Giáo dục đạo đức, lối sống HSSV: Hiệu quả từ điều đơn giản

GD&TĐ - Để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, các trường phổ thông đã sáng tạo nhiều hoạt động thiết thực.

Thầy, trò Trường THPT Cao Lãnh 2 (Đồng Tháp) thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọc. Ảnh tư liệu
Thầy, trò Trường THPT Cao Lãnh 2 (Đồng Tháp) thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọc. Ảnh tư liệu

Học sinh tham gia chăm nom gia đình người có công, đến địa chỉ đỏ, sinh hoạt bên cột mốc chủ quyền được xây dựng trong nhà trường… Qua đó các em tích luỹ được những bài học ý nghĩa, sinh động.

Dạy đạo đức, kỹ năng từ “địa chỉ đỏ”

Cho học sinh trải nghiệm tại khu di tích; thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng hay giao lưu với nhân vật lịch sử là hoạt động thường xuyên tại Trường THPT Lấp Vò 2 (Đồng Tháp). Mỗi hoạt động, nhà trường đều hướng đến giáo dục kỹ năng sống và tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Một trong những hoạt động được thầy, trò nhà trường thường xuyên thực hiện là giáo dục học sinh gắn với “địa chỉ đỏ”. Ngoài giáo dục lịch sử, truyền thống cho học sinh, giáo viên, địa chỉ đỏ tại các khu di tích lịch sử, văn hóa còn là nơi sinh hoạt truyền thống, kết nạp đoàn viên mới…

Theo cô Lê Thị Ngọc Cẩm, Bí thư Đoàn Trường THPT Lấp Vò 2, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động về nguồn kết hợp giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh. Địa điểm tổ chức tại cụm di tích Đình Cai Châu; Đài chiến sĩ trận vong và Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Tân Mỹ. Sau khi được nghe thuyết minh, Đoàn trường tổ chức kết nạp cho thanh niên ưu tú. Các em được trao thẻ đoàn, huy hiệu đoàn, hô vang 3 lời hứa của người đoàn viên trước cờ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh các hoạt động chính, đoàn viên thanh niên còn cùng nhau làm cỏ, vệ sinh trong khuôn viên của cụm di tích. “Hoạt động tham quan địa chỉ đỏ giúp học sinh được đi dã ngoại, giao lưu nhằm nâng cao sự hiểu biết về lịch sử quê hương đất nước.  Qua đó góp phần thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp các em thêm gắn bó với bạn bè cũng như phát triển tốt khả năng tư duy, sáng tạo”, cô Ngọc Cẩm chia sẻ.

Mỗi năm học, Trường THPT Lấp Vò 2 đều tổ chức đưa học sinh đi tham quan các điểm di tích trong và ngoài tỉnh; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng; phát động nhiều phong trào thi đua tuyên truyền bằng tranh ảnh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào dịp các ngày lễ lớn…

Các em được xem phóng sự, phim lịch sử; hóa thân thành các nhân vật anh hùng trong lịch sử thông qua việc tái hiện các tác phẩm văn học, nghệ thuật… “Qua học tập trải nghiệm và tiết học về địa phương, bản thân em cảm nhận và hiểu thêm những sự kiện lịch sử, sự hy sinh của các anh hùng dân tộc. Em cảm thấy tự hào về quê hương, nơi em sinh ra và lớn lên…”, em Nguyễn Thanh Hiền, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Lấp Vò 2 chia sẻ.

Mô hình Nhà giàn DK1 ở Trường Tiểu học Trung Nhứt 1, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh tư liệu
Mô hình Nhà giàn DK1 ở Trường Tiểu học Trung Nhứt 1, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh tư liệu

“Rèn” học sinh bằng hành động thiết thực

Cũng tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ, thầy trò Trường THPT Thống Linh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) thường xuyên đến học tập và trải nghiệm tại các đồn biên phòng, khu vực biên giới của tỉnh. Thông qua hoạt động tham quan học tập trải nghiệm, các đoàn viên, thanh niên học sinh của trường đã thăm cột mốc chủ quyền biên giới, được thông tin khái quát về lịch sử truyền thống của Bộ đội biên phòng, công tác bảo vệ chủ quyền   biên giới quốc gia, công tác phân giới cắm mốc…

Thầy Huỳnh Đức Tài, Bí thư Đoàn Trường THPT Thống Linh cho hay: “Hoạt động tham quan trải nghiệm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, công tác bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Đoàn viên, thanh niên học sinh được học tập lịch sử gắn liền với tham quan và các hoạt động trải nghiệm thực tiễn. Thông qua hành trình, đoàn viên, thanh niên có dịp giao lưu, trao đổi hoạt động của các Chi đoàn; tham gia và rèn luyện kỹ năng phục vụ cho yêu cầu công tác Đoàn, phong trào của trường và của lớp”.

Tại TP Cần Thơ, mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo, nhà giàn… được xây dựng trong trường học trở thành địa điểm thân thuộc của giáo viên, học sinh. Đây còn là nơi chào cờ, hát Quốc ca, diễn ra các sự kiện quan trọng của nhà trường. Ban đầu chỉ một vài trường thực hiện, sau đó nhiều trường học ở quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ như Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Ô Môn, Phong Điền, Vĩnh Thạnh đã xây dựng mô hình cột mốc Hoàng Sa, Trường Sa. Đây được xem là nơi sinh hoạt thường xuyên của thầy trò nhà trường.

Ngoài việc xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trường Tiểu học Trung Nhứt 1, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) còn đứng ra vận động xây dựng mô hình Nhà giàn DK1. Mô hình Nhà giàn cao 7m, ngang 4m, bên cạnh còn có bảng thông tin các công trình nhà giàn trên biển và hình ảnh hoạt động của chiến sĩ, đoàn thanh niên trên các đảo thuộc vùng biển Việt Nam.

Từ khi mô hình Nhà giàn DK1 được hoàn thành, thầy trò nhà trường rất phấn khởi, nhiều hoạt động sinh hoạt, vui chơi, giáo dục pháp luật chủ quyền biển đảo đều được tổ chức tại đây… “Đây không chỉ là địa điểm tuyên truyền, là góc học tập để các em nâng cao kiến thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam, đồng thời hun đúc thêm tinh thần yêu quê hương đất nước. Việc giáo dục lòng yêu nước, giáo dục kiến thức biển đảo bằng cách làm linh động, sáng tạo này rất hay, học sinh thích thú và không nhàm chán”, anh Trương Thiếu Linh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trung Nhứt 1 chia sẻ.

Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh tăng thêm niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, mang lại cho học sinh nhiều vốn sống, kinh nghiệm phong phú, những bài học về quy luật phát triển của lịch sử trong cuộc kháng chiến của nhân dân Đồng Tháp. Cách làm này cũng giúp việc cung cấp kiến thức lịch sử cho học sinh hạn chế sự khô khan, cứng nhắc... - Thầy Trần Ngọc Trường (Tổ trưởng Tổ Lịch sử - GD Công dân, Trường THPT Lấp Vò 2)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ