Dạy học sát đối tượng và từng bước nâng cao trình độ đội ngũ là hai giải pháp cơ bản được Sở GD&ĐT áp dụng nhằm giải quyết khó khăn trên. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn không phải chuyện một sớm, một chiều.
Nhiều khó khăn
Chia sẻ về những trở ngại trong thực hiện đổi mới dạy học nói chung, dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ông Thái Đình Huyên - Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&DT Điện Biên) - trăn trở:
Khó khăn đầu tiên chính là từ đối tượng học sinh. Với đặc thù tỉnh miền núi với nhiều học sinh dân tộc, học sinh Điện Biên cần cù, chịu khó và ham học hỏi nhưng năng lực tính toán, tư duy khoa học không phải thế mạnh, bởi với các em, Tiếng Việt cũng giống như một ngoại ngữ. “Giải pháp của chúng tôi là tăng cường tiếng Việt cho các em càng sớm càng tốt” – ông Thái Đình Huyên chia sẻ.
Không chỉ học sinh, Điện Biên còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút giáo viên có chất lượng về địa phương giảng dạy, số sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm lớn trong nước về Điện Biên giảng dạy ít ỏi, dù tỉnh đã có nhiều phương án nhằm tạo điều kiện hết sức có thể cho giáo viên nâng cao trình độ, yên tâm công tác. Ngoài ra, cơ sở vật chất thiếu thốn, xã hội hóa đầu tư cho giáo dục khó khăn cũng là trở ngại lớn cho thực hiện đổi mới.
“Không chỉ ở Điện Biên mà các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp học không dễ do giá thành rất cao. Bên cạnh đó, xã hội hóa đầu tư cho giáo dục cũng khó khăn vô cùng. Giáo viên ở đây thậm chí còn phải hỗ trợ cho học sinh để các em đến trường thì còn nói gì đến việc xã hội hóa” - ông Thái Đình Huyên cho hay.
Nâng cao chất lượng giảng dạy từ đội ngũ
Từ những đặc thù nói trên, việc nâng cao chất lượng dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên chắc chắn gặp nhiều khó khăn và cần những giải pháp đặc thù. Khẳng định điều này, ông Thái Đình Nguyên cho biết, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm.
“Chúng tôi thường xuyên tăng cường các hoạt động sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, sinh hoạt cụm trường để các thầy cô chia sẻ cách dạy học, cách thức kiểm tra đánh giá, soạn giáo án… Tổ cốt cán cấp tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, tư vấn giúp đỡ các trường.
Đặc biệt, mỗi dịp hè, Điện Biên đều thực hiện kiểm tra, sát hạch trình độ giáo viên. Vào đầu hè, Sở GD&ĐT thông báo nội dung kiểm tra để các giáo viên tự học, bồi dưỡng để tiến hành kiểm tra vào cuối hè. Sở GD&ĐT trực tiếp ra đề thi, thành lập Hội đồng ra đề, dọc phách chấm rất quy củ. Giáo viên nếu thi hai lần không đạt, Sở sẽ có cách phân công lao động cho phù hợp” - ông Thái Đình Nguyên cho hay.
Hiện nay, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhằm tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa mới từ năm 2018 cũng được Sở GD&ĐT Điện Biên quan tâm thực hiện; trong đó có việc đổi mới kiểm tra đánh giá, cách xây dựng các chuyên đề dạy học để phát triển năng lực học sinh; cách dạy học tích hợp… Tuy nhiên, sẽ áp dụng từng phần theo đặc trưng của từng trường và theo lộ trình thích hợp.
Ngoài giải pháp về giáo viên, để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học Toán và các môn Khoa học tự nhiên, Sở GD&ĐT Điện Biên cũng chỉ đạo các trường dạy học bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng; dạy học bám sát đối tượng; xây dựng lại phân phối chương trình làm sao phù hợp với đối tượng học sinh cụ thể từng trường. Việc dạy học phải từ dễ, giúp học sinh hiểu, sau đó mới nâng dần kiến thức, chú trọng hướng dẫn học sinh tự học.
"Từ năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT Điện Biên đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thí điểm mô hình hỗ trợ tăng chất lượng, hiệu quả làm việc tại trường để giảm áp lực làm việc tại nhà đối với viên. Theo đó, có 4 trường tham gia thí điểm sẽ từng bước tăng cường đầu tư, quản lý cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên có không gian môi trường làm việc cá nhân, làm việc nhóm tại trường; xây dựng phong cách làm việc khoa học, hiện đại, hiệu quả.
Ông Thái Đình Nguyên