Giải pháp hiệu quả ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền

GD&TĐ - Tràn lan, phức tạp, thách thức, nan giải… Đó là những từ được các chuyên gia đưa ra nhằm mô tả thực trạng của vấn nạn vi phạm bản quyền...

Biểu đồ thể hiện lịch sử ngành giải trí và vi phạm bản quyền được cung cấp bởi ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia. Ảnh: Bình Thanh.
Biểu đồ thể hiện lịch sử ngành giải trí và vi phạm bản quyền được cung cấp bởi ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia. Ảnh: Bình Thanh.

Và, lời giải cho bài toán này được đưa ra, song mới dừng ở giải quyết hiện tượng, vụ việc…

Top 3 xấu xí

Các chuyên gia, diễn giả tham dự tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số” do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và Thủ Đô Multimedia phối hợp tổ chức đều bức xúc đưa ra những con số biết nói của thực trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam.

Theo luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+, vi phạm bản quyền tràn lan trên Internet. Việt Nam đang đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu (nguồn Media Partners Asia).

“Nhưng nếu tính trên đầu người, chúng ta đứng thứ nhất khu vực về vi phạm bản quyền số. Có 4 khu vực xảy ra nhiều nhất: Website lậu, ứng dụng, mạng xã hội và tivi box (trước đây). Tivi box đã từng là vấn nạn trong thời gian dài, nhưng hiện nay khi mua box về, có lúc xem được, lúc không; có những box không cho phép tải ứng dụng để xem”, bà Thủy nói.

Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho biết, hàng loạt website vi phạm bản quyền (website lậu) các giải bóng đá cũng như phim.

Theo số liệu từ SimilarWeb, trong hai năm qua, có khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỷ lượt view và hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng.

“Đặc biệt, thời gian gần đây phát hiện ra một số website lậu đã chuyển sang hình thức truyện tranh Anime của Nhật. Các đơn vị chủ sở hữu ở Nhật Bản đang có những phản ứng gay gắt về hình thức vi phạm này ở Việt Nam”, ông Hải thông tin.

Cũng nhắc đến thực trạng đáng buồn: Top 3 khu vực và top 9 trên thế giới về vi phạm bản quyền (sau dịch Covid-19), ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia gọi đó là một “mê cung”.

Theo ông Hân, khái niệm “vi phạm bản quyền” xuất hiện khi có Internet, từ năm 1990. Nhất là khi việc phân phối trên Internet của phát thanh, truyền hình, nhạc số phát triển, thực trạng này ngày một nhức nhối, không chỉ bó hẹp trong nước mà còn xuyên quốc gia.

Đồng thời, nó xảy ra trên nhiều nền tảng, số thiết bị có thể bị vi phạm như: Mobile, đầu thu - lên đến 4 tỷ thiết bị; web - khoảng 2,65 tỷ (của một đơn vị cung cấp trình duyệt). Hơn nữa, vi phạm bằng cách phát lại trực tuyến (re-streaming) cũng rất phổ biển: Các đối tượng dùng máy quay để quay lại trực tiếp rồi phát lại trên nền tảng YouTube hoặc các nền tảng trực tuyến khác, hoặc cắm các đầu thu HDMI vào để thu lại nội dung rồi phát tán trên Internet.

“Khi phân phối qua Internet, hạ tầng càng mở rộng thì vi phạm càng nhiều nên trở thành một mê cung - có đến 80% vi phạm trên các nền tảng số và nội dung bị vi phạm nhiều nhất thuộc về chương trình truyền hình, phim, nhạc, sách. Chúng ta phải đối diện với các thách thức, từ vi phạm xuyên biên giới đến giải pháp bảo vệ bản quyền của các hãng nếu bị thủng sẽ là lỗ hổng dễ bị khai thác”, ông Hân nhấn mạnh.

Thông tin cụ thể về cách thức vi phạm, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số Phạm Hoàng Hải còn cho biết, đặc điểm của các web vi phạm bản quyền là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ẩn giấu thông tin; hoạt động công khai, thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. Các đơn vị quản lý web lậu thường gắn quảng cáo độc hại, cá độ, cờ bạc trên những trang này.

“Hình thức vi phạm điển hình của các web vi phạm bản quyền là ngay sau khi chủ sở hữu quyền phát sóng, đăng tải nội dung trên các nền tảng như OTT, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh…, các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm bằng cách livestream nội dung lên mạng xã hội hoặc cắt ghép, đăng tải nội dung”, ông Hải thông tin.

Chặn không xuể

Luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+ thuyết trình tại tọa đàm. Ảnh: Bình Thanh.

Luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+ thuyết trình tại tọa đàm. Ảnh: Bình Thanh.

Theo ông Phạm Hoàng Hải, các biện pháp kỹ thuật đã và đang được áp dụng để ngăn chặn vi phạm bản quyền số là Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử phối hợp cùng Cục An toàn thông tin và các chủ sở hữu bản quyền phát hiện web, xác minh điều tra các nội dung vi phạm và gửi yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) thực hiện ngăn chặn việc người dùng Internet Việt Nam truy cập vào.

Khi đó, người dùng ở Việt Nam sử dụng smartphone, máy tính sẽ không truy cập được website vi phạm; nhưng người ở nước ngoài vẫn truy cập được.

Theo thống kê, từ tháng 8/2022 - 8/2023, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể quyền ngăn chặn gần 1.000 website bóng đá lậu như xoilac.1tiengruoi.link, xoivo4.com, coichua.net, tammao.tv, 90link.com, xoilac.live, xemtructiep.xyz...

“Biện pháp chặn truy cập vào các trang vi phạm bản quyền đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi thói quen của người dùng. Khảo sát của CAP cho thấy, 23% người dùng Internet Việt Nam trả lời sẽ không truy cập web lậu hoặc ít truy cập do tác động của việc chặn truy cập.

Tuy vậy, vẫn đang tồn tại một số bất cập: Biện pháp, thời gian chặn chưa thống nhất giữa các ISP, xảy ra tình trạng có ISP chặn ngay lập tức, nhưng có ISP chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn khiến cho khó đối phó tên miền mới”, ông Phạm Hoàng Hải nói.

Luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+ cũng cho biết biện pháp chặn truy cập đã khiến tỷ lệ vi phạm giảm xuống, dù khiêm tốn chỉ là 3% (2023) và nhiều khi chặn không xuể.

Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, cũng có 3 mức chặn. Khi đó, chủ thể quyền gửi đơn đến nhà mạng thì quy trình là 72 giờ, do ISP phải xác minh lại xem đó có đúng là chủ thể quyền không còn thông qua cơ quan Nhà nước là 24 giờ.

Theo bà Thủy, một điểm mới hỗ trợ cho việc phát sóng trực tiếp, là chặn ngay lập tức, nhưng phải có cách nào để xác định nhà mạng đã nhận được yêu cầu hay chưa để thực hiện việc đó. Đồng thời, việc phải chứng minh thiệt hại, thu lợi bất chính và khi nộp đơn đến cơ quan công an phải có bằng chứng là những khó khăn đặt ra đối với biện pháp pháp lý.

“Trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng biện pháp hành chính dân sự và hình sự rất nan giải. Thời gian của các vụ việc bị kéo dài, khoảng 2 - 3 năm và tiêu biểu như vụ Phimmoi đã kéo dài 4 năm, song vẫn chưa có kết quả cuối cùng”, bà Thủy cho biết.

Biểu đồ thể hiện thực trạng vi phạm bản quyền số trong khu vực và trên thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí 'xấu xí', được cung cấp bởi luật sư Phạm Thanh Thủy. Ảnh: Bình Thanh.

Biểu đồ thể hiện thực trạng vi phạm bản quyền số trong khu vực và trên thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí 'xấu xí', được cung cấp bởi luật sư Phạm Thanh Thủy. Ảnh: Bình Thanh.

Giải pháp nào hiệu quả?

Vấn nạn vi phạm bản quyền, nhất là âm nhạc, điện ảnh và truyền hình số - những lĩnh vực đặc thù, có nhiều vụ việc vi phạm về bản quyền nhất trong thời gian qua và cũng khó xử lý nhất.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), thời gian qua, nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này được các tổ chức như hội thảo về bảo vệ bản quyền số báo chí; hội nghị về sáng tạo nội dung số, quảng cáo số và bảo vệ bản quyền số; các buổi thảo luận về vấn đề bảo vệ bản quyền phim, game…

Cùng với đó, một lực lượng góp sức trong công cuộc khai thác và bảo vệ bản quyền số gồm tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trung tâm, doanh nghiệp sáng tạo, kinh doanh tập trung vào phim ảnh, âm nhạc, game… được thành lập.

Trung tâm bảo vệ bản quyền nội dung số đã đề xuất các giải pháp như: Thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý Nhà nước và các ISP; thiết lập cơ chế chặn linh hoạt - chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi chặn.

Cùng với đó, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN) hoặc cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực. Thủ Đô Multimedia thì đưa ra giải pháp Sigma

Multi-DRM duy nhất tại Đông Nam Á và thứ 20 trên thế giới. Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia, giải pháp có 3 lớp bảo vệ đầu tiên (SAO), ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để giải quyết các vấn đề phức tạp của vi phạm bản quyền như: Phát hiện và loại bỏ VPN, các mối đe dọa đa chiều: Can thiệp hệ điều hành, tấn công dịch vụ, giả mạo ứng dụng, kháng lại giả mạo gói tin.

“Bằng cách chọn Sigma Multi-DRM với SAO, các đài truyền hình OTT và nhà phát hành phim trực tuyến đang thể hiện tầm nhìn dài hạn và cam kết với chất lượng, an ninh nội dung trong tương lai kỹ thuật số”, ông Hân cho biết.

Luật sư Thủy thì cho rằng biện pháp “Knock and Talk - Gõ cửa và nói chuyện” cũng rất đáng lưu tâm. Cụ thể, thường những đối tượng điều hành, quản lý website hay ẩn giấu, không tìm được. Để thực hiện biện pháp này, cần có đội điều tra chuyên nghiệp với bộ 3: Điều tra viên, luật sư và chủ sở hữu quyền.

“Đó là cách làm mới và là kinh nghiệm của Hiệp hội Điện ảnh mới. Sau khi điều tra tất cả hành vi vi phạm, nhà chức trách sẽ gõ cửa và yêu cầu dừng vi phạm bản quyền với nhiều cấp độ. Đã có vụ việc được giải quyết theo biện pháp “Gõ cửa và nói chuyện” này chỉ mất vài tháng, vẫn hiệu quả hơn so với biện pháp hành chính”, bà Thủy đánh giá.

“Mô hình chặn truy cập chủ động ở Anh cũng xin lệnh của tòa án cùng những tiêu chí xác định về web vi phạm, và cứ phát hiện các web theo tiêu chí đã được tòa án phê duyệt thì chủ thể quyền có thể báo ISP chặn.

Ở Anh, khoảng 1 - 2 phút lại có đợt chặn và họ có công cụ hỗ trợ các bên cập nhật danh sách website vi phạm. Chúng tôi cho rằng, mô hình chặn chủ động như của Anh giúp chống vi phạm bản quyền hiệu quả hơn. Không hướng tới mô hình chặn chủ động, chúng ta sẽ luôn luôn thua” - Luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.