Giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong tuần qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một điểm đáng chú ý trong Báo cáo là tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm.

Tỷ lệ này đạt cao nhất vào năm 2014 với 15,75% doanh nghiệp được hỏi cho biết luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được. Tuy nhiên, đến năm 2021 thì chỉ còn 4,55% doanh nghiệp trả lời như vậy.

Diễn biến trên cho thấy rủi ro pháp lý trong việc ban hành pháp luật đang ngày một gia tăng với cộng đồng doanh nghiệp. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp và theo đó sẽ cản trở sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, Báo cáo chỉ ra rằng, doanh nghiệp tư nhân trong nước thường nhạy cảm với rủi ro pháp lý (gồm cả trong ban hành và thực thi pháp luật) hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Lý do là doanh nghiệp Nhà nước thường có lợi thế trong mối quan hệ với cơ quan Nhà nước cả trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật nên ít phải đối mặt với rủi ro thay đổi chính sách đột ngột hoặc sự thiếu nhất quán trong thực thi pháp luật từ phía chính quyền.

Các doanh nghiệp FDI thì được bảo hộ theo các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam và trường hợp có xung đột với chính quyền nước sở tại sẽ có sự hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan ngoại giao.

Ngược lại, doanh nghiệp tư nhân trong nước không có những lợi thế đó, lại bị hạn chế về quy mô vốn, công nghệ, trình độ quản lý…

Nếu muốn phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, muốn công nghiệp hóa đất nước dựa trên các doanh nghiệp tư nhân, bắt buộc phải có môi trường đầu tư kinh doanh rất ổn định, đặc biệt là giảm các rủi ro pháp lý, tăng cường sự ổn định và khả năng dự đoán được của pháp luật có liên quan đến kinh doanh.

Và để giảm rủi ro thay đổi quy định của pháp luật, điều quan trọng là phải tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và các cam kết quốc tế có liên quan.

Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp biết trước được quy định để có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, mà còn giúp tránh được các quy định đưa ra thay đổi sốc, ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã đẩy mạnh công tác lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật thông qua nhiều hình thức.

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp phản ánh họ bị bất ngờ, lúng túng khi văn bản pháp luật được ban hành và thực thi. Quá trình lấy ý kiến vẫn chưa thực sự thân thiện với doanh nghiệp.

Các dự thảo được đăng tải trên mạng nhưng ít khi các cơ quan Nhà nước cung cấp thêm các tài liệu như báo cáo thực tiễn thi hành, báo cáo đánh giá tác động, tờ trình hoặc bản thuyết minh, bản tóm tắt các vấn đề liên quan đến kinh doanh. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải theo dõi quá nhiều dự thảo mà không có định hướng rõ ràng.

Thêm vào đó, việc giải trình và tiếp thu ý kiến doanh nghiệp góp ý hiện nay chưa được minh bạch. Dù các cơ quan soạn thảo luôn phải chuẩn bị bản giải trình, tiếp thu ý kiến nhưng chỉ để trình cấp có thẩm quyền chứ không đăng tải công khai. Việc chỉ đăng tải dự thảo lần đầu mà không đăng tải các phiên bản sau cũng vẫn khá phổ biến.

Tất cả những hạn chế trên hoàn toàn có thể được cải thiện để công tác lấy ý kiến được thực chất hơn, qua đó giúp giảm rủi ro pháp lý trong việc ban hành pháp luật - tiền đề quan trọng để khu vực tư nhân lớn mạnh và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.