Những khoản thu vô lý
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thành công lớn nhất của đề án là hoàn thành mục tiêu nghiên cứu. Để thực hiện được cơ chế dân chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của các trường học, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kiến nghị sớm triển khai Hội đồng giám sát cộng đồng trong các trường học. Nếu không đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng giám sát cộng đồng trường học sẽ khó thực hiện dân chủ và tự chủ trong các nhà trường, khó giải quyết được tận gốc vấn đề lạm thu.
Đầu năm học 2022 - 2023, tình trạng “lạm thu” xảy ra ở một số trường, đặc biệt có những khoản vô lý, gây bức xúc với phụ huynh. Đơn cử, một số nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng góp “tiền bàn ghế, tiền bảng, tiền mua rèm cửa”, rồi cả tiền xây dựng trạm biến áp. Có trường học đề xuất các loại phí mới như tiền thuê máy tính, điểm danh bằng vân tay...
Nhiều khoản thu “độc” và “lạ” kể trên bị dư luận phê phán khi được cơ quan truyền thông hoặc phụ huynh học sinh phản ánh. Các đơn vị liên quan đã vào cuộc nhắc nhở, ngăn chặn, yêu cầu chấn chỉnh và buộc phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu - chi tài chính trong trường học.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường học là nơi để đội ngũ nhà giáo truyền thụ kiến thức và dạy đạo làm người cho học sinh. Vì thế, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng không được để xảy ra những hành vi tiêu cực, nhất là việc “lạm thu”, làm ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Để tuyên chiến với nạn lạm thu một cách triệt để, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, một mặt, cần tiếp tục công khai, minh bạch, giáo dục nhận thức cho cộng đồng về những khoản được thu, không được thu (theo Thông tư 55) trên mạng xã hội, trang tin điện tử của các cơ quan quản lý, nhà trường và thậm chí bảng thông báo vật lý trong không gian nhà trường. Mặt khác, cần tăng cường các nguồn lực đầu tư cho cơ sở giáo dục tương xứng; giám sát sử dụng một cách hiệu quả. Làm thế nào để những chiếc máy cái tạo ra giá trị của một ngôi trường chính là giáo viên với hoạt động giáo dục của họ có cuộc sống bảo đảm để yên tâm công tác.
Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để ngăn chặn “lạm thu” trong nhà trường. Theo đó, tại Hà Nội, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố.
Trên bình diện chung, các cơ sở giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí; nội dung chi phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan có thẩm quyền. Tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.
Để ngăn chặn “lạm thu”, vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh rất quan trọng. Chia sẻ thông tin, theo PGS.TS Trần Thành Nam, yêu cầu đặt ra là ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, tuyệt đối không được thu các khoản không đúng quy định. Việc thu, chi của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Ảnh minh họa. |
Vì sao thiếu minh bạch?
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, trường nào cũng có ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục, giám sát thu chi. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành cả Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh để tạo “hành lang pháp lý” cho tổ chức này hoạt động. Nhưng lạm thu vẫn xảy ra và phần lớn liên quan đến ban đại diện cha mẹ học sinh do sự thiếu minh bạch trong thu chi dưới những cái tên - tự nguyện, thỏa thuận.
Ở nhiều nơi, ban đại diện cha mẹ học sinh lại biến tướng trở thành cánh tay đắc lực trong việc vận động và thu các khoản tự nguyện, thỏa thuận cho trường. Họ có quyền giám sát, nhưng lại yếu thế vì sợ “mất lòng” nhà trường, ảnh hưởng đến con cái. Chính vì điều này mà việc than cứ than nhưng rất ít phụ huynh dám lên tiếng, lộ mặt bày tỏ quan điểm của mình về các khoản thu.
Để chống lạm thu hiệu quả, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cần tăng cường các nội dung giám sát. Từ năm 2013, Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đã xây dựng, thí điểm đề án Hội đồng giám sát cộng đồng trường học. Đề án được triển khai đến năm 2015 tại 6 trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai và đã đúc rút được một số kinh nghiệm quý báu.
Hội đồng giám sát trong trường học vẫn “trao quyền” cho phụ huynh, nhưng không chỉ là giám sát mà còn có quyền quyết định. Thành phần của hội đồng tuyệt đối không có thành viên ban giám hiệu nhà trường mà bao gồm phụ huynh và đại diện các ban, ngành địa phương nơi trường hoạt động: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học...
Hội đồng giám sát được tham gia trực tiếp vào hoạt động thu, chi các khoản ngoài ngân sách của trường học. Hội đồng được quyền cùng bàn bạc với ban giám hiệu, đại diện cha mẹ học sinh về các khoản cần đóng góp. Sau khi thống nhất, Hội đồng được giám sát thực hiện thoả thuận của nhà trường. Như vậy, phụ huynh trực tiếp tham gia và quyết định vào các khoản thu chi của trường.
Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh từ sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh và nguồn tài trợ hợp pháp. Nghiêm cấm việc quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho phụ huynh. Phụ huynh có quyền từ chối ủng hộ khi được ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện. Không được huy động ủng hộ các hoạt động: Khen thưởng giáo viên, hỗ trợ hoạt động dạy học.
Cô Ngô Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Là một trong 6 trường thực hiện thí điểm đề án “Xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học”, nhà trường nhận thấy các giáo viên, phụ huynh và cộng đồng dân cư đều ủng hộ, mong muốn có cơ chế giám sát chặt chẽ và khách quan đối với các trường.
Đến nay, nhà trường vẫn áp dụng những bài học kinh nghiệm của mô hình hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học để ngăn tình trạng lạm thu. Mỗi khoản thu thỏa thuận đều được công khai, minh bạch, dưới sự giám sát của phụ huynh và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương.