Bài học kinh nghiệm sau một giai đoạn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT rút ra các bài học kinh nghiệm sau 1 giai đoạn (2020 – 2024) tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.
Trong phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Nhìn lại 5 năm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Năm học 2019-2020: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức 2 đợt thi của Kỳ thi vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 vừa tổ chức thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Đợt 1 từ ngày 9-10/8/2020 cho thí sinh của 62 địa phương không thực hiện cách ly xã hội và cho các thí sinh không thuộc diện bị ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Đợt 2 từ ngày 3- 4/9/20203 cho thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid -19, chưa thi đợt 1 tại 26 địa phương khi các địa phương kiểm soát được dịch Covid -19, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi.

Năm học 2020-2021: Trên cơ sở đánh giá tác động của dịch bệnh Covid -19 đối với GD&ĐT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo 2 đợt thi.

Đợt 1 từ ngày6-9/7/2021; đợt 2 từ ngày 5-7/8/2020, gồm thí sinh của các tỉnh đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thí sinh chưa dự thi đợt 1 do bị ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Bộ GD&ĐT chủ động, kịp thời gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh và các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp. Bộ đồng thời gửi công văn tới các cơ sở giáo dục đại học yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, cùng chia sẻ, phối hợp để tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đồng thời xem xét, phân bổ tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý để xét tuyển cho đối tượng thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid -19.

Các năm 2022-2024: Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm 2022, 2023 và 2024 được tổ chức thành công nhờ chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chủ động của Bộ GD&ĐT và UBND cấp tỉnh; sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành và sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là nỗ lực cao của toàn ngành Giáo dục.

Kỳ thi được thực hiện trên tinh thần phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở giáo dục đã đáp ứng được mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng.

Kỳ thi đạt cả ba mục tiêu đề ra. Thứ nhất, kết quả thi chính xác, khách quan, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thứ hai, phân tích, đối sánh dữ liệu kết quả thi trên toàn quốc và tại mỗi địa phương để có những giải pháp điều chỉnh công tác quản lý giáo dục của địa phương nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Thứ ba, kết quả thi có độ tin cậy, được hầu hết trường (kể cả các trường có sức thu hút và cạnh tranh cao) sử dụng làm căn cứ xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ quy định tại Luật giáo dục ĐH cùng với một số phương thức tuyển sinh khác.

dsc02691.jpg
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

5 bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024, Bộ GD&ĐT đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm như sau.

Thứ nhất: Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi, tuyển sinh.

Thứ hai: Phân công và phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi từ Trung ương tới các địa phương đã được triển khai đồng bộ, rõ trách nhiệm, rõ việc từng khâu, từng bước, hiệu quả. Bộ GD&ĐT đã phân cấp mạnh đến các địa phương trong công tác tổ chức thi.

Trong đó, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi, thực hiện ra đề thi và thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu thi đồng bộ và thuận lợi cho nhiều mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm.

Các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện công tác tổ chức Kỳ thi trên địa bàn từ khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, công bố điểm thi xét công nhận tốt nghiệp và xác thực hồ sơ thí sinh.

Thứ ba: Công tác phối hợp, kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương đã bảo đảm chỉ đạo thống nhất, thông suốt để tổ chức thi nghiêm túc, an toàn ở từng Hội đồng thi địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc.

Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, kịp thời giữa Bộ GD&ĐT với các Bộ ngành liên quan nhất là Bộ Công an, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Điện lực, Thông tin truyền thông, Giao thông, Ban Tuyên giáo.

Thứ tư: Trách nhiệm toàn diện của UBND các địa phương trong công tác tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương đều có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để tổ chức Kỳ thi.

Đặc biệt là sự chủ động của Sở GD&ĐT trong chủ trì tham mưu chỉ đạo tổ chức thi, tăng cường huy động các sở, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức Kỳ thi cùng với nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh; sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội đã bảo đảm Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn, đúng quy chế.

Thứ năm: Công tác truyền thông nhanh chóng, kịp thời trong toàn ngành và toàn xã hội về Kỳ thi với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương; việc phổ biến, quán triệt sâu rộng mục đích tổ chức thi và quy chế, hướng dẫn thi cho những người tham gia tổ chức thi, thí sinh đã góp phần quan trọng làm nên thành công của Kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.