Xác định mục tiêu, triển khai bài học thành dự án
Xuất phát từ nội dung bài học, giáo viên (GV) phải xác định các nội dung kiến thức và kĩ năng người học cần đạt được, phải có ý đồ tổ chức bài học thành dự án và suy nghĩ về ý tưởng dự án.
GV luôn cần phải nhìn thấy và tìm thấy những vấn đề thực tiễn đang diễn biến trong cuộc sống xung quanh có liên quan đến nội dung chương trình, phải biết từ bỏ những nội dung mà chương trình buộc phải dạy theo các phương pháp truyền thống, lựa chọn các nội dung thích hợp và chỉnh sửa chúng cho phù hợp với mục tiêu của dự án đề ra.
Xây dựng bộ câu hỏi định hướng
Sử dụng bộ câu hỏi định hướng bài dạy nhằm khuyến khích người học vận dụng các kĩ năng tư duy bậc cao, giúp người học hiểu rõ, hiểu bản chất vấn đề và hình thành được hệ thống kiến thức.
Bộ câu hỏi định hướng bài dạy bao gồm các câu hỏi khái quát, câu hỏi bài học và câu hỏi nội dung.
Câu hỏi khái quát và câu hỏi bài học đưa ra lí do căn bản của việc học, khuyến khích tìm hiểu, thảo luận, và nghiên cứu. Chúng giúp HS trong việc cá thể hoá suy nghĩ và phát triển khả năng nhận thức đối với một chủ đề.
Câu hỏi khái quát giới thiệu bao quát, đầy đủ những ý tưởng xuyên suốt các môn học. Chúng thường là những câu hỏi về thực tế, có thể đưa ra nhiều câu trả lời và thu hút được sự quan tâm của HS.
Câu hỏi bài học đưa ra những vấn đề hoặc kích thích thảo luận nhằm bổ trợ cho câu hỏi khái quát, nó thường có đáp án mở, lôi cuốn các em vào việc khám phá những ý tưởng cụ thể đối với từng chủ đề, môn học hoặc bài học.
Câu hỏi nội dung giúp hỗ trợ cho câu hỏi khái quát và câu hỏi bài học bằng cách nhấn mạnh vào các chi tiết. Các câu hỏi này giúp HS tập trung vào những thông tin xác thực cần phải tìm hiểu để đáp ứng các tiêu chí về nội dung và những mục tiêu học tập.
Các câu hỏi nội dung thường có câu trả lời rõ ràng, cụ thể, đòi hỏi các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng để trả lời.
Thiết kế dự án
GV đưa ra dự án gồm: Mục tiêu của dự án, giải pháp thực hiện dự án, công 13 việc chính cần thực hiện (thực hiện giải pháp), địa điểm thực hiện dự án, kết quả dự án thu được.
Câu hỏi khái quát được đưa ra như sau: Vật lí có ý nghĩa gì đối với nghề nghiệp tương lai của bạn? Câu hỏi khái quát có phạm vi rộng, không có câu trả lời duy nhất đúng. Câu hỏi này có thể được phân tích theo các từ khóa:
Từ khóa “Vật lí”: Không chỉ là kiến thức vật lí mà còn là các kĩ năng, phương pháp làm việc có được từ việc học vật lí… Tuy nhiên cần lưu ý HS giới hạn nội dung trong chương trình vật lí lớp 10 phần Nhiệt học.
Từ khóa “Nghề nghiệp tương lai của bạn”: HS có thể liệt kê ra một số lượng lớn các nghề theo sở thích của mỗi em. Từ đó, mỗi dự án sẽ gắn với một lĩnh vực nghề nghiệp.
Thiết kế tài liệu hỗ trợ GV và HS
Tài liệu hỗ trợ HS như các bài tập mẫu, nội dung bài học, các nguồn tài liệu tham khảo, các mẫu phiếu phân công công việc trong nhóm, các tiêu chí đánh giá, các mẫu phiếu đánh giá...
Tài liệu hỗ trợ GV: GV dự kiến trước quá trình thực hiện, kết quả đạt được, các tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết.
Chuẩn bị các điều kiện thực hiện dự án
Để tạo điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện dự án cần tuyên truyền, thông báo rộng rãi để tập hợp mọi người tham dự, đồng thời phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kinh phí...
Lập kế hoạch tổ chức thực hiện dự án
GV dự kiến điểm bắt đầu và kết thúc dự án. Tất cả các hoạt động tổ chức dự án được GV thể hiện trong kế hoạch này. Đây là khâu chuẩn bị quan trọng đảm bảo cho các bước dự án được thực hiện theo dự kiến của GV.
Hoạt động của HS
Khi lựa chọn dự án, người học phải hình dung ra sản phẩm, do vậy, họ bắt đầu lập kế hoạch, đưa ra những ý tưởng về cách thực hiện. Kế hoạch hoá một dự án, đó là xác định chủ đề, xác định các mục đích và những tiêu chí đánh giá, dự kiến các nguồn cần nhận được để thực hiện dự án, cũng như những khó khăn có thể gặp phải.
Điều này cho phép người học mang đến những đóng góp có ý nghĩa. Quá trình thiết kế dự án cần có sự định hướng của GV thông qua bộ câu hỏi định hướng nhằm giúp HS hình dung sơ bộ về các đề tài có thể đề cập. Dựa trên bộ câu hỏi định hướng, HS có thể tự đưa ra các dự án hoặc thực hiện dự án theo gợi ý của GV.
Cần phối hợp nhiều phương pháp, hình thức với nội dung dạy học phong phú
Mục đích chính của việc tổ chức DHDA là việc tích cực hoạt động học tập của HS thông qua vận dụng kiến thức vào thực tiễn, cụ thể là cuộc sống nghề nghiệp tương lai của HS.
Tuy nhiên, những kiến thức nghề nghiệp gắn với dự án còn ở mức độ đơn giản, chưa phân tích được những đặc trưng nghề nghiệp, hay những yêu cầu đòi hỏi của nghề nghiệp đối với con người.
Để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ mà công tác hướng nghiệp đặt ra cho dạy học các bộ môn khoa học thì cần phối hợp nhiều phương pháp, hình thức với nội dung dạy học phong phú và thực hiện đồng bộ ở tất cả các môn học, bậc học.
Qua điều tra thực tiễn và qua quá trình thực nghiệm ở trường phổ thông, cho thấy: Dạy học phải được đổi mới một cách toàn diện bao gồm:
Tăng tính thực tiễn của nội dung dạy học bao gồm nội dung kiến thức SGK và các bài tập trong sách bài tập, bổ sung các bài tập định tính, bài tập mang tính thực tiễn.
Đổi mới cách kiểm tra, đánh giá theo hướng liên tục và đa dạng, tập huấn cho GV về các hình thức đánh giá và cách thức xây dựng tiêu chí đánh giá.
Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của người học, tăng cường bồi dưỡng GV song cần chú ý đến đặc điểm vùng miền và đối tượng HS.
Ngoài ra cần cải thiện cơ sở vật chất của các trường phổ thông để phục vụ hiệu quả việc thực hiện các phương pháp dạy học mới, tích cực, đặc biệt cần quan tâm đầu tư cho những vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện dạy và học của GV và HS vẫn còn nhiều khó khăn.