Chọn dự án cần thể hiện tính tích hợp giữa văn học, thực tiễn và làm văn
Giảng viên Lê Thị Ngọc Chi cho rằng: Làm văn là quá trình mang tính tích hợp cao và thể hiện rõ sự sáng tạo của học sinh. Bởi lẽ bản thân việc vận dụng ngôn ngữ để nói, viết, trình bày tư tưởng của một cá nhân trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể là hoạt động mang tính sáng tạo.
Bên cạnh đó, trong khi thực hành làm văn, học sinh sẽ phải vận dụng những kiến thức về tiếng Việt, văn học, kinh nghiệm sống và kĩ năng sử dụng ngôn ngữ để thể hiện suy nghĩ, quan điểm của bản thân trước một vấn đề.
Do vậy, không khó để chúng ta nhận thấy tính tích hợp của nhiều kiến thức, kĩ năng và thái độ của người học trong quá trình làm văn. “Thiết nghĩ, việc dạy thực hành làm văn muốn đạt hiệu quả trước hết cần nắm được hai đặc trưng cơ bản này” - Giảng viên Lê Thị Ngọc Chi nhấn mạnh.
Từ việc tìm hiểu các phương pháp dạy học tích cực, giảng viên Lê Thị Ngọc Chi nhận thấy hướng dẫn học sinh thực hành tạo lập văn bản qua các dự án là một hình thức phù hợp với những đặc trưng trên đồng thời cũng phù hợp với định hướng phát triển năng lực.
Giảng viên này phân tích: Dạy học theo dự án không còn là một vấn đề mới mẻ đối với nhiều môn học. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh hình thức này nên được thực hiện thường xuyên, phổ biến như là một hoạt động đặc trưng của dạy thực hành làm văn vì một số lí do cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hình thức này khắc phục được tình trạng lặp lại đơn điệu của những dạng bài tập về làm văn, ví dụ: Hãy lập dàn ý cho bài văn nghị luận với đề bài sau đây…, Hãy diễn đạt một luận điểm trong phần thân bài của dàn ý vừa lập thành một đoạn văn…, Phân tích cách bác bỏ/ cách bình luận trong các đoạn văn sau…, Chỉ ra những từ ngữ dùng không phù hợp trong đoạn văn sau, thay thế bằng những từ ngữ thích hợp với yêu cầu của văn nghị luận và vấn đề cần nghị luận. Viết lại đoạn văn sau khi đã sửa lại những từ ngữ không thích hợp...
Thứ hai, khi được thực hành bằng các dự án, học sinh sẽ ý thức rõ hơn tính chất liên kết giữa các đơn vị bài học về một dạng văn bản nào đó để có thể phối hợp các kĩ năng đã được học một cách hiệu quả.
Chẳng hạn những kĩ năng mà học sinh được học trong từng bài: Tính chuẩn xác và hấp dẫn của văn bản thuyết minh, Phương pháp thuyết minh, Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh, Tóm tắt văn bản thuyết minh… sẽ cùng được thể hiện khi học sinh được phân công vào các vai với những công việc cụ thể để tiến hành thực hiện một dự án liên quan đến việc thuyết minh.
Thứ ba, hình thức thực hành này giúp học sinh rèn luyện kĩ năng làm việc hợp tác với các thành viên trong nhóm, phát huy được tính sáng tạo, tư duy phê phán trong khi thực hiện dự án.
Học sinh sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong cách tiến hành, cách sử dụng ngôn ngữ để thể hiện sản phẩm… tuỳ theo năng lực của mỗi cá nhân và sự thống nhất ý kiến trong nhóm.
Cuối cùng, hình thức này giúp cho việc dạy học làm văn gắn liền với thực tế cuộc sống hơn. Bởi lẽ một trong những bản chất của các dự án trong dạy học là tính thực tiễn.
Như vậy, với các văn bản nhật dụng, văn bản thuyết minh, tự sự hay nghị luận về một vấn đề trong xã hội, có lẽ ý tưởng cho các dự án không ít; nhưng với văn bản nghị luận về một vấn đề trong văn học thì giáo viên cần lựa chọn các dự án thể hiện được tinh thần tích hợp giữa văn học, thực tiễn và làm văn.
Thay đổi cách đánh giá bài văn của học sinh
Trong dạy học theo định hướng năng lực, đánh giá kết quả học tập của học sinh không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện thông tin đã biết làm trọng tâm mà chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống cụ thể.
Nhấn mạnh điều này, giảng viên Lê Thị Ngọc Chi cho rằng, việc đánh giá bài văn của học sinh cũng cần có những thay đổi cho phù hợp với định hướng chung này.
Bên cạnh đó, khâu quan trọng nhất trong việc đánh giá chính là ra đề. Đối với phần làm văn, đổi mới trong cách ra đề nghị luận văn học cần được quan tâm hơn hết để khắc phục tình trạng “lối mòn” trong đề văn.
Để học sinh không bất ngờ, lúng túng khi kiểm tra, những cách hỏi, cách đặt vấn đề mới cần được thực hiện thường xuyên trong quá trình dạy thực hành làm văn.
Vấn đề có thể nằm trong một văn bản cụ thể hay nhiều văn bản cùng đề tài, cùng giai đoạn sáng tác; có thể là một vấn đề văn học hoặc vấn đề xã hội được đặt ra trong văn bản…
Cùng với việc đổi mới cách ra đề, đáp án cũng cần có nhiều gợi mở về nội dung, tôn trọng ý kiến và lí lẽ của người viết. Các nội dung đánh giá cần được đưa ra với các tiêu chí cụ thể.
Dựa trên những tiêu chí đó, giáo viên xây dựng thang điểm đánh giá cho từng nội dung với các mức độ tốt, trung bình, dưới trung bình (có thể sử dụng thang điểm 100 để thuận lợi cho việc xây dựng thang điểm cũng như chấm điểm, sau đó quy đổi kết quả về thang điểm 10).
“Ngoài ra, dạy học làm văn cần quan tâm đến việc đa dạng hoá hình thức đánh giá quá trình. Thay vì chỉ dựa trên các bài viết, giáo viên còn có thể đánh giá kĩ năng tạo lập văn bản của học sinh qua bài trình bày trước lớp, bài trình diễn sản phẩm của dự án…
Như vậy, việc đánh giá không chỉ chú trọng vào kĩ năng viết mà còn hướng đến cả kĩ năng nói và trình bày” - Giảng viên Lê Thị Ngọc Chi nhấn mạnh thêm.