TPHCM khẩn cấp triển khai nhiều gói hỗ trợ

GD&TĐ - Do ảnh hưởng và chịu tác động nặng nề của dịch, hàng triệu người lao động cùng các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh buôn bán đang gặp muôn vàn khó khăn.

Người dân TP hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Người dân TP hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Để giúp người dân, TPHCM đang khẩn cấp triển khai các gói hỗ trợ. 

Hỗ trợ và giải ngân ngay

Để giúp người dân, UBND TPHCM đã quyết nghị giải ngân ngay lập tức gói hỗ trợ lần 2 (886 tỉ đồng) vào ngày 6/7.

Sẽ có 6 nhóm được hỗ trợ gồm: Hỗ trợ tiền ăn; hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống.

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Gói hỗ trợ thể hiện trách nhiệm của chính quyền TP trước những khó khăn của người dân. Trong đó, quan tâm đến công nhân lao động, người lao động tự do, người yếu thế trong xã hội.

“Việc chi hỗ trợ phải kịp thời, triển khai nhanh mà không phiền hà, làm nhanh mà có hiệu quả nhất và công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách. Gói hỗ trợ vào năm 2020, người lao động phải làm thủ tục.

Gói hỗ trợ năm nay, người lao động sẽ không phải làm giấy tờ thủ tục. Trách nhiệm làm thủ tục do người sử dụng lao động và của cơ quan hành chính ở phường, xã, thị trấn địa phương thực hiện. Mục tiêu là giải ngân sớm nhất cho người dân trong vòng 1 tháng” - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Thịnh - một người chạy xe ôm tại TP Thủ Đức cho biết: Ông rất vui mừng và mong chờ khoản hỗ trợ này. Tuy nhiên, ông Thịnh băn khoăn, với những lao động tự do như ông làm thế nào để được nhận hỗ trợ.

“Trước kia, tôi chạy xe ôm một ngày cũng kiếm được 200.000 đến 300.000 đồng. Còn bây giờ kiếm 100.000 đồng thôi cũng khó vì không có người đi. Tôi nghe tivi, báo đài nói nhiều là những người lao động tự do như tôi sẽ được TP hỗ trợ. Tuy nhiên, tôi chưa biết cách thức nào để được nhận, vì vậy rất mong được hướng dẫn” - ông Thịnh nói.

Tương tự, anh Lê Bình Trung - chủ hộ kinh doanh đồ điện tại chợ Thủ Đức cho biết: Dịch hoành hành, chợ bị dừng bán, việc kinh doanh buôn bán và thu nhập của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện, 4 nhân viên đều phải nghỉ làm nhưng tiền mặt bằng thuê kinh doanh vẫn phải trả khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Việc TP triển khai gấp gói hỗ trợ cho người dân thật sự tôi rất vui, rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước” - anh Trung nói.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TPHCM, gói hỗ trợ lần này của TP sẽ bao quát và hỗ trợ đến nhiều đối tượng yếm thế. Ông Tấn cho biết: Tính riêng 3 nhóm lao động được hưởng hỗ trợ đã có khoảng 235.000 người thuộc diện hỗ trợ.

Trong đó, nhóm 1 là người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương (80.000 người); nhóm 2 là người lao động chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (24.500 người); nhóm 3 là người lao động không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch (230.000 người). Riêng kinh phí hỗ trợ 3 nhóm người lao động là gần 554 tỉ đồng.

Kích hoạt thêm gói hỗ trợ lớn

Ngày 1/7, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP, TP cũng đang tính toán, xây dựng để kích hoạt triển khai gói hỗ trợ này bên cạnh gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM (gói 886 tỉ).

“Ngoài các nhóm hỗ trợ đã trùng khớp, TP sẽ rà soát, bổ sung để thực hiện hỗ trợ đối với nhóm được quy định trong Nghị quyết 68 mà Nghị quyết 09 chưa quy định. Quá trình triển khai gói hỗ trợ này, TP vừa giám sát vừa tăng cường hậu kiểm, lựa chọn bất kỳ hồ sơ của các doanh nghiệp, địa phương thực hiện để kiểm tra, nhằm bảo đảm thực hiện chi đúng gói hỗ trợ” - ông Hoan cho biết.

Với mục tiêu hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành 2 gói hỗ trợ lớn gồm gói 62.000 tỉ đồng năm 2020 và gói 26.000 tỉ đồng năm 2021. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm của gói 62.000 tỉ đồng khiến nhiều doanh nghiệp nản vì chờ đợi và vướng thủ tục.

Để giải quyết những bất cập đang tồn tại, tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo bộ và các cơ quan chuyên môn của Bộ LĐ,TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã yêu cầu các cơ quan giản lược tối đa thủ tục, điều kiện làm sao cho đơn giản, thông thoáng nhất.

Chẳng hạn, với gói hỗ trợ trước, thủ tục tiếp nhận, xem xét và giải quyết các hồ sơ là 4 ngày, nay cần rút xuống chỉ 1 ngày, cùng lắm là 2 ngày phải giải quyết, trả lời cho doanh nghiệp.

Được biết, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 42 (gói 62.000 tỉ đồng), tính đến cuối tháng 5/2021 đã có gần 13,2 triệu người nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trích từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, hơn 11,9 triệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách nhận hỗ trợ gần 11.800 tỉ đồng.

Với nhóm lao động tự do như người bán hàng rong, xe ôm không có hợp đồng lao động bị mất việc làm, đã hỗ trợ được hơn 1 triệu người với kinh phí trên 1.000 tỉ đồng; hơn 37.000 hộ kinh doanh tạm đóng cửa đã hỗ trợ hơn 37 tỉ đồng.

Để tránh rơi vào việc chậm giải ngân như gói 62.000 tỉ đồng, tại buổi làm việc để triển khai gói hỗ trợ 886 tỉ đồng cho người dân, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu; trong vòng 7 ngày từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan chức năng phải thẩm định, phê duyệt và chi trả ngay tiền hỗ trợ, hoặc phản hồi lại người dân nếu thuộc trường hợp không đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Phương thức chi trả là thông qua tài khoản cá nhân của NLĐ, chủ hộ kinh doanh, thương nhân tại các chợ truyền thống; trường hợp người dân không có tài khoản thì chi trả trực tiếp tiền mặt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ