Trang bị tư duy, nhận thức
Là sinh viên năm 2, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Phạm Thị Ngọc Kiều và các bạn được trang bị kiến thức về phòng, chống tham nhũng thông qua nhiều hoạt động từ chính khóa đến ngoại khóa.
Ngọc Kiều đã hiểu được tác hại của tham nhũng và có ý thức trau dồi kiến thức, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức trong sáng để trở thành công dân tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. “Quan trọng hơn, chúng em nắm được kiến thức pháp luật để có thể phản biện, đấu tranh khi đối diện với các biểu hiện tham nhũng”, Ngọc Kiều khẳng định.
“Từ kiến thức được học, em đã chú ý hơn đến “lời ăn, tiếng nói”, hành động việc làm của mình. Mỗi khi mua sắm, thực hiện các nhiệm vụ lớp giao phó, em đều ý thức đó là việc chung để tránh “vung tay quá trán”.
Thay vì lãng phí thời gian vào các hoạt động vô bổ, em chú ý hơn trong sử dụng, phân bổ thời gian học tập để đạt kết quả cao như mong muốn”, Diệu Linh bày tỏ.
Từ khi được trang bị những nội dung kiến thức về phòng, chống tham nhũng, Cao Diệu Linh - học sinh lớp 12A6, Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) nhận diện được những biểu hiện của hành vi này. Tham nhũng, không chỉ có trong lĩnh vực kinh tế, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như: Tham nhũng thời gian, “ẩn nấp” trong quà tặng…
Theo cô Trần Thị Xuân Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ), triển khai giảng dạy nội dung về phòng, chống tham nhũng trong trường học có ý nghĩa quan trọng với học sinh và giáo viên.
Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được áp dụng linh hoạt vào các bài giảng, lồng ghép ở một số môn học, hoạt động ngoại khóa, cuộc thi… giúp giáo viên, học sinh nâng cao ý thức về thực trạng tham nhũng; từ đó có ý thức, trách nhiệm hơn với bản thân trong hành động và việc làm. Trên hết, giúp thầy - trò xây dựng lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các hành vi tham nhũng dù chỉ là manh nha.
Khẳng định, đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy cho học sinh là cần thiết, cô Hà nhấn mạnh, việc xử lý các hành vi tham nhũng là giải pháp khắc phục phần “ngọn”. Muốn “chặn” từ gốc, thì một trong những giải pháp quan trọng là giáo dục sớm cho học sinh, giúp các em có hiểu biết kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng, tránh tư tưởng trục lợi sau khi trưởng thành và đi làm.
Trước mắt, trang bị cho học sinh khái niệm, nguyên nhân và các biểu hiện của hành vi tham nhũng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến hậu quả, biện pháp phát hiện hành vi. Trên cơ sở đó, giúp các em có nhận thức đúng đắn, hình thành kỹ năng, thái độ và sống lành mạnh, có lý tưởng, trách nhiệm. Quan trọng hơn, trang bị cho học sinh ý thức trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tôn trọng hiến pháp và pháp luật.
Phạm Thị Ngọc Kiều năng nổ tham gia các hoạt động tình nguyện. Ảnh: TG. |
Chuyển động tích cực
Nội dung phòng, chống tham nhũng được cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) lồng ghép trong nhiều bài học, tiết học và các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề này được cô chú trọng chuyên sâu hơn ở bài 3, môn Giáo dục công dân lớp 12 “Công dân bình đẳng trước pháp luật”.
Điều cô Huyền muốn hướng đến là, giáo dục học sinh nhận thức về những hành vi tham nhũng, từ đó có ý thức bài trừ, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Trước mắt, giáo dục các em có lối sống lành mạnh, giản dị, trung thực, không tham lam.
Từ thực tế giảng dạy, cô Huyền nhận thấy, nội dung phòng chống tham nhũng thu hút sự quan tâm, chú ý của học sinh, bởi đây là vấn đề dù không mới nhưng luôn có tính thời sự. Qua đó, góp phần trang bị cho các em kiến thức cơ bản về phòng, chống tham nhũng; nâng cao ý thức của người học trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm với cộng đồng.
Đồng thời, hình thành và phát triển phẩm chất liêm chính, năng lực tự vệ của học sinh trước thực trạng tham nhũng, có thái độ lên án, đấu tranh để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong trường, lớp.
“Nhiều học sinh nhặt được của rơi đã trả lại người bị mất; một số em khi thấy bạn bỏ quên đồ đã biết cất, giữ hoặc gửi lại cô giáo, bác bảo vệ để trả lại. Đáng chú ý, nhiều em biết chi tiêu tiết kiệm, không lãng phí thời gian, tiền bạc… Với nhiều việc làm, cử chỉ, hành động của học sinh đã cho thấy, nội dung kiến thức về phòng, chống tham nhũng đã chuyển động tích cực; từng bước thẩm thấu và chuyển hóa thành tư duy, nhận thức, việc làm cụ thể”, cô Huyền cho hay.
Đồng tình với quan điểm, “phòng hơn chống” và lấy phòng ngừa tham nhũng là chính, bà Hồ Thị Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị) nhìn nhận, cần chú trọng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Theo bà Minh, thay đổi nhận thức không chỉ trong “một sớm, một chiều” mà phải được thực hiện bằng kế hoạch dài hơi, kiên trì, bền bỉ, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Do đó, việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo là một trong những giải pháp hữu hiệu của lộ trình này.
Đây là chủ trương đúng đắn, nhận được sự hưởng ứng tích cực của dư luận xã hội. Qua đó cho thấy, quyết tâm của Đảng, Nhà nước rất lớn trong việc mở rộng phạm vi và gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy Nhà nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014; đến nay 100% các trường thuộc khối THPT đã tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng.
Tuyệt đại bộ phận học sinh cấp THPT được tiếp cận, học tập nội dung này. Đối với các học viện, đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm, việc giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp theo hướng giáo dục đạo đức lối sống liêm chính.