Giải pháp dạy và học tiếng Anh hiệu quả với đề tham khảo

GD&TĐ - Giáo viên tổ Tiếng Anh, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) chia sẻ giải pháp dạy-học hiệu quả với đề tham khảo Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Giờ học tại Trường THPT Ban Mai (Hà Nội).
Giờ học tại Trường THPT Ban Mai (Hà Nội).

Những điểm đáng chú ý từ đề tham khảo

Đề tham khảo môn Tiếng Anh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng với sự phân bổ hợp lý giữa các câu hỏi từ dễ, trung bình đến khó, giúp đánh giá chính xác năng lực của học sinh từ mức độ trung bình đến khá và giỏi. Các câu hỏi từ vựng và ngữ pháp yêu cầu học sinh nắm chắc các kiến thức cơ bản, trong khi phần đọc hiểu yêu cầu khả năng phân tích, suy luận và nắm bắt ý chính của bài.

Nhìn chung đề thi khá hay và có tính phân loại rất cao. Vẫn có những câu hỏi ngữ pháp cơ bản được lồng ghép trong các dạng bài đọc hiểu. Để đạt điểm 9, 10 phải là những học sinh có kỹ năng làm bài tốt, cẩn thận, có lượng từ vựng phong phú và vững trong từng chuyên đề ngữ pháp.

Các chủ đề trong đề thi được lựa chọn rất gần gũi với đời sống thực tế và các xu hướng hiện tại như môi trường, công nghệ, các vấn đề xã hội. Điều này không chỉ giúp học sinh ôn tập ngữ pháp mà còn mở rộng vốn từ vựng và hiểu biết về những chủ đề quen thuộc thường gặp trong kỳ thi.

Về nội dung kiến thức, đề tham khảo có 20% kiến thức lớp 10, 40% kiến thức lớp 11 và 40 % kiến thức lớp 12.

Tuy nhiên, học sinh phải vận dụng rất đa dạng các kỹ năng làm bài (test-taking skills) và gắn từ vựng, cấu trúc ngữ pháp vào bối cảnh mới có thể đưa ra câu trả lời đúng.

Đề tham khảo có những điểm mới so với các năm trước như sau: Toàn bộ đề là các dạng bài đọc điền, đọc hiểu và sắp xếp. Các câu hỏi như ngữ âm, trọng âm, câu hỏi ngắn không còn xuất hiện.

Các câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm 2/3 đề thi, còn lại là câu hỏi vận dụng. Các câu hỏi ngữ pháp phần lớn ở mức nhận biết và thông hiểu.

Dạng bài sắp xếp đoạn văn/lá thư yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng đọc hiểu tốt, không thể dựa vào các từ nối như firstly, secondly, moreover …

Dạng bài đọc điền khuyết thông tin có mức độ khó, yêu cầu thí sinh phải vận dụng được các nội dụng kiến thức ngữ pháp và hiểu ngữ cảnh đoạn.

Số lượng câu hỏi trong bài đọc hiểu cũng dài hơn (18 câu cho 2 bài đọc). Đồng thời, một số dạng câu hỏi lạ cũng xuất hiện, như paraphrasing, thông tin theo đoạn hoặc điền câu vào đoạn phù hợp.

Đề thi đòi hỏi kỹ năng đọc hiểu tốt từ những dạng văn bản ngắn và dễ cho tới các dạng văn bản khó và phức tạp.

Các phương pháp dạy học đáp ứng đề tham khảo

Với đề tham khảo này, một số phương pháp dạy học phù hợp giáo viên có thể áp dụng, như: Phương pháp đọc hiểu có định hướng (Scaffolded Reading); phương pháp dạy ngữ pháp tích hợp (Integrated Grammar Teaching); phương pháp từ vựng theo cụm (Collocations and Phrasal Verbs); phương pháp học theo nhiệm vụ (Task-based Learning); phương pháp Luyện thi chuyên sâu (Exam-Focused Practice); học tập có sự phản hồi liên tục (Continuous Feedback and Adaptive Learning).

Thứ nhất: Phương pháp Đọc hiểu có định hướng; mục tiêu giúp học sinh thành thạo dạng bài đọc hiểu, bao gồm thông tin chi tiết, từ vựng, ngữ pháp và suy luận với các kỹ thuật như sau:

Kỹ thuật Preview: Cho học sinh xem trước tiêu đề, tranh ảnh hoặc từ khóa của đoạn văn để dự đoán nội dung.

Questioning During Reading: Đặt câu hỏi trong khi đọc để học sinh có thể tư duy về những gì học sinh đọc. Ví dụ: "Đoạn này nói về điều gì?"

Skimming and Scanning: Hướng dẫn học sinh các kỹ thuật đọc nhanh (skimming) và tìm thông tin cụ thể (scanning) trong đoạn văn.

Practice True/Not True: Tổ chức các hoạt động nhóm, học sinh thảo luận về các câu đúng/sai dựa trên đoạn văn để rèn luyện kỹ năng đọc hiểu chi tiết.

Thứ hai: Phương pháp Dạy ngữ pháp tích hợp; mục tiêu nhằm ôn luyện ngữ pháp như câu bị động, mệnh đề quan hệ, giới từ và cấu trúc câu. Một số kỹ thuật của phương pháp này như sau:

Contextual Grammar: Giới thiệu ngữ pháp thông qua các đoạn văn thực tế. Ví dụ, thay vì dạy riêng lẻ về câu bị động, hãy cho học sinh đọc một đoạn văn và xác định câu bị động trong đó.

Inductive Teaching: Đưa ra các ví dụ thực tế và cho học sinh tự khám phá quy luật trước khi giáo viên tổng hợp lại.

Interactive Drills: Sử dụng bài tập rút gọn mệnh đề quan hệ và đổi cấu trúc câu trực tiếp trên lớp thông qua trò chơi nhóm.

Thứ ba: Phương pháp Từ vựng theo cụm. Với mục tiêu giúp học sinh sử dụng chính xác từ vựng, đặc biệt là cụm từ cố định và cụm động từ, phương pháp này có các kỹ thuật như sau:

Lexical Approach: Dạy từ vựng theo cụm từ (collocations) thay vì từ đơn lẻ. Ví dụ, thay vì chỉ học từ "take", học sinh cần biết "take responsibility", "take a break".

Phrasal Verbs in Context: Hướng dẫn học sinh học cụm động từ thông qua các đoạn hội thoại hoặc đoạn văn thực tế để hiểu nghĩa và ngữ cảnh áp dụng.

Vocabulary Games qua các nền tảng CNTT (Quizlet, Quizizz): Tạo các trò chơi ghép từ vựng với cụm từ cố định hoặc từ trái nghĩa để học sinh luyện tập thường xuyên.

Thứ tư: Phương pháp Học theo nhiệm vụ. Với mục tiêu giúp học sinh phát triển kỹ năng viết đoạn văn và sắp xếp đoạn hội thoại, giáo viên có thể triển khai như sau:

Role Play: Tạo ra các tình huống thực tế để học sinh thực hành viết thư, email, hoặc đoạn hội thoại.

Sequencing Exercises: Cho học sinh làm bài tập sắp xếp lại các đoạn văn/hội thoại một cách hợp lý để rèn luyện kỹ năng logic.

Feedback Loop: Sử dụng phản hồi chi tiết sau mỗi bài viết hoặc đoạn hội thoại để học sinh tự nhận biết điểm yếu và cải thiện.

Thứ năm: Phương pháp Luyện thi chuyên sâu. Với mục tiêu luyện kỹ năng làm bài thi hiệu quả, giáo viên có thể triển khai như sau:

Timed Practice: Thực hiện các bài thi thử với thời gian giới hạn, giống với bài thi thật. Sau đó, giáo viên cùng học sinh phân tích lỗi sai và chiến lược làm bài.

Common Mistakes Analysis: Cung cấp danh sách các lỗi thường gặp và phân tích các lỗi thường gặp trong bài thi.

Test-Taking Strategies: Hướng dẫn học sinh cách loại trừ các đáp án sai, phân tích ngữ cảnh để chọn đáp án đúng nhanh nhất.

Thứ sáu: Học tập có sự phản hồi liên tục; mục tiêu nhằm đảm bảo học sinh tiến bộ liên tục dựa trên phản hồi cá nhân. Giáo viên có thể triển khai như sau:

Self-assessment and Peer-assessment: Khuyến khích học sinh tự đánh giá và nhận phản hồi từ bạn học, giúp học sinh nhìn nhận vấn đề của mình một cách khách quan.

Adaptive Teaching: Điều chỉnh phương pháp giảng dạy dựa trên mức độ tiến bộ của từng học sinh. Ví dụ, nếu một số học sinh còn chưa nắm chắc ở phần câu hỏi từ vựng trái nghĩa, cần dành thời gian ôn luyện thêm cho nhóm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ