Cần có giám sát hai gói hỗ trợ
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng, dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đến nay hết sức khốc liệt, có thể sẽ tiếp tục và sẽ tái đi tái lại cho đến năm 2022. “Chúng ta thấy các nước đã tiêm chủng rồi như Mỹ, Anh hay châu Âu nhưng vẫn tái đi tái lại. Do đó, tôi đề nghị vấn đề đảm bảo an sinh xã hội là quan trọng bên cạnh thành tích về vấn đề vắc-xin. Do đó, cần có giám sát về gói hỗ trợ năm 2020 là 62.000 tỷ và năm nay là 26.000 tỷ” – đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và nguy hiểm. Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân, bước đầu đã khoanh vùng, cơ bản kiểm soát được tình hình.
Hiện nay, cả nước đang hướng về TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Mục đích nhằm chia sẻ, động viên, góp công sức để cùng nhau chống lại dịch bệnh bùng phát lần thứ tư. Cùng với kết quả phòng, chống dịch, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy vậy, cử tri cả nước vẫn còn băn khoăn. Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có tính thời điểm, giải quyết tình huống cấp bách. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng, công tác triển khai thực hiện còn lúng túng, xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp với bối cảnh, tình hình.
Do vậy, giải ngân kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đạt tỷ lệ thấp, không đạt được mục tiêu như dự kiến. Cử tri đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các cấp, cơ quan liên quan cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Mục đích nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người dân một cách thực chất, thiết thực hơn.
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công điện số 05 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục quan tâm, khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23. Nội dung chính về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội theo đặc thù của địa phương. Chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện.
Đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác, các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần rà soát, thống kê, tiến hành chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bảo đảm an toàn, kịp thời.
Không cần thêm bất cứ hướng dẫn nào
Một số địa phương triển khai gói an sinh 26 nghìn tỷ đồng rất nhanh. Hàng nghìn người đã nhận được tiền hỗ trợ như TPHCM, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Cần Thơ...
Trái ngược với các tỉnh triển khai nhanh, còn không ít tỉnh, thành chậm trễ thực hiện. Cụ thể, Hà Nội và Lai Châu ngày 22/7 mới ký thông qua kế hoạch triển khai. Hà Giang, Hưng Yên, Đắk Lắk ký ngày 21/7. Hòa Bình ký ngày 20/7...
Dù mất tới 2 tuần lãnh đạo các tỉnh trên mới ký ban hành kế hoạch triển khai nhưng đa số các kế hoạch trên cơ bản cũng chỉ là những điều chỉ dẫn lại điều kiện, thủ tục, đầu mối xử lý, thời gian giải quyết... giống như Quyết định 23 của Thủ tướng.
Trước đó, nhằm đưa chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đến đúng đối tượng, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm ban hành quy định về thủ tục hành chính hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Điều này làm căn cứ để các địa phương dễ dàng triển khai. Đây cũng là đề xuất của đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương và một số địa phương khác.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, quy trình, thủ tục hành chính hỗ đã được quy định rõ ràng tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Vì vậy, không cần thêm bất cứ hướng dẫn nào. Các địa phương cần nghiên cứu rõ các nội dung để triển khai. Bộ khuyến khích các địa phương cắt giảm thêm thủ tục, càng đơn giản thì chính sách hỗ trợ sẽ càng nhanh đến với người lao động.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận cho biết, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội từ Trung ương tới địa phương đã bố trí nguồn kinh phí, con người. Điều này bảo đảm tiếp đón các nhóm đối tượng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Việc xét duyệt hồ sơ sẽ diễn ra trong thời gian ngắn nhất.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng khẳng định: “Chúng tôi đã quán triệt trong toàn ngành. Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ về các chính sách bảo hiểm xã hội, các bộ phận không được yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động bổ sung bất kỳ thủ tục nào. Thời gian xét duyệt hồ sơ diễn ra trong ngày”.
Hồi tháng 4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng với kế hoạch hỗ trợ 20 triệu người yếu thế. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, đến cuối tháng 5/2021, gần 13,2 triệu người nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trích từ ngân sách Nhà nước.
Ngày 1/7, Chính phủ thông qua gói an sinh 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch.
Trước thực tế giải ngân gói 26 nghìn tỷ đồng chưa nhanh như kỳ vọng, ngày 21/7, Bộ LĐ-TB&XH đã có công điện hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành triển khai nhanh nhất chính sách của gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Việc đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh.