Vượt khó khăn do Covid-19, Giáo dục Nam Định tiếp tục có bước tiến mới

GD&TĐ - Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 vừa được Sở GD&ĐT Nam Định tổ chức, ngày 24/8. Dự hội nghị có ông Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh; ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng Ban Giám đốc, Công đoàn giáo dục tỉnh Nam Định, đại diện chính quyền, Phòng GD&ĐT các huyện, thị trong tỉnh Nam Định.

Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Việt Hà
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Việt Hà

Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao trong bối cảnh dịch Covid-19

Đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học mới, ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Chất lượng giáo dục của tỉnh tiếp tục được nâng cao trong bối cảnh có tác động của dịch bệnh Covid-19. 

Theo ông Cao Xuân Hùng, năm học 2019-2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội trong nước có nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành Giáo dục.

Tuy nhiên với nỗ lực cố gắng của đội ngũ nhà giáo,cán bộ quản lý các cấp cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các Sở, ban, ngành và các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, toàn ngành GD&ĐT Nam Định đã vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong năm học 2019-2020.

Mạng lưới cơ sở giáo dục được sắp xếp lại thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của HS, phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đào tạo bồi dưỡng phát triển đội ngũ, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho 6.763 giáo viên và giáo viên cốt cán và hàng trăm lượt giáo viên đi bồi dưỡng các lớp khác. hơn 4.000 giáo viên được bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Giáo dục mầm non tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016-2020”. Chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện chuyên đề ở CSGD mầm non; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tiếp tục được nâng lên mọi mặt.

1-nam-dinh-tong-ket-nam-hoc-2019-2020
Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 của Sở GD&ĐT Nam Định. Ảnh: Việt Hà

Xây dựng triển khai mô hình phối hợp gia đình - nhà trường - cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong thời gian trẻ nghỉ do dịch Covid-19, Sở hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ tại gia đình (nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, thực đơn mùa dịch, cách phòng chống dịch); lựa chọn xây dựng một số hoạt động như giáo dục kỹ năng sống, kể chuyện, đọc thơ… đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Ở Giáo dục Tiểu học, Trung học, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng yêu cầu mới. CBQL các CSGD chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học; xây dựng thời khóa biểu phù hợp. Phần lớn GV các CSGD đều có kế hoạch dạy học trực tuyến, kế hoạch hỗ trợ HS ôn tập kiến thức với phương châm “tạm dừng đến trường không dừng việc học” (học tập qua Zoom Class Meeting, Zalo, in và làm bài tập tại nhà, làm bài trực tuyến trên OLM...) giúp HS bắt kịp chương trình ngay sau khi đi học trở lại;

Hoàn thành các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018: triển khai lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021; biên soạn, thẩm định và tổ chức triển khai các nội dung giáo dục địa phương ở các cấp học; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cốt cán, đại trà CT GDPT 2018 cho đội ngũ; rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư CSVC đủ theo quy định, bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo việc thực hiện đổi mới ở từng khối lớp, từng cấp học.

Giáo dục Trung học đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của HS, đảm bảo sát đối tượng; chú trọng công tác phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi; đổi mới mô hình tổ chức dạy học; chú trọng phương pháp và kĩ thuật tổ chức hoạt động học theo nhóm và hướng dẫn HS tự học. Trong học kỳ II, do thời gian nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở đã chỉ đạo các CSGD điều chỉnh kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với yêu cầu và thực tiễn,…

Trong năm học 2019-2020, học sinh Nam Định 78/93 học sinh dự thi đoạt giải quốc gia, với 4 giải Nhất, 22 giải Nhì, 27 giải Ba, 25 giải Khuyến khích; 12 học sinh được tham dự chọn đội tuyển dự thi Olympic Quốc tế. 2 học sinh xuất sắc đã được chọn vào đội tuyển Quốc gia dự thi Olympic quốc tế (môn Toán, môn Hóa học); đặc biệt em Đàm Thị Minh Trang đoạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế. 

Tổ chức thành công Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh; ngày hội STEM và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; chọn 2 sản phẩm KHKT xuất sắc nhất tham dự kỳ thi quốc gia và đạt 1 giải Nhì quốc gia và 1 giải phụ...

Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Bộ về GD&ĐT tại địa phương

Thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp của ngành năm học 2020-2021 theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, phù hợp với thực tế của địa phương; tham mưu trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch phát triển GDĐT giai đoạn 2020-2025;

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; Tăng cường nền nếp, kỷ cương trong các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục tại các CSGD. Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, vận dụng hiệu quả các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, các hình thức đánh giá nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn của HS.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 1; tuyên truyền các SGK đã lựa chọn và tuyên truyền tới toàn thể HS, cha mẹ học sinh và cộng đồng về danh mục SGK nhà trường đã lựa chọn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện việc công khai đối với các cơ sở giáo dục; giám sát chặt quản lý thu - chi, xử lý nghiêm các vi phạm; Thực hiện nghiêm quy định quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.

Làm tốt công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tiếp tục tổ chức các kỳ thi chọn HS giỏi các cấp, thi tuyển sinh đầu cấp, khảo sát chất lượng, đảm bảo thiết thực, khách quan đáp ứng yêu cầu đổi mới. Triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý kiểm định chất lượng giáo dục. Các trường đã đạt chuẩn quốc gia cần củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn, nhất là các tiêu chuẩn về chất lượng dạy học, bồi dưỡng đội ngũ và CSVC…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.