Có trường đưa ra dự kiến thu lên tới vài triệu đồng nhưng khi báo chí, hay cơ quan chức năng vào cuộc, hiệu trưởng lại xin rút hoặc “đổ lỗi” cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.
“Đá bóng” trước khi thổi còi
Theo quy định, các khoản thu ngoài ngân sách phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương, phòng giáo dục. Thông tư 16 ban hành năm 2018 của Bộ GD&ĐT về tài trợ giáo dục với những quy định chặt chẽ nhằm giám sát, quản lý các nguồn vận động tài trợ giáo dục, để người đứng đầu các trường học không tư lợi, không lợi dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục dẫn đến tình trạng lạm thu, cào bằng.
Tại mỗi trường, có Ban thanh tra nhân dân, Ban đại diện hội cha mẹ học sinh cũng tham gia công tác giám sát. Tuy nhiên, nhiều nơi công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng.
Đầu năm học 2022 – 2023, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Quảng Phú 2 (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) phản ánh, theo thông báo của giáo viên, có nhiều khoản thu ngoài quy định như tiền vệ sinh lớp học (180 nghìn đồng/em), kế hoạch nhỏ (30 nghìn đồng), xã hội hóa (80 nghìn đồng).
Tiền quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh do cô giáo thông báo chứ không phải lấy ý kiến từ phụ huynh. Phụ huynh phải đóng quỹ của cả lớp và trường với tổng số tiền là 200 nghìn đồng. Tiền hỗ trợ cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày là 900 nghìn đồng/năm học. Tính ra, một học sinh lớp 1, tất cả khoản thu phải đóng đầu năm lên tới xấp xỉ 4,4 triệu đồng, trong đó có 500 nghìn đồng tiền đồng phục.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, thầy Nguyễn Quyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Phú 2 lại cung cấp danh sách các khoản thu khác hẳn với mức đóng mà phụ huynh phản ánh. Trong đó, chỉ có khoản thu bảo hiểm y tế, quỹ đội, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, nước uống, tiền ăn bán trú và giấy kiểm tra.
Nhiều khoản thu, ông Quyền cho biết mới dự kiến, chưa tiến hành thu vì còn phải họp bàn và có sự thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Với khoản tiền vệ sinh lớp 180 nghìn đồng/học sinh, thầy Quyền cũng thừa nhận mức thu như vậy là quá nhiều và nhà trường không yêu cầu giáo viên thu khoản này.
Phụ huynh Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cũng phản ánh, giáo viên thông báo mức đóng tiền quỹ lớp là 250 nghìn đồng, quỹ hội 200 nghìn đồng và vận động tài trợ tự nguyện là 200 nghìn đồng/học sinh.
Cũng tại địa bàn huyện Sa Thầy, thông qua giáo viên chủ nhiệm, Trường Tiểu học Hùng Vương thông báo thu khoản tiền xã hội hóa với mức 300 nghìn đồng/học sinh để sửa chữa trần nhà phòng ăn bán trú. Ngoài ra, mỗi phụ huynh còn đóng thêm 350 nghìn đồng cho cả quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và lớp.
Cô Dương Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương cho biết, các khoản thu xã hội hóa của nhà trường đều dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và không ấn định số tiền cụ thể như phản ánh. Nguồn thu từ xã hội hóa, nhà trường dự định sẽ mua rèm che trước các dãy phòng học để che mưa, che nắng. Cũng theo cô Hảo, những khoản thu tự nguyện, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhờ giáo viên chủ nhiệm thu hộ nên nhà trường chưa nắm được số tiền cụ thể mà các lớp đã thu.
Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa). |
Nhà trường… vô can?
Trung tuần tháng 10 vừa qua, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Yên Trung (Yên Định, Thanh Hóa) có phản ứng về việc “lạm thu”. Thế nhưng, khi làm việc với Báo GD&TĐ, cô Trương Thị Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Do Ban đại diện cha mẹ học sinh bàn bạc, thống nhất và thu tiền, nhà trường chỉ đồng hành thôi”.
Cô Thanh thừa nhận nhà trường có thu khoản 20 nghìn đồng để chi thưởng cho học sinh tham gia câu lạc bộ. Còn việc thu tiền lắp quạt, bóng đèn là “do Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra huy động, thu tiền”.
Tương tự, với tiền đồng phục, nữ hiệu trưởng cũng quả quyết: “Tiền áo đồng phục do phụ huynh liên hệ đặt với nhà may, mức giá 80 nghìn đồng cho số áo cỡ 1 và 90 nghìn đồng cho số áo lớn. Còn vở ô ly loại 60 trang có in logo, với giá 9 nghìn đồng/quyển, nhà trường thông báo, ai cần thì mua (nhưng mua ở ngoài thì phải đúng chủng loại và có in logo của trường - PV). Có em chỉ mua vài 3 quyển thôi, vì đã có một số vở nhà trường tặng thưởng”.
Giải thích về khoản tiền vệ sinh học đường, nữ hiệu trưởng nói: “Nhà trường chỉ thu 100 nghìn đồng/em, để mua chổi, xà phòng, giấy vệ sinh và thuê người cọ rửa nhà vệ sinh. Còn khối lớp 1, lớp 2 do phụ huynh huy động đóng góp để quét trực nhật hàng ngày ở lớp”. Số tiền mà phụ huynh học sinh lớp 1, 2 phải đóng là 150 nghìn đồng/em, nhưng nữ hiệu trưởng cho rằng... không biết?.
Như vậy, với cách lý giải của nữ hiệu trưởng ngôi trường này, tất cả đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi đóng góp, nhà trường “vô can”. Điều đáng nói, đến ngày 7/10, Phòng GD&ĐT huyện Yên Định chưa ký duyệt cho một trường học nào trên địa bàn về việc thu các khoản đóng góp đầu năm học. Tuy nhiên, Trường Tiểu học Yên Trung đã thực hiện thu tiền, khiến phụ huynh phản ứng.
Tương tự, Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa), dự kiến tổng các khoản thu cho năm học lên tới hơn 10 triệu đồng/học sinh. Khi phụ huynh phản ánh, báo chí vào cuộc, Thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa xác minh và đã chỉ ra những hạn chế của ban giám hiệu ngôi trường này.
Theo Thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa, nhà trường chưa có dự toán chi tiết thu - chi các khoản thu phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục để định mức thu; dự toán chưa cụ thể các hạng mục để thực hiện xã hội hóa. Đối với khoản thu thuê bao tài khoản học, ôn luyện, thi trực tuyến, điểm danh thông minh, kiểm soát nền nếp với mức 100 nghìn đồng/học sinh/năm là chưa đúng tinh thần hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và giáo viên chủ nhiệm lớp triển khai một số khoản thu không đúng quy định, chưa có chủ trương, như: Tiền lao động, tiền khảo sát 6 môn học; huy động kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường và lớp, quỹ lớp là chưa đúng quy định Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT.
Thanh tra Sở GD&ĐT cũng cho rằng, để xảy ra hạn chế, tồn tại trên, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng. Ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm có liên quan.
Do đó, Thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu nhà trường tạm dừng triển khai các khoản thu năm học 2022 - 2023, trừ khoản theo quy định của Nhà nước. Nhà trường không triển khai thu các khoản tiền trái quy định và chưa có chủ trương (lao động, khảo sát chất lượng...); xây dựng dự toán thu - chi đối với các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục làm cơ sở xác định mức thu... Thanh tra Sở cũng yêu cầu nhà trường tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm có liên quan, xử lý vi phạm (nếu có), đồng thời khắc phục những hạn chế...
Chưa chặt chẽ
Trước khi vào năm học mới, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục đều ban hành công văn hướng dẫn các trường học thực hiện khoản thu rất cụ thể. Thông tư 16 quy định về vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân với 3 hình thức tài trợ bằng tiền, bằng hiện vật và tài trợ phi vật chất với những quy định được cho là chặt chẽ, tránh tình trạng cào bằng và lạm thu dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường học ở Thanh Hóa vẫn đưa ra dự kiến nhiều khoản thu không có trong quy định. Đơn cử, có trường học thu: Hỗ trợ tiền điện, bảo vệ, vệ sinh trường lớp, mua giấy vệ sinh, vận chuyển rác, thuê quét lớp, trực ban... Ngoài ra, phụ huynh còn phải đóng góp các khoản, như: Quỹ phụ huynh trường; lớp; tiền xã hội hóa; học thêm; dịch vụ giáo dục... Thậm chí, ở thành phố Thanh Hóa, có trường thu tiền ủng hộ cơ sở vật chất của học sinh ngoài phường cao hơn em trong phường.
Có một thực tế, những khoản thu xã hội hóa hầu như không có phiếu thu và thường được “núp” dưới danh nghĩa tự nguyện, không nằm trong sổ sách. Chỉ đến khi phụ huynh có đơn thư, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, thanh tra, kiểm tra. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã có văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu tại cơ sở giáo dục công lập tại địa phương. Theo đó, cấm tuyệt đối việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu tiền bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Đây là căn cứ để phụ huynh học sinh đối chiếu với những khoản thu không hợp lý, thông tin đến các cơ quan chức năng nếu xảy ra tình trạng lạm thu.
Ở một góc độ khác, chị Phạm Thị Ngọc Hà (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, để xảy ra tình trạng lạm thu thì phụ huynh cũng có một phần lỗi. Tâm lý chung của các phụ huynh nằm trong Ban đại diện phụ huynh là muốn tiến hành cho nhanh, gọn việc thu – chi nên thường phổ biến nhanh hoặc ấn định một con số nào đó. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng bày tỏ thái độ rõ ràng, thẳng thắn khi không đồng ý với mức thu hoặc khoản thu nào đó. Vì vậy, việc đóng góp các khoản tự nguyện trở thành mặc nhiên và cứ đầu mỗi năm học thì nhiều phụ huynh lại bức xúc với các khoản thu tự nguyện và vẫn tự nguyện đóng góp…
Tại nhiều trường, công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa chặt chẽ. Bởi lẽ, khi thực hiện các khoản huy động, ban giám hiệu nhà trường “định hướng” trước cho Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong cuộc họp này, mỗi lớp sẽ có vài 3 người đại diện tham gia và bàn bạc, thống nhất các khoản đóng góp trên tinh thần “tự nguyện”. Sau đó, tiến hành họp phụ huynh ở từng lớp học. Thế nhưng, vì sao khi họp phụ huynh, thì “cả lớp đồng thuận”, mà sau đó lại vẫn có phản ánh việc “lạm thu”?
Thực tế mà nói, tâm lý của đa số phụ huynh đều không muốn phản ứng trực diện tại cuộc họp, mà cứ giơ tay biểu quyết vì sợ ảnh hưởng đến con, em mình. Chính vì điều này, nhà trường “đổ lỗi” hết mọi chuyện tiền nong cho Ban đại diện cho mẹ học sinh khi có cơ quan chức năng hay báo chí vào cuộc, như Trường Tiểu học Yên Trung là một ví dụ.
Ở một số địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp hàng năm đều tổ chức giám sát các khoản thu tự nguyện ở một vài trường học. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thông tin, các công trình xã hội hóa, tài trợ giáo dục phải có hồ sơ sổ sách cùng những thủ tục đi kèm.
Như Ban đại diện cha mẹ học sinh tặng bạt chống nắng cho nhà trường thì phía phụ huynh phải xây dựng một bản kế hoạch nêu mục đích, có bản thiết kế đi kèm, thuyết minh nguồn tài chính, rồi mời các cấp xuống thẩm định, nghiệm thu, khi thi công phải xuất hóa đơn… Với quy định về tài trợ giáo dục, những đóng góp của phụ huynh dù bằng tiền hay hiện vật đều phải có hồ sơ sổ sách, phiếu thu đi kèm. Đây cũng là cách để hạn chế việc Ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành “bia đỡ đạn” cho lãnh đạo nhà trường khi bị phát hiện lạm thu.
Việc giám sát các khoản tiền thu từ phụ huynh học sinh cũng rất khó. Bởi lẽ, theo quy định về khoản tiền học thêm ở bậc THCS trở lên, nhà trường phải chi 75% cho giáo viên trực tiếp giảng dạy. Còn 25%, bổ sung vào nguồn kinh phí của đơn vị, bao gồm: Chi công tác quản lý dạy thêm, học thêm, chi tiền điện, tiền nước sinh hoạt, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm, trích quỹ theo quy định… trong đó dành tối thiểu 5% trên tổng số thu cho tăng cường cơ sở vật chất. Tuy nhiên, thực tế thì khó mà rành mạch được các khoản chi này, bởi nhiều trường vẫn thực hiện thu hỗ trợ tiền điện, xã hội hóa...