Tạo mọi điều kiện cho dạy và học
Việc triển khai thí điểm môn tiếng Nhật cấp tiểu học giai đoạn 2016 - 2019 diễn ra tại 2 cơ sở GD&ĐT là Hà Nội với 4 trường TH (Nguyễn Du, Khương Thượng, Chu Văn An, Gateway) với 8 lớp, 268 HS và 6 GV tham gia thí điểm và TP Hồ Chí Minh tại trường TH- THCS- THPT Việt Úc với 4 lớp 3, 75 HS; 3 lớp 4 với 56 HS và 3 lớp 5 với 49 HS.
HS học thí điểm môn Tiếng Nhật theo chương trình và SGK thí điểm tiếng Nhật lớp 3,4,5 với thời lượng 4 tiết/tuần. Đáng chú ý, lớp học tiếng Nhật không chỉ được cấp SGK miễn phí mà các chuyên gia tiếng Nhật của Trung tâm Giao lưu quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam và Cộng sự tiếng Nhật định kỳ tổ chức thăm lớp để góp ý, trao đổi với GV và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, tham gia các cuộc thi nhằm nâng cao hiểu biết về văn hóa Nhật Bản và thực hành tiếng.
Mặt khác, các lớp dạy thí điểm tiếng Nhật được sử dụng cơ sở vật chất, thang thiết bị dạy học sẵn có của trường. Nhà trường cố gắng bố trí GV chủ nhiệm lớp trợ giảng tại các giờ học tiếng Nhật. Các lớp được lựa chọn học thí điểm tiếng Nhật là lớp chọn của trường nên trình độ đầu vào của HS khá đồng đều...
Theo BQL Đề án ngoại ngữ Quốc gia, tổng kết năm học 2018 - 2019, HS tại Hà Nội và TPHCM đã đạt được những kết quả học tập khá khả qua với 29% HS đạt kết quả xuất sắc – giỏi; 34% HS đạt khá, 31 % HS đạt trung bình và chỉ có 6% HS dưới trung bình.
Có thể thấy khi tiếng Nhật không phải là ngôn ngữ thu hút được HS bằng những ngoại ngữ được xem là truyền thống như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga...thì sự chuẩn bị các điều kiện dạy học, số lượng HS tham gia, kết quả học tập của HS đạt được thời gian qua hết hết sức khả quan trong việc dạy học thí điểm môn Tiếng Nhật cấp TH.
Gỡ khó để nâng cao hiệu quả
Dạy và học thí điểm môn tiếng Nhật cấp TH đến nay có nhiều thuận lợi và sự hưởng ứng tích cực của các trường tham gia. Tuy nhiên cũng tồn tại không ít khó khăn đòi hỏi sự tháo gỡ kịp thời trong giai đoạn tiếp theo để việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất.
Tình trạng chung nhất là tiếng Nhật thuộc ngôn ngữ tượng hình, khá khó với HS TH nên một số HS cảm thấy khó khăn, thiếu môi trường giao tiếp, dễ quên. Và cũng không thể phủ nhận một thực tế, tâm lý thích học tiếng Anh bởi tính thông dụng nên kể cả PHHS lẫn HS chưa hòa nhịp cùng tiếng Nhật.
Các rào cản đã được các trường triển khai thí điểm dạy học tiếng Nhật bậc TH chỉ ra đòi hỏi sự tháo gỡ kịp thời bởi đây là những điều kiện cần thiết và vô cùng quan trọng để tiếp tục triển khai dạy học tiếng Nhật đại trà ở cấp TH sau này đạt hiệu quả mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường TH Chu Văn An (Hà Nội) bày tỏ: Tiêu chuẩn của lớp học ngoại ngữ bao giờ cũng đặt sĩ số thấp là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên ở một số lớp tiếng Nhật số học sinhđông (từ 40 - 50/lớp). Trình độ đầu vào cũng không đồng đều do chưa có phân loại... Đây chưa phải là những điều kiện tối ưu để học tốt một ngôn ngữ khó như tiếng Nhật. Đôi khi GV đưa ra một mẫu câu để luyện cũng không đủ thời gian cho từng HS được phát biểu hay cô giáo luyện trực tiếp.
Phản ánh từ các nhà trường triển khai cũng cho thấy, tiếng Nhật học càng lên cao càng khó, việc tìm ra cách để duy trì hứng thú của học sinh trong 3 năm học luôn là điều giáo viên trăn trở. Vẫn còn nhiều HS coi việc học tiếng Nhật như một môn học thêm, học phụ nên chưa dành thời gian và sự tập trung cần thiết. Còn nhiều hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS bởi hạn chế kinh phí. Tiếng Nhật cũng là ngoại ngữ mới, nên đa số PHHS không hỗ trợ được cho con em trong việc ôn luyện tại nhà.
Sách tiếng Nhật và các tài liệu bổ sung cho giảng dạy cấp phát có thời điểm chưa kịp thời; tài liệu, dụng cụ học tập bổ trợ cho HS như truyện tranh, CD nghe của SGK còn thiếu; Phân phối chương trình chưa cụ thể, GV còn bị động trong giảng dạy; Chương trình dài và khó so với lứa tuổi HS TH.
Bà Trần Thị Lan Hường – Phó Hiệu trưởng Trường TH Khương Thượng (Hà Nội) cho biết: Vấn đề tuyển sinh vào học lớp tiếng Nhật khi bắt đầu triển khai khó khăn bởi PHHS mong muốn con mình học ngoại ngữ thông dụng; đòi hỏi sự kế tiếp đầu ra đối với chương trình tiếng Nhật sau khi HS kết thúc bậc TH… Điều đó khiến nhà trường, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa phải vào cuộc mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, thuyết phục với PHHS.
Đặc biệt, việc tuyển dụng GV Việt Nam dạy tiếng Nhật theo chế độ hợp đồng nên nhà trường chỉ quản lý về giờ dạy, không có cán bộ quản lý có chuyên môn tiếng Nhật, không được dự tập huấn nên việc đánh giá chất lượng theo chuyên môn rất khó. Cách tổ chức hoạt động trong tiết dạy do GV dạy tự xây dựng, giám hiệu không góp ý được về chuyên môn khi dự giờ…
Cũng vì hưởng chế độ hợp đồng lao động, nên GV tiếng Nhật nhiều thiệt thòi về chế độ, chính sách, lương… và điều đó phần nào ảnh hưởng tới tâm lý, sự tập trung nhiệt huyết cao nhất của GV.
Để thực hiện dạy học tiếng Nhật theo hình thức đại trà ở cấp TH sau khi thực hiện thí điểm ở một số trường tại HN và TP Hồ Chí Minh thì chắc chắn việc tháo gỡ rào cản về biên chế cho GV dạy tiếng Nhật, đảm bảo nguồn giáo viên, lương cho GV từ đầu các năm học để đảm bảo chế độ giúp GV yên tâm giảng dạy... vô cùng quan trọng.
Mặt khác, cần có sự kết nối giữa các trường phổ thông cùng địa điểm trong việc dạy và học môn Tiếng Nhật để HS có sự lựa chọn phù hợp, dễ dàng hơn khi chuyển cấp.
Các nhà trường cũng cho rằng cần giảm tải chương trình, SGK tiếng Nhật cấp TH để vừa sức học của HS TH. Tạo điều kiện để HS học thí điểm tiếng Nhật cấp TH được tiếp tục theo học tiếng Nhật ở cấp Trung học...