Cảm thụ văn học:

Giải mã ẩn số trong 'Chiếc thuyền ngoài xa'

GD&TĐ - Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (1983) gióng lên hồi chuông báo động về cuộc sống của con người thời hậu chiến...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Hòa bình lập lại. Cuộc sống muôn mặt đời thường trở về, kéo theo đó là những vấn đề mà trước đây do hiện thực chiến tranh chưa được chú ý, nay được đặt ra.

Như một tất yếu khách quan, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tự đổi mới, âm thầm mà quyết liệt. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (1983) là minh chứng rõ nét cho sự đổi mới về văn học đó, đồng thời, tác phẩm đã gióng lên hồi chuông báo động về cuộc sống của con người thời hậu chiến.

Đi tìm câu hỏi trong tác phẩm

Câu hỏi lớn nhất, đau đáu nhất mà Nguyễn Minh Châu đặt ra trong tác phẩm phải chăng chính là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở về cách nhìn hiện thực sau chiến tranh? Chiến tranh đã qua đi nhưng không có nghĩa bi kịch sẽ kết thúc, đau khổ sẽ dừng lại. Hòa bình hóa ra lại phức tạp hơn chiến tranh rất nhiều.

Hiện thực giờ đây không còn là dòng chảy lớn, không còn là bề nổi, không còn là tấm huy chương vàng chói lóa rực rỡ mà là một hiện thực sần sùi, nham nhở với những bề sâu gai góc, phức tạp của cuộc sống đời thường. Đó là một hiện thực không hề giản đơn mà chứa đầy những nghịch lí, mâu thuẫn.

Sức sống của mãnh liệt của một tác phẩm văn chương được thể hiện rõ trong mối quan hệ nhà văn - tác phẩm - bạn đọc. Nhà văn sáng tạo ra đứa con tinh thần của mình bằng tất cả sức lực, tâm huyết và tài năng.

Như một lẽ tự nhiên, những tác phẩm “nằm ngoài quy luật của sự băng hoại” là những tác phẩm luôn có sự trăn trở, day dứt về vấn đề nhân sinh, luôn có những cuộc đối thoại ngầm sâu sắc về vấn đề con người.

Sự trăn trở, day dứt đó không chỉ thể hiện qua những câu trả lời mà nhà văn đem lại mà sâu xa hơn văn học quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra. Đó cũng là nhu cầu, mong muốn của độc giả khi muốn thâm nhập vào những chiều sâu của tác phẩm.

Mảnh đất miền Trung - nơi ghi dấu bao chiến công hiển hách, nơi đã tạc biết bao dáng đứng anh hùng trong chiến tranh thì giờ đây với “cảnh đắt trời cho” lại chứa đựng những con người, những số phận trớ trêu, đầy nghiệt ngã.

Một người đàn bà thường xuyên bị chồng đánh đập vẫn cắn răng chịu đựng, kiên quyết chối bỏ sự giúp đỡ của pháp luật; một đứa con vì quá thương mẹ mà cầm dao giết cả bố…

Ý nghĩa liệu rằng chỉ dừng lại ở mối quan hệ giữa nghệ thuật và văn chương như Lê Ngọc Chương giãi bày “cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp trong nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nghệ thuật nhưng để khám phá bí ẩn bên trong thân phận con người, cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào cuộc đời và sống cùng cuộc đời”?

Hay chăng còn tồn tại nhiều câu hỏi lớn nằm sâu trong những hình tượng nghệ thuật? Cảm hứng nhận thức lại in đậm trong hình tượng người chồng vũ phu, bạo lực. Sự nhận thức, “vỡ lẽ” của Phùng về “cái gã độc ác và tàn nhẫn nhất thế gian này” khiến cho người đọc nhiều suy ngẫm.

Người chồng bạo lực vì đâu? Người đọc dường như muốn đối thoại với tác phẩm để tìm ra gốc rễ của vấn đề. Do bản tính ác ngự trị sẵn? Do rượu chè? Do cuộc sống cơm áo “ghì sát đất”? Hàng loạt những băn khoăn, trăn trở mở ra đến vô cùng.

Ở đây ta còn nhận ra một nghịch lí vô cùng xót xa. Lao động vốn làm cho con người hoàn thiện hơn, văn minh hơn nhưng ở người đàn ông này, người ta thấy qua lao động với những lo toan đời thường, những cách kiếm kế sinh nhai, lao động đã làm con người bị tha hóa, bị kiệt quệ cả phần xác lẫn phần hồn. Chất độc hủy hoại con người không ở đâu xa mà “nằm ngay trong sự sống” (Nam Cao).

Điều đặc biệt mỗi lần đánh vợ hắn không cảm thấy thoải mái sung sướng mà ngược lại kêu “rên rỉ, đau đớn”. Khi cố đi tìm “những hạt ngọc ẩn giấu sâu bên trong tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu) thì tiếng kêu ấy bắt nguồn từ nỗi lòng gì? Là tiếng kêu sót lại của nhân tính chăng? Hay là sự thở dài, bất lực trước bế tắc cuộc sống? Làm thế nào để cứu rỗi một tâm hồn đang trên con đường trượt dốc, tha hóa? Làm thế nào để đánh thức cái phần nhân tính tốt đẹp của con người?

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989). Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989). Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam

Và ngay cả hình ảnh thằng bé Phác cầm con dao găm với ý định giết bố cũng là một ẩn số chứa đựng một hiện thực nhói lòng. Thằng Phác là sản phẩm ban đầu của cái đói, là sản phẩm kế thừa của bố khi bố nó là một tấm gương tồi tệ.

Một hiện tượng “tre già măng mọc”. Phác chính là sự trả đũa với người lớn, khi họ dù vô tình hay cố ý đã gieo vào trái tim non dại những gai nhọn và nọc độc của tàn bạo, thô lỗ, hận thù.

Phản ứng mãnh liệt của Phác vượt qua logic thông thường, đâu chỉ đơn giản xuất phát tự tình thương mẹ tha thiết mà còn có một căn nguyên sâu xa bởi nó luôn có cảm giác bị che giấu, lừa gạt (việc gửi thằng Phác lên sống với ngoại để che giấu bi kịch gia đình). Lảng tránh hiện thực là một biện pháp hữu hiệu chăng? Dư Thị Hoài đã phải thốt lên trong “Hỏi Lí Bạch”:

“Nếu thi nhân sống lại bây giờ

Liệu có gieo mình vì trăng

Khi biết nó xù xì và khô cằn”

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu lại chọn bãi xe tăng hỏng là nơi diễn ra bi kịch gia đình “những bãi xe tăng do bọn thiết giáp ngụy vứt lại”. Tạo dựng một không gian như thế, nhà văn đã tạo nên một cuộc so sánh giữa bạo lực thời chiến và bạo lực thời bình. Bạo lực thời chiến đã kết thúc còn bạo lực thời bình thì lại diễn ra trước mắt từng phút từng giờ.

Thì ra chiến tranh đã qua đi nhưng không có nghĩa bi kịch sẽ kết thúc, đau khổ sẽ dừng lại. Đất nước đã yên lặng tiếng súng, tiếng bom nhưng lại văng vẳng tiếng đòn roi quất tới tấp, tiếng quát mắng nguyền rủa tiếng mếu máo của bạo lực gia đình. Hòa bình hóa ra lại phức tạp hơn chiến tranh rất nhiều. Một ẩn ý ngầm nằm ngay trong hình ảnh này. Đó là có một cuộc chiến tranh gian nan, vất vả hơn cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đó là chống lại đói nghèo, tối tăm, man rợ.

Ngay cả hình ảnh chiếc thuyền “đang chống chọi với sóng phá giữa phà” trước cơn bão cấp 11 ở gần cuối tác phẩm cũng chứa đựng dụng ý của nhà văn. Một mình chống chọi trước cơn giận dữ, phẫn nộ của biển cả, phải chăng đó cũng là sự dự báo không lành về một cuộc sống tiếp tục trôi nổi, lênh đênh của gia đình người đàn bà kia? Rồi sẽ tiếp tục những chuỗi ngày cùng bữa ăn với “xương rồng chấm muối”? Rồi sẽ tiếp tục những tháng năm cùng với những trận đòn roi dành cho người đàn bà? Hay nó còn chứa đựng điều gì khác? Một cuộc đời sang một trang mới chăng?

Dường như Nguyễn Minh Châu đã bắt cả dân tộc phải tự vấn. Những câu hỏi thời đại được đặt ra. Tương lai của đất nước nếu cứ sống mãi trong đói khổ thì sẽ ra sao? Độc lập, tự do có ý nghĩa gì nếu nhân dân không được hạnh phúc, ấm no? Hai cái mầm cây xanh mới đâm chồi nảy lộc trên cái mảnh đất khô cằn miền Trung như thằng Phác liệu có tiếp bước con đường của bố? Liệu đứa con gái có đi lại trên con đường in hằn dấu chân mẹ? Vậy đâu là con đường để đi tới khi “Cuộc sống trên trái đất này thời nào và ở đâu cũng đầy rẫy những oan khiên và oan khuất. Cái ác bao giờ cũng mạnh mẽ và lẫm liệt, đầy mưu ma và chước quỷ” (Nguyễn Minh Châu)?

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Đáp án mang tên người đàn bà

Là một nhà văn nặng lòng với cuộc đời, với con người, dẫu không trả lời trực tiếp nhưng thông qua tác phẩm, nhà văn đã khẳng định muốn chống lại cái đói, cái nghèo, cái ác cần có một cuộc cách mạng thật sự thay đổi toàn bộ cuộc sống con người. Cuộc cách mạng ấy dường như với linh cảm của mình, Nguyễn Minh Châu đã cảm nhận ra. Đó là một cuộc cách mạng thật sự chứ không phải là cuộc cách mạng giải phóng vừa qua.

Bên cạnh đó, theo tôi có một giải pháp, một giải pháp hay nhất và cũng thú vị nhất đó là người đàn bà. Nhiều người gọi hành động im lặng, chịu đánh đập của người đàn bà là một sự cam chịu nhẫn nhục đầy ngu dốt. Tôi xin gọi đó là một sức chịu đựng phi thường, một vẻ đẹp tâm hồn đáng ngợi ca:

“Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng

Biết hi sinh nên chăng nhiều lời”

(Chào xuân 67 - Tố Hữu)

Không đề cập đến sự chịu đựng vì con, vì tình mẫu tử cao cả mà có một điều mà ít ai nhận thấy. Sự chịu đựng ấy còn bắt nguồn từ tình thương chồng. Cuộc sống đói nghèo đã hành hạ người đàn ông kiệt quệ về cả phần xác lẫn hồn. Đói khổ quá làm anh ta bất lực, cảm thấy mình vô dụng. Những trận đòn dành cho vợ mình xét tới cùng không phải là do chán ghét vợ mình mà là một sự giải tỏa những bực bội, phiền muộn trong con người lão. Hiểu được điều đó, người vợ tự nguyện để chồng hành hạ mình.

Đó là một sự chia sẻ. Chia sẻ cái khổ cũng như Từ trong “Đời thừa” của Nam Cao. Một sự chia sẻ lạ lùng! Văn học Việt Nam dường như đã quá quen với hình ảnh phản kháng của người phụ nữ do tâm lí dân tộc trước bạo lực, cường quyền như chị Dậu trong “Tắt đèn”, mẹ Tơm trong sáng tác cùng tên, chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng” nên dường như quên đi mất sự chịu đựng cũng là một nét đẹp chăng?

Nói như thế, không có nghĩa là người đàn bà kia sẽ tiếp tục cuộc sống đau khổ trước kia. Sự ngu muội, tăm tối, cái đói, cái nghèo sẽ được cuộc cách mạng thật sự làm thay đổi. Còn đánh thức phần nhân tính, lương tri của người chồng, dạy dỗ, uốn nắn đứa con cần phải tới tình thương, sự thấu hiểu. Và sự chia sẻ với chồng cùng với tấm lòng bao dung, thương con hết mực của người đàn bà sẽ làm được điều đó.

Nhà văn M.Gorki đã từng chia sẻ “Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm nhưng chính người đọc tạo nên số phận cho nó”. Là một đề án tiếp nhận với cấu trúc mời gọi, “Chiếc thuyền ngoài xa” sẽ tiếp tục cuộc đời và sinh mệnh của mình, sẽ mãi là một mã nghệ thuật mời gọi người đọc tiếp tục đi tìm những câu hỏi và trả lời cho những câu hỏi trong mạch ngầm văn bản.

Tự nguyện là một nhà văn chiến sĩ, Nguyễn Minh Châu đã đóng góp cho văn học giai đoạn chống Mỹ hàng loạt các tác phẩm xuất sắc “Mảnh trăng cuối rừng”, “Dấu chân người lính”,… Tuy sống trong âm vang của thời đại anh hùng nhưng chính nhà văn cũng đã từng day dứt “Hôm nay chúng ta đang chiến đấu vì quyền sống của cả dân tộc nhưng sẽ đến một ngày chúng ta phải đấu tranh cho từng con người”, sẽ đến lúc “con người phải leo lên sự kiện mà đòi quyền sống”.

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” đặt ra biết bao câu hỏi về nhân sinh thôi thúc người tiếp nhận phải trăn trở, suy ngẫm để đi tìm, để giải mã, để trả lời cho những câu hỏi chứa đựng những vấn đề nhức nhối mang tính thời đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.