Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT xác định việc giảm tải chương trình, giảm tải áp lực thi cử là giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định.
Để hạn chế, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định, Bộ GD&ĐT đã và đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành theo định hướng phát triển năng lực HS theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017, tiếp tục tinh giản nội dung dạy học đảm bảo không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình; tăng cường hướng dẫn HS tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, không nặng về kiểm tra kiến thức; tăng cường GD phẩm chất, thể chất, kiến thức, kỹ năng sống cho HS…
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở GD tiểu học thực hiện đổi mới đánh giá HS theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của quy định đánh giá HS tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 22). Việc đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 22 đã tạo chuyển biến trong nhận thức về đánh giá chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS. Đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục trách nhiệm, tâm huyết hơn với HS, với công việc; GV bước đầu đổi mới phương pháp dạy học, điều chỉnh hình thức tổ chức, nội dung dạy học phù hợp với đối tượng HS; gần gũi, sâu sát và hiểu HS hơn; tạo hứng thú, niềm vui cho các em; tăng cường sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục HS. Đổi mới đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 22 cũng bước đầu khắc phục tình trạng học tập chạy theo thành tích, làm giảm áp lực học tập cho HS và cha mẹ HS.
Năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục giữ ổn định về phương thức tổ chức thi THPT quốc gia như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của GV, HS. Trong đó, việc ra đề thi sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp đểcác cơ sở GDĐH, GD nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình GDPT mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS, bảo đảm yêu cầu giảm tải, giảm hàn lâm, gắn với thực tiễn.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực, tăng cường hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm cho HS; kiểm tra, đánh giá, thi cử nhẹ nhàng, không nặng về kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực HS.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng tăng xử phạt trong dạy thêm, học thêm không đúng quy định.
Bộ GD&ĐT đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố tiếp tục giám sát và yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.