diều hướng dẫn trực tiếp công chúng kỹ thuật cổ truyền đặc sắc tại phố đi bộ

*Cuộc sống hiện đại khiến thanh niên bị hấp dẫn bởi những yếu tố số (giải trí trên mạng, điện thoại di động, mạng xã hội....). Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã có những định hướng và hành động gì, để vừa thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, vừa đáp ứng được mong muốn gìn giữ những giá trị truyền thống của văn hoá phố cổ?

Trong xã hội hóa các hoạt động văn hóa phố cổ. BQLPC thường xuyên mời các nghệ nhân hay người dân ở các làng nghề tham gia. Những đồ nghề vốn tạo nên sản phẩm truyền thống của làng nghề được đưa đến khu vực phố cổ, rồi chính bàn tay người thợ, nghệ nhân thực hiện các sản phẩm thủ công trước sự chứng kiến của công chúng.

Nhiều người dân và du khách rất thích thú với việc được trực tiếp làm một con diều theo cách cổ truyền, làm đèn kéo quân, đan vật dụng sinh hoạt bằng mây tre, hay tìm hiểu cách làm ra chiếc tàu thủy sắt (món đồ chơi quen thuộc của trẻ em Hà Nội những năm 80- 90 của thế kỷ trước)…

Di sản, văn hóa từ dân ra và phải được bảo tồn bởi chính những người dân sống tại khu phố cổ. Thực hiện bảo tồn văn hóa chỉ có ý nghĩa khi thật sự gắn với đời sống của người dân. Chính người dân là đối tượng thưởng thức, sáng tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. 

Chủ yếu hiện nay vẫn là tuyên truyền, giới thiệu những giá trị của văn hóa phố cổ tới người dân và du khách thông qua các hoạt động cụ thể. Chưa có những biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ hơn qua yếu tố công nghệ.

Quan trọng nhất hiện nay là phải tuyên truyền làm sao để người dân nhận thức được vấn đề phải chung tay bảo tồn những giá trị di sản trong khu vực phố cổ Hà Nội. Hàng năm, BQLPC Hà Nội vẫn có những hợp tác quốc tế nhằm thực hiện gìn giữ các di sản tốt hơn. Còn tại các điểm di sản trong phố cổ, đều bố trí đội ngũ hướng dẫn viên giới thiệu với người dân và du khách các thông tin về di sản bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Một khi người dân và du khách hiểu những giá trị di sản của phố cổ thì việc bảo tồn, gìn giữ mới làm tốt được.

Để nâng cao chất lượng nhân lực tiếp xúc với du khách, BQLPC cũng đã mời Khoa Du lịch của Viện ĐH Mở Hà Nội tới giảng dạy cho các hướng dẫn viên và các cán bộ làm mảng văn hóa của BQLPC, làm sao để đội ngũ này nắm được nội dung cần giới thiệu về di sản, nhưng quan trọng hơn là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hướng dẫn du khách (đặc biệt là du khách nước ngoài), trong quá trình họ thăm quan, tìm hiểu các di sản của phố cổ.

* Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.