Giải pháp giảm tải chương trình tiểu học

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Trà Vinh đề nghị giảm khối lượng, chương trình học đối với cấp tiểu học.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã có Công văn số4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018, trong đó nêu rõ:

Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáokhoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành….

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm số môn học và hoạt động giáo dục so với chương trình hiện hành. Cụ thể: lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.

Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông còn áp dụng các biện pháp giảm tải khác như: Giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục,…

Các giải pháp nói trên đã góp phần quan trọng giảm tải chương trình. Tuy nhiên, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm; các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ