Đó là khẳng đinh của PGS.TS. Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Riêng về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, PGS Dương Đức Lân cho rằng, giai đoạn này, chúng ta đang đột phá về chất lượng đào tạo, trong đó có đột phá về chất lượng đào tạo đại học nói chung và cả đào tạo nghề.
Việc đang được tập trung làm hiện nay là nỗ lực nâng cao cả số lượng, đặc biệt là chất lượng lao động qua đào tạo; từ đó tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Điều này càng quan trọng khi năm tới, Asean trở thành cộng đồng Asean.
Tiếp tục nhấn mạnh có rất nhiều thay đổi, PGS Dương Đức Lân cho biết, Quốc hội đang họp, đang chuẩn bị thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp thay cho Luật Dạy nghề hiện nay.
Luật này gồm tất cả các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề. Tất cả sẽ dồn vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
“Chúng tôi đang làm Khung trình độ quốc gia gồm 8 bậc so với Khung trình độ tham chiếu Asean, để năm tới, khi Asean trở thành cộng đồng Asean, có thể sẵn sàng công nhận các trình độ của nước ta với nước Asean; tạo điều kiện cho lao động có thể làm việc, di chuyển giữa các nước Asean một cách thuận lợi” - PGS Dương Đức Lân khẳng định.
Còn nhiều nội dung quan trọng khác, như Quyết định 1216 quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam 2011 - 2020; Chiến lược phát triển giáo dục; Chiến lược phát triển dạy nghề…, đặt ra rất nhiều điều mới cho giai đoạn này.
Chủ yếu là để tăng cường, đột phá về chất lượng; làm thế nào để Việt Nam tăng cường được năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới.
Trong hàng loạt những đổi mới gần đây của ngành Giáo dục có việc đổi mới công tác tuyển sinh. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã có quyết định về Kỳ thi THPT quốc gia nhằm hai mục đích là xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Theo PGS Dương Đức Lân, đổi mới tuyển sinh là tốt; việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, giúp giảm áp lực, tốn kém cho học sinh, gia đình và xã hội là chủ trương đúng.
Nhưng Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cũng cho rằng, điều cần quan tâm tiếp theo là làm thế nào để tuyển chọn được những sinh viên thực sự có chất lượng vào học đại học, từ đó, tạo ra đội ngũ cán bộ có chất lượng.
Đồng thời, ngành Giáo dục cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng để làm thế nào có được cơ cấu nhân lực hợp lý, đúng theo nhu cầu xã hội.