(GD&TĐ)- Theo Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ KH-ĐT, năm 2010, giải ngân vốn FDI đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009.
Tổng vốn FDI đăng ký cả cấp mới và tăng vốn năm 2010 đạt gần 18,6 tỷ USD. Riêng trong tháng 12, đã có trên 1 tỷ USD vốn FDI được giải ngân. Bình quân mỗi tháng năm nay giải ngân vốn FDI đạt khoảng 916 triệu USD.
|
Giải ngân vốn FDI đạt 11 tỉ Đô la trong năm 2010. Ảnh, internet |
Như vậy bức tranh toàn cảnh về đầu tư của khu vực FDI đã rõ, có khoảng sáng, tối. Các chỉ tiêu vốn đăng ký, tăng vốn đều không đạt so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể: Tổng hợp vốn đăng ký cấp mới từ các tỉnh, thành phố tính đến 20/12 đạt 17,23 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2009 như kém xa so với kế hoạch thu hút ít nhất 19 tỷ USD của năm 2010. Trong khi đó, vốn đăng ký tăng thêm chỉ đạt 1,366 tỷ USD, bằng 23,5% so với năm 2009 và chưa đạt một nửa so với kế hoạch 3 tỷ USD đặt ra từ đầu năm.
Như vậy, tổng vốn FDI đăng ký cả cấp mới và tăng vốn năm 2010 đạt gần 18,6 tỷ USD, bằng 82,2% so với năm ngoái (kế hoạch là 22-25 tỷ USD).
Trong các lĩnh vực thì kinh doanh bất động sản đã vươn lên đứng vị trí thứ nhất trong các ngành thu hút vốn đăng ký lớn trong năm 2010. Chỉ với 27 dự án đăng ký mới và 6 dự án tăng vốn, bất động sản đã ghi nhận mức cam kết FDI đạt trên 6,8 tỷ USD.
Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng kế tiếp với số vốn cam kết lần lượt là trên 5 tỷ USD và gần 3 tỷ USD.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn FDI vào Việt Nam thì Singapore là đối tác đầu tư có cam kết vốn lớn nhất với Việt Nam với 4,5 tỷ USD. Hàn Quốc và Hà Lan đều cam kết đầu tư trên 2,3 tỷ USD trong năm nay. Tiếp đó là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan - Trung Quốc…
Tại các địa phương, Quảng Nam năm nay thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Số vốn cam kết tính đến thời điểm báo cáo đạt gần 4,2 tỷ USD, xếp đầu trong các tỉnh, thành phố nhận cam kết lớn nhất từ phía nhà đầu tư nước ngoài. Bà Rịa - Vũng Tàu và Tp.HCM lần lượt đạt 2,5 tỷ USD và 2 tỷ USD…
An Sương