Từ hơn 271 bài dự thi, chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục đã tìm ra 3 công trình phục vụ giáo dục xuất sắc nhất. Trong đó, công trình “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe” .
Sản phẩm này của nhóm tác giả đến từ Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) được đánh giá cao vì hứa hẹn những đột phá trong giảng dạy ngành Y Khoa nếu được đầu tư và ứng dụng trong thực tế.
Chia sẻ về đề tài này, anh Lê Văn Chung - Trưởng nhóm nghiên cứu công trình - cho biết: Môn giải phẫu là môn cơ bản và quan trọng nhất trong đào tạo ngành Y đòi hỏi phải có nguồn xác hiến nhưng do quá trình bảo quản xác phức tạp và vấn đề văn hóa tâm linh người Việt nên nguồn xác hiến phục vụ công tác giảng dạy khan hiếm.
Ngoài các trường Đại học lớn, trọng điểm như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y - Huế có xác hiến, các trường còn lại đều cho sinh viên học trên các mô hình, tranh, tiêu bản và hình ảnh 2D hoặc dùng các phần mềm lậu trên của nước ngoài.
Với điều kiện khó khăn về xác hiến như vậy, công nghệ 3D thực tại ảo sẽ là giải pháp tối ưu giải quyết bài toán này. “Chúng tôi tạo ra cơ thể ảo hoàn chỉnh với những chi tiết toàn toàn giống người thật với tỉ lệ chính xác có thể in 3D thành các bộ phận thay thế được” – Anh Lê Văn Chung giải thích về công trình.
Mô phỏng thực tại ảo 3D trong giảng dạy ngành Y |
Tác giả Lê Văn Chung nói thêm: “Sản phẩm 3D thực tại ảo của chúng tôi xây dựng sẽ giúp hỗ trợ sinh viên học môn giải phẫu có thể tương tác, trực quan và bóc tách các chi tiết trên cơ thể ảo giúp người học hình dung, quan sát các chi tiết một cách đầy đủ và đúng đắn, các mốc giải phẫu được tùy biến…”
Khi thực hiện công trình, nhóm tác giả Đại học Duy Tân gặp nhiều khó khăn, cần sự thẩm định đúng đắn của các giáo sư đầu ngành nên đã tìm tới Đại học Y dược Huế. "Rất may là nhiều thầy tâm huyết, thích thú với đề tài này nên một hội đồng chuyên khoa của Đại học Y dược Huế được thành lập, thẩm định độ chính xác của công trình và chấp nhận đưa vào thực tế giảng dạy", anh Chung cho biết.
Thời gian tới, không dừng lại ở việc phát triển cơ thảo phục vụ cho môn giải phẫu, nhóm nghiên cứu sẽ phát triển mô phỏng nội soi và mổ nội soi trên cơ thể ảo này nhằm giúp hỗ trợ sinh viên, cán bộ y tế thực hành bộ môn nội soi.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ phát triển mô phỏng nội soi và mổ nội soi |
Ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên Ban giám khảo - cho rằng: Đây là một công trình có tính khả thi cao và phải tiếp tục được nghiên cứu để phục vụ giải phẫu thật với công nghệ mô phỏng 3D.
Đại diện Ban tổ chức chương trình, Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long - cho rằng chương trình sẽ thành công nhiều hơn nữa nếu những công trình dự thi, sau khi được ứng dụng trong thực tế, thực sự mang lại hiệu quả cho hoạt động giáo dục.
Hy vọng rằng chương trình sẽ là chiếc cầu nối thuyết phục giữa những nguồn lực từ xã hội với các công trình, tác phẩm được tạo nên bởi những khối óc và tâm huyết của tri thức trẻ Việt Nam dành cho sự nghiệp giáo dục nước nhà”.
Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình khuyến khích trí thức trẻ dưới 35 tuổi sáng tạo vì ngành giáo dục ở ba nội dung: phương pháp học mới, sáng chế dụng cụ học tập và nghiên cứu giáo dục.
Qua 5 tháng triển khai, chương trình tiếp nhận 267 sáng kiến, trong đó có 108 công trình đổi mới phương pháp dạy học, 92 sáng kiến chế tạo công cụ dạy học mới, 67 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Tác giả nhỏ nhất 12 tuổi, có tác giả gửi 10 sáng kiến dự thi.
Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục sẽ được tổ chức thường niên và kéo dài đến năm 2020.