Gia Lai chú trọng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Trong năm 2021, tổng số trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 là 33.451/33.485, đạt tỉ lệ 99,9%. Để duy trì và nâng cao tỉ lệ phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, Gia Lai đặc biệt chú trọng đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trẻ em tại huyện vùng sâu, vùng xa Gia Lai.
Trẻ em tại huyện vùng sâu, vùng xa Gia Lai.

Ngày 11/8, Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ Gia Lai vừa có báo cáo kết quả phổ cập giáo dục, xoá mù chữ năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ trong năm 2022.

Theo đó, trong năm 2021, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường là 99,68% và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 32.931/33.117 trẻ, đạt tỉ lệ 99,44%.

Bên cạnh đó, tổng số trẻ 0-2 tuổi là 60.783, ra lớp 3.130 đạt tỉ lệ 5,15%. Còn tổng số trẻ 3-5 tuổi là 90.702, ra lớp 73.669, đạt tỉ lệ 81,22%.

Ngoài ra, tổng số trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ 0-5 tuổi trên địa bàn được tiếp cận giáo dục là 79/128. Đặc biệt, năm 2021, có 220/220 xã và 17/17 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non trẻ 5 tuổi.

Với cấp Tiểu học, tổng số trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 là 33.451/33.485, đạt tỉ lệ 99,9%. Bên cạnh đó, tổng số trẻ từ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học (tính đến năm học 2020-2021) là 115.406/117.958, đạt tỉ lệ 97,84%. Đồng thời, tổng số trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ 11-14 tuổi trên địa bàn được tiếp cận giáo dục là 393/410 trẻ, đạt tỉ lệ 95,8%. Trong năm 2021, toàn tỉnh Gia Lai đạt chuẩn PCGD Tiểu học mức độ 2.

Còn với cấp THCS, tổng số thanh, thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS (tính đến năm học 2020-2021) là 96.065, đạt tỉ lệ 92,83%. Tổng số trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ 11-18 tuổi trên địa bàn là 1.090, số trẻ khuyết tật 11-18 tuổi được tiếp cận giáo dục là 570/605, đạt tỉ lệ 84%.Trong năm 2021 tỉnh Gia Lai đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1.

Riêng kết quả xóa mù chữ (XMC), tỉnh Gia Lai có dân số độ tuổi từ 15 đến 25 là 290.774 người, trong đó số người biết chữ là 286.700 người, tỉ lệ 98,6%. Còn ở độ tuổi từ 15 đến 35 là 589.332 người, trong đó số người biết chữ là 567.580 người, tỉ lệ đạt 96,31%. Riêng, độ tuổi từ 15 đến 60 có 1.044.452 người, trong đó số người biết chữ là 969.677 người, tỉ lệ: 92,84%.

Với kết quả trên, ông Lê Duy Định, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ Gia Lai cho rằng, các cấp uỷ, chính quyền đã có sự quan tâm đồng bộ. Bên cạnh đó, các tầng lớp nhân dân rất tích cực cùng nhà trường quan tâm, chăm lo việc học tập của con em mình. Đồng thời, quan tâm đến sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ ở vùng sâu vùng xa nhiệt tình, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với với trường, lớp và bà con dân bản. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác duy trì và nâng cao chất lượng PCGD, XMC tại đơn vị mình công tác.

Tuy nhiên, trong năm 2021 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên việc điều tra, thống kê, tổng hợp số liệu về PCGD-XMC còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất một số trường còn thiếu, như chưa đáp ứng đủ phòng chức năng theo quy định, thiếu các trang thiết bị. Nhiều trường phải tận dụng cơ sở vật chất, chia tách phòng học, phòng làm việc để tạm có các phòng chức năng. Nhiều phòng học cho các lớp mầm non không đủ diện tích theo yêu cầu…

Trong năm 2022, tỉnh Gia Lai tiếp tục duy trì chất lượng PCGD, XMC ở 220 xã, phường, thị trấn và 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, phấn đấu trong năm 2022 tăng thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3.

Ngoài ra, tiếp tục khơi dậy phong trào toàn xã hội quan tâm và tham gia vào sự nghiệp giáo dục để động viên, ủng hộ, giám sát công tác giáo dục. Qua đó, xây dựng xã hội học tập để đẩy mạnh công tác PCGD, XMC và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt, chú trọng PCGD, XMC cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ