Giải pháp căn cơ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực hiện đổi mới giáo dục, đội ngũ giáo viên luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đây cũng là yếu tố bảo đảm chất lượng vô cùng quan trọng mà địa phương cần ráo riết chuẩn bị trước thềm năm học mới.

Dù có nhiều giải pháp từ Trung ương đến địa phương như: Bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026 (đã được Bộ Chính trị phê duyệt); địa phương triển khai tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; thực hiện dồn dịch điểm trường/lớp; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên…, nhưng vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.

Dự báo năm học 2023 - 2024, cả nước cần khoảng 1.170.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. So với số giáo viên trong biên chế hiện có và đang hợp đồng trong các trường công lập thì năm học tới cần bổ sung thêm 81.541 giáo viên mầm non, phổ thông để đủ số lượng đội ngũ giảng dạy theo định mức quy định.

Còn nhiều nguyên nhân khiến điệp khúc thiếu giáo viên năm nào cũng được nhắc. Trong đó có lý do từ công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên ở cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật.

Tại địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu; đồng thời thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế 10%. Không ít địa phương “để dành” biên chế được giao nhằm thực hiện tinh giản làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm khắc phục.

Có thể nói, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là thách thức lớn đối với ngành. Bên cạnh đó, một số địa phương còn bị động trong tuyển dụng giáo viên do thiếu nguồn tuyển để dạy các môn mới trong Chương trình GDPT 2018…

Khắc phục khó khăn này không thể một sớm một chiều và cần giải pháp, tổng thể, đồng bộ. Riêng năm học 2023 - 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần tập trung cao độ các nguồn lực để triển khai Chương trình GDPT 2018. Do đó, việc trước mắt cần làm là địa phương quyết liệt trong tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên được giao bảo đảm số lượng và chất lượng.

Theo báo cáo sơ bộ đến 30/4/2023, cả nước còn tới 74.172 biên chế giáo viên chưa tuyển dụng. Cùng đó, sắp xếp, điều tiết hợp lý giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương, khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ; trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Chú trọng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo quy định; quan tâm bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ…

Về dài hạn, địa phương cần xây dựng, rà soát, hoàn thiện đề án phát triển đội ngũ giáo viên với tầm nhìn dài hơi, làm căn cứ cho việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng và hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác… Về phía Chính phủ, cần có phương án tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục…

Có thể nói, chỉ khi nhìn nhận công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp căn cơ, đột phá, chúng ta mới có cơ chế, chính sách ưu tiên, thiết thực để phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới. Về việc này, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng Luật Nhà giáo với mong muốn tạo cơ sở pháp lý vững chắc xây dựng quy hoạch, chế độ chính sách đặc thù, bảo đảm bền vững, lâu dài để thu hút và giữ chân nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.