Sáng sớm, trong căn phòng chừng hơn 30 m2 của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 Đông Anh, Hàn Huy Dũng khẽ kéo chiếc tủ đựng đồ bệnh nhân ra giữa phòng làm việc, tránh gây ồn ảnh hưởng tới giấc ngủ của mọi người.
"Làm việc ít thôi, giữ gìn sức khỏe nhé Dũng. Trưa nay ăn gì để chúng tôi phục vụ?", tiếng một điều dưỡng cất lên sau khi để phần ăn sáng lên bàn. Ngẩng đầu nói lời cảm ơn, anh bật máy tính rồi kết nối vào nhóm làm việc, tiếp tục dự án chế tạo chiếc máy rửa tay không chạm.
Huy Dũng hiện đang là giảng viên Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Từ Anh về Việt Nam sau một khóa học ngắn hạn vào ngày 14/3. Ngay khi tới sân bay Nội Bài, anh được chuyển lên Trường quân sự Sơn Tây để cách ly tập trung. Bốn ngày sau, Dũng có biểu hiện sốt cao, đau họng, cơ thể mệt mỏi, anh được đưa đến Viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Đến thời điểm hiện tại, Dũng vẫn không biết mình nhiễm bệnh từ đâu bởi trong suốt chuyến công tác, anh luôn phòng ngừa rủi ro khi đeo khẩu trang ra đường và rửa tay thường xuyên. "Việc động chạm vào các đồ dùng công cộng khi ở Anh có thể chính là nguyên nhân khiến tôi lây bệnh", anh nhận định.
Vào ngày bệnh trở nặng, cơn đau kéo từ nửa đầu sang hai hốc mắt cùng với những trận sốt trên 39 độ vẫn là nỗi ám ảnh Huy Dũng mỗi khi nhớ lại. Sau một tuần điều trị, các triệu chứng giảm dần và biến mất. Cuối tháng 3, anh nhận kết quả âm tính nCov nhiều lần liên tiếp, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh.
Trong thời gian trên giường bệnh, anh giảng viên Bách Khoa cảm nhận được sự tận tâm của các bác sỹ và y tá ở đây. Nằm cạnh giường anh là hai bệnh nhân cao tuổi với nhiều bệnh nền, cơ thể yếu nên vệ sinh tại chỗ, điều dưỡng thay nhau phục vụ không lời ca thán. Một lần, qua cửa kính anh thấy vị bác sĩ gỡ chiếc khẩu trang sau khi xử lý cấp cứu cho bệnh nhân nặng ở phòng bên cạnh. Dù khoảnh khắc đó rất ngắn ngủi, nhưng gương mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ và những ngày làm việc căng thẳng của vị bác sĩ khiến anh trăn trở.
"Họ nhiều tháng nay không được về nhà vì chăm sóc những bệnh nhân như tôi rồi", Dũng nói và mong muốn làm được điều gì đó để san sẻ gánh nặng với bác sĩ tại đây.
Nhận thấy dù là tuyến đầu chống dịch, nhưng khắp bệnh viện, mọi người đều sử dụng chung nước rửa tay khô từ những chai dung dịch đặt sẵn ngoài cửa phòng. Một ý tưởng về chiếc máy rửa tay không chạm lóe qua đầu Dũng bởi trước đây anh từng hướng dẫn sinh viên chế tạo chiếc máy này. Tuy nhiên vì hoạt động nhóm nhỏ với mục đích giáo dục nên giá thành chiếc máy rất cao. "Muốn có được giá rẻ nhất để các trường học, bệnh viện đều có thể sử dụng, chỉ có cách sản xuất số lượng lớn", Dũng nghĩ.
Khi nêu ý tưởng với người bạn Nguyễn Hữu Phước Nguyên, đang là giám đốc một doanh nghiệp, Dũng lập tức nhận được sự ủng hộ. Dự án sản xuất máy rửa tay không chạm giá rẻ được triển khai với đội ngũ kỹ sư lên đến 10 người, Dũng phụ trách thiết kế và những việc liên quan đến điện tử, chế tạo máy.
Đầu tháng 4, công việc của Dũng cũng như đội sản xuất được bắt đầu.
Hàng ngày, kê máy tính cá nhân lên trên chiếc tủ bệnh nhân, anh cùng cộng sự dựng lên hình hài đầu tiên cho chiếc máy. Xác định đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên và bệnh nhân tại bệnh viện - những người có khả năng lây nhiễm Covid-19 cao - nhóm làm việc đã xác định, máy phải có thiết kế để treo hay đặt được ở nhiều vị trí khác nhau, bình chứa có thể thay đổi để chứa ít hoặc nhiều dung dịch khử trùng.
Mục tiêu của nhóm trong vòng ba tuần phải hoàn thành thiết kế và sẵn sàng sản xuất hàng loạt với giá hợp lý để kịp thời phục vụ cộng đồng khi hết cách ly. Tuy nhiên trong bối cảnh cách ly toàn xã hội, việc tìm được linh kiện phù hợp trong và ngoài nước là thách thức không nhỏ.
"Gần một tháng nhóm làm việc không nghỉ ngày nào. Có thời điểm chúng tôi thảo luận tới nửa đêm để chốt thiết kế, kịp thời đưa vào sản xuất", Dũng nói và cho biết đã phải "đập đi" làm lại nhiều lần các bản thiết kế khác nhau do chi phí đắt hoặc không đủ nguồn linh kiện cần thiết.
Gần một tuần sau, mô hình bằng gỗ của chiếc máy rửa tay không chạm được hình thành. Máy hoàn toàn tự động, khi người sử dụng đưa tay vào ngăn rửa trong thời gian 2 giây, máy sẽ tự phun dung dịch vừa đủ, sau đó đưa tay ra ngoài và xoa đều làm sạch. Điều này không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn sử dụng một lượng dung dịch sát khuẩn vừa đủ, không gây lãng phí. Đặc biệt người dùng sẽ tránh được việc tiếp xúc với bề mặt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
"Nhưng đó mới chỉ là mô hình, còn để đưa vào thực tiễn cần nhiều thời gian hơn để điều chỉnh", vị giảng viên nói và cho biết, thời gian tham gia dự án, trong đầu anh luôn đặt câu hỏi làm thế nào để máy sử dụng dễ nhất, làm sao chọn được linh kiện tốt nhưng có giá thành rẻ nhất.
Giữa tháng 4, sau hơn 20 ngày làm việc, chiếc máy mẫu đầu tiên được hoàn thiện. Được người bạn gửi cho hình ảnh thử nghiệm, Dũng nhắn: "Làm sao để sản xuất hàng loạt với giá rẻ để phục vụ được nhiều người nhất có thể". Nói xong anh vươn vai đứng dậy, ra sân đón ánh nắng mặt trời, việc lâu lắm không có thời gian thực hiện.
Anh Phước Nguyên, người cùng tham gia dự án chia sẻ, sẽ tặng 20 máy đầu tiên cho các bệnh viện và trường học cần gấp, đồng thời cho biết giá thành của loạt máy đầu tiên ở mức thấp nhất trên thị trường, bằng 1/3 so với giá sản phẩm ngoại nhập cùng chất lượng.
"Số máy chuẩn bị đưa vào sản xuất là khoảng 1.000 máy để đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện, trường học trong thời điểm Covid-19 vẫn hoành hành", anh Nguyên nói.
Những ngày giữa tháng 4/2020, trên giường bệnh, Dũng vẫn làm việc liên tục bên chiếc máy tính cá nhân. Bên cạnh dự án máy rửa tay không chạm, trước đó anh đã tham gia một số dự án về thiết bị y tế khác như máy thở, buồng khử khuẩn dành cho các bệnh viện trong mùa Covid-19, ngay khi vừa hết sốt.
"Tôi phải tăng tốc và nhanh chóng thực hiện các dự án phục vụ cộng đồng khi bản thân còn khỏe mạnh, bởi bệnh tật chẳng chừa một ai", anh nói và cho biết so với việc bỏ tiền túi để giúp đỡ một vài người, những dự án này của anh sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn.