Giảm tải trong chương trình giáo dục phổ thông

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

6 biện pháp giảm tải trong chương trình mới

Về kiến nghị của cử tri nói trên, Bộ GD&ĐT cho biết: Triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định số 404/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT. CT GDPT mới gồm Chương trình tổng thể (bộ khung của CT GDPT) và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. CT GDPT mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải” như sau:

Thứ nhất: Thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, CT GDPT mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành. Cụ thể, trong chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.

Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học. Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

Thứ 2: Giảm số tiết học. Ở tiểu học, học sinh học 3.623 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.329 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,3 giờ/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 3,8 giờ/buổi học.

Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.121 giờ. Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.626 giờ; học sinh Ban Nâng cao 2.660 giờ.

Thứ 3: Chương trình GDPT mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, cho nên xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.

Thứ 4: Chương trình GDPT mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.

Thứ 5: Chương trình GDPT mới triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực; theo đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kĩ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh. Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.

Thứ 6: Chương trình GDPT mới xác định mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.

Các giải pháp nói trên đã góp phần quan trọng giảm tải chương trình. Tuy nhiên, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lí nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lí việc dạy thêm học thêm; các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lí, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.

Chỉ đạo thực hiện chương trình hiện hành theo hướng tinh giản

Từ nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT tạo đã chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản; giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt; xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng của học sinh; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường thời gian hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động xã hội.

Các nhà trường được tạo điều kiện linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục, các phương pháp dạy học tiên tiến mà không bị áp đặt, nhờ đó học sinh hứng thú học tập hơn, giảm tải được việc dạy và học xét cả về nội dung kiến thức và tâm lý học sinh.

Tiếp tục chủ trương đó, Bộ GD&ĐT tạo đã ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Theo đó, tiếp tục tinh giản nội dung dạy học bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, không nặng về kiểm tra kiến thức.

Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT tạo đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, bảo đảm yêu cầu giảm tải, giảm hàn lâm, gắn với thực tiễn; thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực, tăng cường hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm cho học sinh; kiểm tra, đánh giá, thi cử nhẹ nhàng, không nặng về kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Từ đó sẽ làm giảm hoặc không phải học thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.