Tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương

GD&TĐ - Vấn đề đang được cử tri quan tâm và đề nghị được tháo gỡ là tình trạng thiếu giáo viên, cùng nhiều vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 116.

Cô - trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình). Ảnh: Internet.
Cô - trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình). Ảnh: Internet.

Tháo gỡ khó khăn

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), vấn đề đang được cử tri quan tâm và đề nghị được tháo gỡ là, tình trạng thiếu giáo viên, cùng nhiều nhiều vướng mắc, bất cập khi thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116).

Mặc dù Nghị định 116 đã ra đời được gần 3 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, rất ít địa phương triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

Nêu một số vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 116, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi, đấu thầu đào tạo giáo viên là coi việc đào tạo giáo viên như cung cấp mặt hàng. Các cơ sở đào tạo là đơn vị cung cấp mặt hàng đó, trong khi chất lượng, uy tín, bề dày kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục không giống nhau.

Đại biểu đặt vấn đề, việc đấu thầu sẽ ra sao nếu những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng có bề dày kinh nghiệm, thành tích đào tạo giáo viên nhưng lại trượt thầu và ngược lại.

Hơn nữa, sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng nhưng khi tốt nghiệp muốn trở thành giáo viên và phục vụ trong ngành giáo dục thì phải qua kỳ thi tuyển viên chức.

Theo Nghị định 116, nếu sinh viên tốt nghiệp và không công tác trong ngành sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Nếu sinh viên không trúng tuyển kỳ thi viên chức, nghĩa là không do ý muốn chủ quan của người học thì có phải bồi hoàn chi phí hay không? Nếu không phải bồi hoàn thì sẽ dẫn đến trường hợp người thi sẽ cố tình thi trượt để né việc bồi hoàn.

Bên cạnh đó, có những địa phương có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên nhưng chưa bố trí được kinh phí và nhiều địa phương lại không có nhu cầu đặt hàng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chính sách đã có nhưng đi vào thực hiện rất khó khăn, trong khi tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương vẫn chưa được cải thiện.

Người dân mong muốn con em mình theo học ngành sư phạm để được nhận hỗ trợ như quy định của Nghị định 116. Hiện có nhiều sinh viên thuộc đối tượng này nhưng chưa được nhận hỗ trợ, bởi địa phương chưa thực hiện được.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa.

Cụ thể hóa quá trình xây dựng Luật Nhà giáo

Liên quan đến vướng mắc trên, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” với Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, tại Điều 11 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh như sau: Hằng năm, căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng;

Thực hiện hoặc phân cấp thực hiện việc tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức.

Hiện nay, việc tuyển dụng viên chức giáo viên thực hiện theo quy định của Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm viên chức giáo viên.

Theo đó, vấn đề đặt hàng, đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP để tuyển dụng vào viên chức giáo viên theo quy định của pháp luật về viên chức cần được UBND cấp tỉnh quán triệt, triển khai và thực hiện đúng quy định của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP trong việc xác định nhu cầu đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong quá trình thực hiện các Nghị định này. Mặt khác, nếu Bộ GD&ĐT báo cáo cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo thì sẽ được cụ thể hóa vấn đề này trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục 2022 - 2030, định hướng đến 2045; trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục một cách căn cơ, lâu dài như: Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quy định về chính sách thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo giáo viên hoặc sinh viên giỏi tốt nghiệp các ngành khác có nguyện vọng dự tuyển vào làm giáo viên, ngoài những chính sách được quy định tại Nghị định số 116.

Một lớp học của Trường Tiểu học Quang Minh B (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: TG.

Một lớp học của Trường Tiểu học Quang Minh B (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: TG.

Kỳ vọng thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm

Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết khẳng định: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế;

Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm;

Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm; Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác;

Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021.

Theo đó, một trong những điểm nhấn của Nghị định này là, cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Nghị định 116 thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như phát triển đất nước.

Nghị định có hiệu lực được kỳ vọng thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Cần có các giải pháp thực hiện xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, nhất là xã hội hóa đối với cấp học tiểu học; xã hội hóa buổi học thứ 2 trong ngày ở những nơi có điều kiện.

Tiếp tục đẩy mạnh việc chỉ đạo tập trung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, có lộ trình đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên theo quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của Luật Giáo dục 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.