Giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV-cần sự chung tay của toàn xã hội

Giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV-cần sự chung tay của toàn xã hội
 Nhiều vấn đề liên quan đến môi trường sống trong xã hội thu hút sự sự quan tâm của HSSV.
Nhiều vấn đề liên quan đến môi trường sống trong xã hội thu hút sự sự quan tâm của HSSV.

(GD&TĐ) - Trong khuôn khổ chương trình khảo sát thực trạng đạo đức lối sống, công tác giáo dục đạo đức lối sống (ĐĐLS) cho học sinh, sinh viên (HSSV) và kiểm tra tình hình triển khai Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị ở trong trường học tỉnh Gia Lai, ngày 17/12, Đoàn công tác liên ngành Bộ GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến kiểm tra, khảo sát nắm bắt tình hình thực tế tại các trường: Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, THCS Phạm Hồng Thái và TH Võ Thị Sáu.

Tại các cơ sở trường học, ngoài việc tập trung kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và triển khai sử dụng bộ tài liệu Hướng dẫn tích hợp nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đoàn công tác liên ngành đã dành phần lớn thời gian để tiến hành khảo sát, nắm bắt những biểu hiện về thái độ, nhận thức liên quan đến vấn đề giáo dục ĐĐLS của học sinh, sinh viên trong nhà trường.

Theo đó, các thành viên trong đoàn công tác đã đặt ra nhiều vấn đề trao đổi với gần 1.000 HSSV, tập trung các nội dung như: Môi trường giáo dục nào (nhà trường, gia đình, xã hội) có ảnh hưởng lớn nhất đến ĐĐLS của bản thân? Hình thức giáo dục ĐĐLS nào có tác động, ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của học sinh, sinh viên? Theo cá nhân mỗi HSSV thì nhà trường phải làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả chất lượng giáo dục ĐĐLS cho HSSV? Quan điểm của bản thân về vấn đề gian lận, tiêu cực trong thi cử? Em có suy nghĩ gì về lối sống của HSSV hiện nay? HSSV cần trang bị cho mình những kỹ năng gì nhằm phòng tránh những tệ nạn xã hội, sự lôi kéo của các đối tướng xấu vào các hành vi vi phạm pháp luật?

HSSV các trường còn trao đổi thêm các vấn đề liên quan đến thực trạng ĐĐLS của giới trẻ hiện nay. Trong đó, nhiều vấn đề có nguy cơ đáng báo động, làm ảnh hưởng đến ĐĐLS, sự nhận thức của HSSV nói chung, nhất là đối tượng HSSV các dân tộc thiểu số như: Vấn đề sống thử trong học sinh, sinh viên; Quan hệ tình dục trước hôn nhân; Tình trạng HSSV tham gia cá độ bóng đá, đánh đề, các trò chơi đỏ đen; Uống rượu bia, dẫn đến các mâu thuẫn, xung đột, gây gỗ đánh nhau trong trường học, khu ký túc xá; Tinh thần tố giác tội phạm, các hành vi xâm hại tình dục; Nhiều HSSV có nguy cơ bị sa sút về ĐĐLS…

Môi trường sống thiếu lành mạnh đang ngày càng tác động mạnh đến đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên đồng bào các dân tộc thiểu số.
Môi trường sống thiếu lành mạnh đang ngày càng tác động mạnh đến đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên đồng bào các dân tộc thiểu số.
 

Sau khi nắm bắt những vấn đề này, Đoàn công tác liên ngành cũng đã kịp thời trao đổi, thông báo với lãnh đạo các cơ sở trường học, chính quyền địa phương, lãnh đạo các ban, ngành... nhằm tìm ra các giải pháp, huy động các lực lượng trong toàn xã hội cùng tham gia vào công tác giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV.

Nhìn nhận chung về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, cũng như công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), Trưởng đoàn công tác, cho biết:

“Qua thực tế kiểm tra, khảo sát tại các cơ sở giáo dục, đoàn công tác liên ngành đã đánh giá cao công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện xuyên suốt từ các cấp, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh. Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề liên quan cần tiếp tục trao đổi thêm, những nhìn chung các trường học đã có nhiều cách làm hay, sáng kiến tốt trong việc thực hiện 2 nội dung này. Những kết quả và chất lượng của công tác giáo dục ĐĐLS trong HSSV trong nhà trường của tỉnh Gia Lai rất đáng được ghi nhận”.

Bày tỏ quan điểm về những vấn đề xung quanh các nội dung kiểm tra, khảo sát lần này, TS Trịnh Đào Chiến - Hiệu trưởng Trường CĐSP Gia Lai - cho biết: Đợt kiểm tra, khảo sát lần này của Bộ GD&ĐT của Ban Tuyên giáo T.Ư không chỉ có ý nghĩa về việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐĐLS của HSSV tại nhà trường, mà còn là dịp để cán bộ, giảng viên tự ‘soi lại mình” nhằm xứng đáng “mỗi một cán bộ, giảng viên là tấm gương” cho HSSV noi theo”.

Còn thầy Huỳnh Minh Thuận - Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Hiệu quả của việc tích hợp nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong nhà trường không chỉ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục ĐĐLS, hình thành nhân cách cho học sinh, mà còn góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, thúc đẩy động cơ phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của thầy cô giáo và mỗi học sinh”.

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ