Vậy nên, các thầy cô và nhà quản lý đều chung nhận định, dạy học từ xa đã không thể, chứ nói gì đến công nhận kết quả.
Khi công nghệ không song hành cùng thiếu thốn
Huyện Mường Nhé (Điện Biên) có 38 trường học từ MN đến THCS, với khoảng hơn 15.800 học sinh. Địa phương này được ví như “Trường Sa cạn” bởi khó khăn cứ bám lấy người dân bao đời nay.
Cuộc sống thiếu thốn trăm bề nên cách dạy học thời dịch cũng khác dưới xuôi. Khi các địa phương đang đôn đáo triển khai các biện pháp dạy - học qua truyền hình, Internet, giáo viên ở đây cũng “gồng mình” tìm cách truyền thụ kiến thức cho học sinh.
“Đa số học sinh không thể theo học bằng 2 hình thức trên. Do vậy, chúng tôi yêu cầu các trường bằng mọi cách kết nối với phụ huynh để gửi bài cho các con. Thực hiện giãn cách xã hội, GV không thể đến từng nhà để chuyển phiếu học tập, hướng dẫn, kiểm tra như trước”, ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé chia sẻ.
Huyện Tủa Chùa (Điện Biên) có hơn 12 nghìn học sinh tiểu học và THCS. Ở đây, hầu hết con em đồng bào dân tộc Mông, sống rải rác trên triền núi cao. Toàn huyện có 3/12 xã, thị trấn có thể tiếp cận với sóng truyền hình địa phương, tương ứng 15 - 20% học sinh có thể theo học qua truyền hình và Internet. Số còn lại được thầy cô “ship” bài tập đến tận nhà. Do vậy, chất lượng không như mong muốn bởi ý thức học tập không đồng đều. Có em giáo viên đến nhà không gặp hoặc bận chăm em, phụ bố mẹ việc gia đình.
Ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Dạy - học qua truyền hình và Internet ở hầu hết các trường thuộc 15 xã trên địa bàn huyện là vấn đề nan giải, bởi đời sống của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn.
“Ngoài khu vực thị trấn, ở các xã còn lại, việc tiếp cận với công nghệ thông tin, truyền hình đều khó. Thế nên, chúng tôi chỉ đạo các trường, bằng các biện pháp: Phân công giáo viên mang phiếu bài tập đến tận nhà cho học sinh, gửi người dân, trưởng thôn, bản mang bài về cho các cháu...”, ông Nguyễn Xuân Thuận chia sẻ.
Trường Tiểu học Na Cô Sa, xã Na Cô Sa (Nậm Pồ) có 906 học sinh theo học ở 11 điểm bản. Toàn trường chỉ có khoảng 30/906 học sinh có điều kiện học trực tuyến. Số còn lại, các thầy cô mang phiếu học tập lên tận nhà để giao và hướng dẫn làm bài.
“Có mấy hộ ở trên núi cao, lại không có điện thoại. Chẳng biết liên lạc thế nào nên em cứ đi, cuối cùng chẳng gặp được. Hôm nay em lại lên để đợi phụ huynh về. HS không học được bài, bị hổng kiến thức, GV cũng chẳng thể yên tâm được”, cô Cà Thị Thoa tâm sự.
Cô Cà Thị Thoa (GV chủ nhiệm lớp 2A4, Trường Tiểu học Na Cô Sa) dù bụng “chửa vượt mặt” vẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giao bài. Có hôm “đội mưa” cuốc bộ mấy cây số lên bản Huổi Thủng, song mấy hộ ở cheo leo trên đỉnh núi lại đi nương, cô đành về và đợi thêm mấy ngày tiếp tục “ngược non” đưa bài cho học sinh và tuyên truyền với phụ huynh trong việc tạo điều kiện cho con em có thời gian học tập.
Từ ngày 12/4, 870/906 học sinh Trường Tiểu học Na Cô Sa đã nhận được phiếu học tập từ thầy cô. Mặc dù trời mưa, đường trơn, trượt, 11/11 bản của xã đều phải đi bộ, song tất cả giáo viên trong trường đều đồng lòng, quyết tâm với mong muốn không để học sinh quên kiến thức trong thời gian nghỉ phòng dịch.
“Chúng tôi huy động giáo viên toàn trường tham gia đưa bài cho học sinh. Bình quân mỗi thầy, cô phụ trách từ 15 - 20 hộ gia đình trong cùng một bản. Gia đình có 3, 4, 5 cháu đang đi học thầy cô sẽ tranh thủ hướng dẫn luôn. Như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian”, thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Cô Sa thông tin.
Cơ hội nào cho trẻ vùng khó
Dạy học ở vùng cao, biên giới ngày thường đã khó. Nay dịch bệnh xảy ra, cái khó ấy càng “bó” GV trong hành trình gieo chữ của mình. Không được đến lớp, chẳng có điều kiện học từ xa, các thầy cô trở thành sứ giả vượt đèo, qua suối đưa bài vở đến cho trò, chỉ mong các em duy trì nền nếp học tập, không rơi rụng kiến thức, mặt chữ.
Bởi vậy, đề cập đến việc công nhận kết quả dạy học trực tuyến, thầy cô và cán bộ quản lý đều cho rằng, trẻ miền núi vốn thiệt thòi trong tiếp cận công nghệ, nay càng khó hơn. “Người dân ở bản giáp biên, vùng cao, không có điện, Internet, tivi, điện thoại, nhà trường không sử dụng ứng dụng trực tuyến để giao bài tập. Thậm chí, GV đến nhà giao bài, hướng dẫn học còn không gặp. Cần có đánh giá phù hợp với điều kiện mỗi vùng”, ông Trần Ngọc Kiên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Bình thường, ở trên lớp, có thầy cô hướng dẫn mà việc tiếp thu kiến thức còn khó khăn. Với phiếu giao bài tập có kèm hướng dẫn đi chăng nữa cũng rất khó nếu như các em không tự giác học tập và không có sự phối hợp từ phụ huynh. Trong giai đoạn này, ngành chỉ biết nỗ lực hết sức để có thể mang nhiều kiến thức nhất cho học sinh. Việc đánh giá chất lượng hay công nhận kết quả dạy học trực tuyến thực sự khó với học trò vùng cao, biên giới lúc này.
Chúng tôi đã họp, làm công tác tư tưởng nên thầy cô đều chấp nhận thiệt thòi khi tự bỏ kinh phí để in ấn tài liệu, đi lại, ăn nghỉ... trong quá trình giao bài, hướng dẫn trò. Tất cả hăng hái tham gia bằng tình cảm và trách nhiệm với học trò. - Thầy Nguyễn Văn Quân