(GD&TĐ) - Cô giáo Ngô Thị Quyên xếp lại chồng giáo án, mặc vội cái áo mưa bước ra ngoài. Con đường đất đỏ liên thôn mới làm nhầy nhụa, cô cởi dép xách tay, xắn quần lội bộ. Ở Bình Phước mùa này mưa thường kéo theo cơn giông và sấm sét... Cô Quyên lầm lũi trong mưa, chiếc áo mưa mỏng dính bết bó gọn thân hình cô giáo trẻ.
Ảnh minh họa/internet |
Ngày vào nhận công tác tại trường tiểu học ấp Nam Đô, một điểm vùng sâu của xã Tân Phước, huyện Đồng Phú (Bình Phước), cô đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, cuộc sống gia đình của từng em. Trên mười năm trong ngành Giáo dục, cô đã đi nhiều vùng, nhiều địa phương ít gặp hoàn cảnh đáng thương như bà cháu Thanh Tuyền. Sinh ra lớn lên trong một gia đình nghèo quê lúa Thái Bình, cô Quyên càng hiểu hơn nỗi khổ của những mảnh đời bất hạnh. Cách đây mấy ngày, cô có ghé lại thăm ba bà cháu. Mấy ngày nay mưa gió lớn quá không biết liệu nhà cửa có bị gì không? Mưa tầm tã, theo con đường mòn nhỏ vào cuối vườn điều, căn nhà vắng vẻ nằm nghiêng dưới những cành điều đan vào nhau. Bà cháu đi đâu giữa mưa gió thế này? Áo quần, xoong nồi đã được dọn đi, còn lại vài thứ lặt vặt và cái giường gỗ tạp. Cô quay về trường, bóng tối cũng vừa ụp xuống. Cô chẳng thiết cơm nước, có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Ngoài trời tiếng con chim bay giữa mưa cất tiếng kêu tuýp! tuýp!
Sáng nay Hữu Thanh, Thanh Tuyền không đến học. Hết giờ lên lớp, cô giáo Quyên bước vội về phòng. Bỏ cặp lên bàn, cô đun nước pha gói mì ăn đỡ. Chợt hình ảnh mấy bà cháu trong căn nhà heo hắt, rồi đôi mắt buồn ngây thơ lặng lẽ ngước nhìn cô của bé Thanh Tuyền. Lòng cô nao nao, hai giọt nước cay cay nhòa trong khóe mắt… Làm thế nào để có đất cất nhà cho bà cháu ở ổn định? Điều đó rất khó đối với cô! Ấp vẫn chưa có quỹ đất, nhà văn hóa trung tâm giáo dục, học tập cộng đồng còn phải cất trên đất của dân. Gia đình bà thuộc diện được xây tặng nhà tình thương nhưng vẫn phải chờ quỹ đất. Tất cả còn nằm yên trên giấy tờ…!
* * *
Ông trưởng ấp cho biết:
- Cô ấy là một cô giáo tốt! Hết lòng lo cho học sinh nghèo. Nhà cô ở ngoài xã, cuối tuần về một lần cô lại vận động bà con ngoài đó giúp đỡ gạo, áo quần, mì tôm chở vào cho bà cháu Thanh Tuyền. Chẳng những thế, cô còn vận động mở hai lớp học tình thương xóa mù chữ cho người dân tuổi từ 15 - 35…
…Hồi đó ấp Nam Đô không được như bây giờ. Đường sá đi lại khó khăn, mấy chỗ suối chưa được bắc cầu, mùa mưa đường trơn trợt lầy lội, dân cư thưa thớt hai bên đường. Nhà xa hai bận đi, về 16 cây số, tối đến cô phải vào dạy học xóa mù chữ cho lớp học tình thương. Đường xa, lượt đi còn đỡ, lúc về trời tối như bưng, đường vắng vẻ không có một bóng người. Cô Quyên lại có tính… “sợ ma” nên nhiều đêm “bắt” chồng đi theo cho đỡ sợ. Chồng cô làm thợ hàn. Ngày đi làm, tối về, hai người tranh thủ cơm nước, đèo nhau trên chiếc xe cánh én màu lông chuột. Cô Quyên vào dạy, chồng cô ngồi ngoài chờ, bẻ nhành cây có lá nhiều xua muỗi… Vậy mà, suốt mấy năm trời cô ấy vẫn đeo bám để đến được với hai lớp học tình thương. Nông dân mình còn nghèo, còn khổ. Bà con vùng sâu, vùng xa còn nghèo còn khổ hơn. Một số bà con ở miền Tây vùng kênh rạch sông nước lên đây lập nghiệp, phần nhiều thất học. Bà con dân tộc ở đây mấy ai biết được chữ nhiều. Hàng ngày chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lo cái ăn mà không lo học cái chữ. Sau khi khảo sát học vấn từng hộ gia đình, cô Quyên đề nghị mở lớp học tình thương xóa mù chữ. Lớp học đã có bà con trong ấp đóng góp xây dựng. Cây bạch đàn, xà cừ trồng theo ranh trong vườn hạ xuống xẻ ra đóng bàn ghế. Cô Quyên đến vận động từng gia đình, lớp học lúc đầu chỉ có 10 người sau tăng lên 35 người, chia thành hai lớp có sự tham gia của thầy cô giáo điểm trường ấp Nam Đô… Câu chuyện của ông trưởng ấp dừng lại. Hai người khách đứng dậy từ giã… ra về... Họ như vừa bước ra một không gian đầm ấm thủy chung, nhân nghĩa và hình ảnh thương tâm của bà cháu Thanh Tuyền, câu chuyện của ông trưởng ấp kể về cô giáo Quyên xinh đẹp, nhân ái còn đọng mãi trong lòng với vợ chồng người dân tộc Khmer.
* * *
Non một tháng sau, nằm sát đường ngôi nhà gỗ mái lợp tôn của bà cháu Thanh Tuyền, được dựng lên trên phần đất của vợ chồng ông Thạch Rung, với sự chung tay góp sức của bà con ấp Nam Đô, của tập thể nhà trường Tân Phước B, của cán bộ đoàn viên thanh niên xã Tân Phước. Cuộc sống bà cháu tốt hơn so với trước nhiều. Tuy vậy, cô giáo Quyên vẫn còn băn khoăn…? Cô tâm sự với vợ chồng ông Thạch Rung. Đọng lòng thương hoàn cảnh của ba bà cháu và cảm nhận trước việc làm nhân nghĩa của cô giáo trẻ hết lòng vì học sinh nghèo, hai vợ chồng người dân tộc Khmer ấy không ngần ngại ký giấy cho hẳn mảnh đất bà cháu đang ở với diện tích 500m2.
Ngôi nhà xây cao ráo được quét vôi màu hồng, trị giá trên ba mươi triệu đồng, mà lãnh đạo địa phương cùng nhân dân đóng góp xây tặng bà cháu Thanh Tuyền nằm cạnh căn nhà cũ. Cô giáo Ngô Thị Quyên chuyển về dạy tại Trường tiểu học Tân Phước B và làm Bí thư đoàn trường nhưng vẫn không quên trở lại ấp Nam Đô, cô ghé lại thăm ba bà cháu.
Mã số: 1010