Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng: Sẽ “rút kinh nghiệm” từ gói trước

GD&TĐ - Gói hỗ trợ 26.000 tỷ lần này sẽ rút kinh nghiệm những bất cập ở gói hỗ trợ trước. Nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý, DN, NLĐ rất đồng tình. Đây sẽ là giải pháp phục hồi SX, ổn định tình hình lao động, việc làm. 

Thủ tục và điều kiện dễ dàng hơn trước để người lao động tiếp cận với gói hỗ trợ. Ảnh minh họa
Thủ tục và điều kiện dễ dàng hơn trước để người lao động tiếp cận với gói hỗ trợ. Ảnh minh họa

Điểm mới trong 12 nhóm chính sách

Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố quyết định về việc thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. Quyết định này được căn cứ theo Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trước đó, để giúp đỡ lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gói hỗ trợ lần 1 trị giá gần 62 nghìn tỷ đồng cũng được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ ban hành.

Ủy ban Kinh tế đã đánh giá các chính sách chưa thực sự “chạm” tới được người dân, doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi dịch. Nhiều khoản chưa được giải ngân, một số chỉ tiêu hỗ trợ không đạt được như kế hoạch đặt ra.

Khái quát lại những điểm mới trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động lần này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách giảm đóng bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp có 4 điểm mới đáng qua tâm.

Đó là giảm mức đóng từ 0,5% xuống 0% và tất cả người lao động đều hưởng chính sách bình thường. Người sử dụng lao động sử dụng toàn bộ tiền này hỗ trợ người lao động.

Ngoài ra, lực lượng vũ trang, người hưởng lương Nhà nước không thụ hưởng chính sách này. Đối với người lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam đóng bảo hiểm này thì vẫn được thụ hưởng.

Về chính sách hỗ trợ người cách ly F0, F1, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cả người lớn và trẻ em đều được hưởng chính sách tiền ăn 80 nghìn/ngày, nhưng tối đa 21 ngày. Chi phí điều trị được hỗ trợ thanh toán theo thực tế, tối đa 45 ngày.

Trẻ em được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Phụ nữ mang thai và đang nuôi con dưới 6 tuổi thì mẹ và mỗi cháu được hỗ trợ 1 triệu đồng khi bị ngừng việc và nghỉ việc do dịch hoặc đang bị cách ly.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng giải thích thêm về đối tượng được hỗ trợ là nghệ sĩ thì phải là người có chức danh nghề nghiệp hạng 4. Tức là mức lương khởi điểm 1,86, thu nhập thấp. Hiện cả nước có khoảng 2.000 người thuộc đối tượng này.

Đây cũng là lần đầu tiên áp dụng chính sách với hướng dẫn viên du lịch, trong khi đối tượng này bị ảnh hưởng từ đầu dịch cho đến nay. Hiện, cả nước có 26.000 người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Về chính sách hỗ trợ lao động tự do và đối tượng khác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, Chính phủ đã bàn rất kỹ vì đây là đối tượng giảm thu nhập sâu, khó khăn nhất. Đặc biệt là họ không có tích lũy.

“Rút kinh nghiệm gói hỗ trợ trước là phải về quê lấy xác nhận rất phiền phức. Vì vậy, thủ tục lần này là không cần lấy xác nhận ở quê mà ở đâu lấy ở đó. Sau đó hậu kiểm liên thông để tránh nay hưởng chỗ này, mai chỗ khác” – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết. 

Cuộc cách mạng táo bạo

Ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc Công ty Dịch vụ hỗ trợ lao động và việc làm cho rằng, Nghị quyết lần này đã được ban hành khá kịp thời. Nghị quyết này sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn do Covid-19.

Nghị quyết đã đưa ra các nguyên tắc hỗ trợ như: Phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để dễ dàng tiếp cận chính sách. Do vậy chính sách sẽ đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Thực tế, nhiều chính sách, gói hỗ trợ không đi vào đời sống do đưa ra quá nhiều điều kiện và đối tượng thụ hưởng không đáp ứng được. Vì vậy, cần bỏ bớt điều kiện cho nhóm đối tượng thụ hưởng.

Ông Thành cũng cho rằng, để việc hỗ trợ đến được với người lao động một cách kịp thời có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và chủ động của UBND các tỉnh, thành phố trong việc xác định đối tượng bị tổn thương nhất. Từ đó cần hỗ trợ cấp bách nhất để ban hành các chính sách cho phù hợp theo nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Ông Thành chia sẻ, gói hỗ trợ lần này được xây dựng trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những bất cập ở gói hỗ trợ trước. Gói hỗ trợ lần 2 có sự chia sẻ thông tin, thảo luận giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đặc biệt là sự lắng nghe tích cực từ cơ sở, từ tổ chức công đoàn, từ phía người sử dụng lao động và từ các địa phương đã trải qua các đợt dịch.

“Người lao động hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, gói hỗ trợ lần này sẽ thiết thực, có tính khả thi và đáp ứng được mong mỏi của người dân và doanh nghiệp” – ông Thành nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, điều quan trọng hơn là quyết định lần này đơn giản hóa tối đa thủ tục, rút ngắn thời gian với phương châm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng nhất. Theo đó, nội dung gì luật quy định thì phải chấp hành. Còn lại Thủ tướng, Chính phủ cho phép các địa phương vận dụng tối đa.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay chắc chắn còn khó khăn, không thể kết thúc trong ngày một, ngày hai. Đặc biệt là người lao động ở những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu suốt thời gian qua như du lịch, giao thông vận tải, hàng không, lao động tự do... Chính vì vậy, rất cần sự hỗ trợ nhanh, kịp thời của Nhà nước, của cộng đồng đến tay người dân.

Với thủ tục và điều kiện dễ dàng hơn trước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian ngắn để tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ là một cuộc cách mạng táo bạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.