Lưu ý với 2 môn lần đầu tiên thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Tin học, Công nghệ là 2 môn lần đầu xuất hiện trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ phân tích đề tham khảo, GV lưu ý học sinh học tốt 2 môn này.

Giờ Tin học tại Trường THPT Ban Mai (Hà Nội).
Giờ Tin học tại Trường THPT Ban Mai (Hà Nội).

Nội dung kiến thức trọng tâm cần ôn tập với môn Tin học

Cô Đỗ Thị Thu Thủy, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) nhận định, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Tin học bao quát kiến thức cơ bản của chương trình, chủ yếu tập trung vào chương trình Tin học 12. Đề có tính phân loại, giúp đánh giá năng lực của học sinh một cách toàn diện; có cập nhật, giúp tiếp cận kiến thức mới nhất trong lĩnh vực Tin học đúng với đặc thù môn học trong thời đại công nghệ số.

Cấu trúc đề thi gồm 2 phần. Phần I gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời. Phần II gồm 4 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 ý, mỗi ý yêu cầu học sinh chọn đúng hoặc sai. Đề thi có phần riêng dành cho học sinh theo định hướng Khoa học máy tính và Tin học ứng dụng. Thời gian làm bài là 50 phút.

Về nội dung kiến thức, đề bao quát các kiến thức cơ bản của Tin học 12 như: Mạng máy tính (các thiết bị mạng, giao thức mạng, chia sẻ tài nguyên trên mạng; Internet (khái niệm, ứng dụng, giao thức mạng); HTML và CSS (các thẻ HTML cơ bản, cú pháp khai báo CSS, thuộc tính của các thẻ HTML); An toàn thông tin (các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ thông tin cá nhân).

Đề thi có một số câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Ví dụ, câu hỏi số 18 về việc viết chương trình tính tổng bình phương các số; câu hỏi phân loại học sinh, ví dụ câu hỏi số 1 phần II dùng chung cho tất cả các thí sinh về thiết kế mạng LAN.

Nhiều câu hỏi trong đề được lấy ý tưởng từ các ví dụ và bài tập trong sách giáo khoa Tin học 12. Tuy nhiên, cũng có một số câu hỏi yêu cầu học sinh phải tư duy và tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ từ sách giáo khoa.

Với mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 60%, mức độ vận dụng chiếm 40%, học sinh không quá khó để đạt điểm 5-6 điểm. Nhưng để đạt trên 8, ngoài nắm chắc chương trình, các em cần luyện tập áp dụng kiến thức vào tình huống cụ thể để làm quen với cách thức vận dụng, suy luận dựa trên tình huống thực tế.

Cô Đỗ Thị Thu Thủy cũng đưa ra một số nội dung kiến thức trọng tâm cần tập trung ôn tập để đạt kết quả cao, bao gồm:

Thứ nhất, trí tuệ nhân tạo (AI). Với phần này, học sinh cần nắm:

Khái niệm AI: Nắm vững định nghĩa AI, các đặc trưng cơ bản của AI (khả năng học, suy luận, nhận thức, hiểu ngôn ngữ và giải quyết vấn đề), phân biệt được AI với tự động hóa.

Ứng dụng của AI: Hiểu rõ các ứng dụng của AI trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, giao thông, giáo dục, tài chính,...

Tác động của AI: Nắm được những lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn của AI đối với xã hội, cũng như các vấn đề đạo đức liên quan đến AI.

Thứ 2, mạng máy tính và Internet. Phần này, học sinh cần nắm:

Các thiết bị mạng: Phân biệt được chức năng của các thiết bị mạng thông dụng như router, switch, hub, modem, access point, ...

Giao thức mạng: Hiểu được vai trò và chức năng của giao thức mạng nói chung và giao thức TCP/IP nói riêng.

Chia sẻ tài nguyên trên mạng: Biết cách chia sẻ tệp và máy in trong mạng cục bộ.

An toàn thông tin mạng: Nhận thức được các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, biết cách bảo vệ thông tin cá nhân.

Ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản (HTML) và Ngôn ngữ định dạng (CSS)

Cấu trúc trang web: Nắm được cấu trúc cơ bản của một trang web HTML, các thành phần chính của một trang web.

Các thẻ HTML: Sử dụng thành thạo các thẻ HTML cơ bản để định dạng văn bản, chèn hình ảnh, tạo liên kết, bảng biểu, danh sách, ...

CSS: Biết cách sử dụng CSS để định dạng trang web, tạo kiểu cho các thành phần HTML.

Thứ 3, lập trình cơ bản (Python hoặc C++). Nội dung này, học sinh cần nắm:

Cấu trúc lặp và điều kiện: Nắm chắc cú pháp cơ bản của các cấu trúc lặp (for, while) và câu lệnh điều kiện.

Xử lý chuỗi và số liệu: Hiểu cách tính toán đơn giản và kiểm tra các điều kiện để hoàn thành bài tập lập trình tính giá trị của biến.

Đánh giá được độ phức tạp của thuật toán: Hiểu về thuật toán có độ phức tạp O(n2) và các thuật toán tối ưu hóa cơ bản.

Thứ 4, đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số. Cụ thể, học sinh cần hiểu rõ các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, thể hiện tính nhân văn trong giao tiếp trực tuyến; nắm được các quy định của pháp luật về an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng.

Với hướng nghiệp với Tin học, học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề phổ biến trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đề xuất phương pháp học hiệu quả, cô Đỗ Thị Thu Thủy lưu ý học sinh cần học chắc kiến thức sách giáo khoa, hiểu và chuyển từ kiến thức lý thuyết sang thực tế và thực hành

Làm nhiều bài tập, thực hành thành thạo các nội dung đã học, trong quá trình sử dụng thực tế phải vận dụng kiến thức đã học để tìm cách giải quyết vấn đề. Cùng tham khảo các tài liệu trực tuyến, video hướng dẫn, các em cần ôn tập kiến thức thường xuyên, luyện giải đề thi thử.

1.jpg
Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) trong giờ Công nghệ.

Lưu ý với đề tham khảo môn Công nghệ

Cô Trần Thị Đài Linh, giáo viên môn Công nghệ (Công nghệ - Nông nghiệp), Trường THPT Hương Vinh (Thừa Thiên Huế) cho biết: Đề tham khảo môn này có cả kiến thức lớp 10, 11 và 12.

Cụ thể, kiến thức lớp 10 gồm 4/24 câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn (chiếm 1 điểm). Kiến thức lớp 11 cũng gồm 4/24 câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn (1 điểm).

Kiến thức lớp 12 chiếm 8 điểm, gồm 2 phần là câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn và câu trắc nghiệm đúng sai.

Cô Trần Thị Đài Linh nhận nội dung đề ra khá khó, nên cần có lớp riêng để ôn tập kiến thức từ các lớp dưới và bổ sung kiến thức ngoài cho học sinh chọn môn Công nghệ.

Dựa trên danh sách nhà trường đã cho học sinh đăng ký chọn môn thi tốt nghiệp, giáo viên cần theo dõi khả năng tiếp thu, nhắc nhở nhiều hơn so với những học sinh khác, đồng thời có bài tập riêng cùng nội dung để các em ôn tập dần.

Thầy cô ra đề kiểm tra theo cấu trúc như đề tham khảo để học sinh làm quen dần (sau mỗi đợt kiểm tra, khảo sát, nhóm chuyên môn phân tích kết quả, điều chỉnh việc dạy và học). Đồng thời, tăng cường việc trao đổi, phối hợp với phụ huynh học sinh để theo dõi, động viên nhắc nhở học sinh trong quá trình học tập, ôn tập tại trường.

Riêng môn Công nghệ - Công nghiệp, thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) nhận định: Các các câu hỏi trong đề tham khảo được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, từ cơ bản đến nâng cao, giúp phân loại thí sinh dựa trên khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic.

Cụ thể trong phần I của đề, các câu hỏi từ 1-12 được xây dựng các câu hỏi ở mức độ nhận biết. Từ câu 13-20 là các câu hỏi ở mức độ thông hiểu. Các câu còn lại từ 21-24 ở mức độ vận dụng.

Phần II, các câu hỏi đều được xây dựng theo các bối cảnh thực tiễn, có vấn đề và phân bố theo cấp độ tư duy với các lệnh hỏi a, b là nhận biết, thông hiểu; c,d là các lệnh vận dụng kiến thức. Điều đó yêu cầu thí sinh phải có kiến thức chắc chắn, giảm thiểu khả năng chọn đáp án ngẫu nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing của Mỹ.

Triển khai Oreshnik và bước đi trước

GD&TĐ - Việc Nga và Belarus đồng ý triển khai tên lửa Oreshnik tại Minsk được coi là thông điệp rõ ràng nhất với sự hiện diện của tên lửa Mỹ tại Đức.