"Giải cứu" trạm thu phí BOT!

GD&TĐ - Năm 2021, Bộ Giao thông và Vận tải đã từng đề xuất Nhà nước mua lại 7 dự án BOT giao thông bởi nhiều lý do.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Và ngày 17/5 vừa qua, tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông và Vận tải tiếp tục đề xuất sử dụng vốn ngân sách để mua lại 7 dự án BOT tồn đọng nhiều năm nay.

Các trạm thu phí thuộc các dự án BOT được Bộ Giao thông và Vận tải đề xuất lần này là Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan (dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả); trạm thu phí Bỉm Sơn (hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6); trạm thu phí Km1747 (dự án BOT đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610); trạm thu phí T2 (dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km5+889).

Lý do, theo đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP) là bởi Bộ đã xử lý vướng mắc 14 trạm thu phí, còn lại 7 dự án BOT chưa có giải pháp, vượt thẩm quyền. Và tại các dự án này, nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, song chưa được thu phí hoặc đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu do các nguyên nhân khách quan, không thể lường trước hoặc do thay đổi chính sách từ phía cơ quan Nhà nước...

Với các dự án này và theo lý giải thì điều dễ nhận thấy là có những dự án cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cụ thể, có trạm đã đi vào vận hành nhưng thường xuyên bị người dân phản đối, xảy ra tình trạnh mất an ninh, trật tự khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được quyền thu phí.

Về lý thuyết, khi có xung đột xảy ra giữa người dân, doanh nghiệp hoặc Nhà nước có thay đổi về chính sách thì cần thiết phải đưa ra giải pháp xử lý nhằm hài hòa lợi ích các bên.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, căn cứ nào để thực hiện vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo. Bởi điều dễ nhận thấy nhất là khi mua lại dự án sẽ gây áp lực cho ngân sách - vốn đã chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, việc mua lại dự án BOT có đi ngược chủ trương của Nhà nước là huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng không? Và rằng việc “giải cứu” này nếu không trúng, không đúng đối tượng đương nhiên sẽ dẫn đến thiếu minh bạch, tạo hiệu ứng tiêu cực lan rộng tại các dự án BOT khác - khi sụt giảm doanh thu.

Việc dùng ngân sách mua lại một số dự án BOT có thể coi là sự chia sẻ rủi ro của Nhà nước với doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc triển khai các dự án BOT.

Thế nhưng, mua lại dự án nào cần được xem xét cụ thể và cũng cần xem xét cả ở khía cạnh các cơ quan Nhà nước đã làm hết trách nhiệm của mình trong việc khắc phục, bồi hoàn thiệt hại cho doanh nghiệp hay chưa, trước khi sử dụng đến giải pháp cuối cùng là mua lại.

Thực  tế, chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện đề xuất trên vì bởi việc mua lại đồng nghĩa với việc chuyển từ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư sang đầu tư công. Và theo quy định hiện hành, đầu tư công cần thực hiện theo quy trình đấu thầu chặt chẽ.

Còn với dự án BOT, chủ đầu tư tự tổ chức thi công, có thể không theo quy trình đấu thầu, hoặc đấu thầu nhưng không phải bảo đảm các quy định như đối với vốn Nhà nước. Cho nên dùng ngân sách để “xử lý” có thể sẽ tạo “lỗ hổng” dẫn đến nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước - nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.