Năm học 2020 - 2021, cùng với dạy học trực tuyến, nhiều địa phương tích cực triển khai dạy học trên truyền hình. Dù hạn chế về thời lượng phát sóng, cần nhiều thời gian, kinh phí để chuẩn bị bài, song dạy học trên truyền hình lại có thể tiếp cận nhiều đối tượng hơn, nhất là học sinh khó khăn, không có phương tiện để học trực tuyến. Dạy học trên truyền hình giúp mọi người học đều có cơ hội được học giáo viên giỏi. Với học sinh nhỏ tuổi, chưa có khả năng sử dụng công nghệ để học trực tuyến thì học qua truyền hình cũng là giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả…
Cách thường được địa phương thực hiện là sở GD&ĐT lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán xây dựng chương trình, bài dạy theo hướng dẫn tinh giản nội dung của Bộ GD&ĐT; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương ghi hình, phát sóng theo khung giờ phù hợp.
Sau mỗi chuyên đề, bài dạy, học sinh, học viên sẽ được giáo viên bộ môn của trường hướng dẫn làm bài tập, bài kiểm tra theo yêu cầu; hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên bộ môn thu lại bài theo hình thức phù hợp, đánh giá, nhận xét kết quả học tập của học sinh, học viên… Những bài giảng này cũng được gửi về Bộ GD&ĐT để lựa chọn phát trên kênh truyền hình quốc gia, mở rộng phạm vi tiếp cận bài giảng cho học sinh cả nước. Dù đây là công việc còn mới mẻ, nhưng chỉ riêng năm 2020, đã có hàng ngàn video bài giảng chất lượng hỗ trợ học sinh khắp các tỉnh, thành.
Đã có kinh nghiệm từ năm 2020, phương án dạy học trên truyền hình được không ít địa phương lên kế hoạch từ đầu năm, nằm trong kịch bản chung triển khai năm học trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, nếu năm 2020, bài dạy trên truyền hình chủ yếu dành cho các lớp cuối cấp, năm nay có địa phương đã chuyển hướng ưu tiên cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là học sinh lớp 1, 2. Đặc biệt, cách tiếp cận mới được đưa ra là dạy học theo công nghệ truyền hình, các video bài giảng sẽ được phát trên nhiều nền tảng, khắc phục được hạn chế về thời lượng phát sóng khi chỉ phát trên kênh truyền hình.
Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã phối hợp với VTV7 xây dựng 56 chủ đề học tập đối với môn Tiếng Việt lớp 1 và 35 chủ đề học tập đối với môn Tiếng Anh lớp 1, dùng chung cho tất cả bộ sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các tài liệu này được gửi về nhà trường, hướng dẫn giáo viên, phụ huynh học sinh thông qua các phần mềm miễn phí, thông dụng hoặc trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… tạo điều kiện thuận tiện cho giáo viên, phụ huynh hướng dẫn các em học tập. Kho bài giảng ngày càng dày lên là nguồn học liệu quý, nhưng việc này sẽ cần phải tiếp tục thực hiện một cách quy mô, bài bản hơn nữa để đáp ứng nhu cầu học tập trong bối cảnh đặc biệt.
Và đương nhiên, trong các phương án, việc chú ý ưu tiên, tận dụng tối đa “thời gian vàng” để tổ chức dạy học trực tiếp các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc vẫn là tối quan trọng để hoàn thành chương trình bảo đảm chất lượng và phù hợp với độ tuổi.