Giải bài toán thiếu giáo viên

GD&TĐ - Theo lộ trình, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và SGK mới bắt đầu triển khai từ năm học 2022 - 2023 với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khác với lớp 3, 7 sẵn có nền tảng thực hiện từ lớp 1, 2 và 6, việc triển khai chương trình mới ở lớp 10, lớp đầu tiên của cấp THPT khó khăn hơn, đặc biệt là đối diện với vấn đề thiếu giáo viên. Một số môn học mới đã và đang đặt ra yêu cầu tương thích về đội ngũ, trong đó, đáng chú ý nhất là môn nghệ thuật.

Nghệ thuật là tinh hoa của nhân loại. Việc Chương trình GDPT 2018 đưa môn nghệ thuật vào dạy ở cấp THPT, bắt đầu từ lớp 10, sẽ tiếp nối chương trình 9 năm dạy Âm nhạc, Mỹ thuật trước đó, góp phần làm cho quá trình hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ của học sinh được phong phú, tốt đẹp hơn.

Mục tiêu tốt đẹp, tuy vậy làm thế nào để có được đội ngũ giáo viên nghệ thuật bảo đảm về lượng và chất, thực hiện tốt yêu cầu dạy học bộ môn này từ năm học tới ở cấp THPT, hiện vẫn là bài toán khó. Thông tin của Bộ GD&ĐT vào cuối năm 2019 cho thấy, hơn 2.800 trường THPT trên cả nước hầu như chưa có giáo viên dạy nghệ thuật. Nếu căn cứ theo chỉ tiêu mỗi trường THPT cần 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mỹ thuật thì cả nước cần khoảng gần 5.700 giáo viên. Dự báo của Bộ GD&ĐT về nhu cầu tuyển dụng vào năm 2022  cần khoảng 10 nghìn giáo viên nghệ thuật ở cấp THPT.

Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng giáo viên dạy nghệ thuật cũng chưa đồng đều. Theo Luật Giáo dục 2019, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên là có bằng cử nhân trở lên. Trong khi đó, hiện vẫn có nhiều giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc đạt trình độ trung cấp, cao đẳng. Chương trình chuẩn về đào tạo cũng như chuẩn đánh giá đầu ra giáo viên nghệ thuật cấp trung học vẫn chưa hoàn thiện.

Để đáp ứng nhu cầu dạy học môn nghệ thuật từ năm học tới, các trường sư phạm trên cả nước đã và đang tích cực đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ để có nguồn nhân lực dạy học; xây dựng nội dung chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật dành riêng cho bậc THPT bám sát với Chương trình GDPT 2018. Tuy vậy, nguồn cung từ các trường sư phạm chắc chắn không thể đủ ngay trong năm đầu tiên.

Rất may mắn là Chương trình GDPT mới có tính mở. Tùy theo điều kiện của từng trường và địa phương để lựa chọn dạy học các mô-đun, chuyên đề học tập nghệ thuật. Vì thế, song song với nguồn giáo viên chính quy cung ứng từ trường sư phạm, cơ sở giáo dục cũng cần tính tới các nghệ sĩ, nghệ nhân có hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn chuyên môn để giảng dạy.

Việc tuyển dụng những người đã tốt nghiệp đại học ở trường nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng là một hướng giải quyết góp phần tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, cần có cơ chế cho phép một giáo viên nghệ thuật giảng dạy ở nhiều trường phổ thông nếu bố trí được thời gian phù hợp...

Quan niệm các môn nghệ thuật là môn phụ đã và đang dần thay đổi. Bằng chứng thấy rõ là mùa tuyển sinh 2022, một trong những điểm mới trong phương án xét tuyển của nhiều trường đại học tốp đầu là xem xét đến tiêu chí hoạt động văn thể mỹ của thí sinh.

Theo các trường, bước chuyển động này là cần thiết, hướng tới đánh giá toàn diện năng lực người học, tương thích với đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Vì thế, bảo đảm chất lượng dạy học môn nghệ thuật ở cấp THPT, mà tới đây bắt đầu từ lớp 10, cần bắt đầu từ việc linh động nhiều giải pháp để gỡ khó, thực hiện tốt nhất công tác xây dựng đội ngũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...