Các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU với Nga dường như đang tổn hại cho chính EU cả trước mắt và lâu dài hơn là với Nga.
Ba Lan và Bulgaria là 2 quốc gia châu Âu đầu tiên bị cắt dòng khí đốt chiểu theo “tối hậu thư” của Nga cho các quốc gia “không thân thiện” rằng họ phải trả năng lượng bằng đồng rúp bắt đầu từ ngày 1/4 hoặc sẽ bị cắt nguồn cung.
Bulgaria và Ba Lan phụ thuộc khá nhiều vào khí đốt nhập khẩu từ Nga. Bulgaria nhập tới 90% nhu cầu khí đốt của họ từ Nga, tương đương khoảng 3 tỷ m3 mỗi năm, còn Ba Lan phải nhập khẩu 55% khí đốt Nga, tương đương 21 tỷ m3.
Các quốc gia này lập tức trấn an người dân rằng, họ sẽ không thiếu năng lượng nhờ đa dạng hóa nguồn cung. Tuy nhiên, vấn đề không hề đơn giản chút nào.
Cho đến giờ Nga đã không sụp đổ về kinh tế như một vài dự báo do các lệnh cấm vận của phương Tây, mà còn có những biện pháp hiệu quả để đáp trả. Cấm vận cho đến giờ có thể ảnh hưởng đến Nga trong nhiều mặt, nhưng ngược lại, rõ nhất là đồng rúp đã phục hồi mạnh mẽ và Nga vẫn thu về hàng tỷ USD tiền lãi từ bán dầu khí.
Cách đây vài hôm, tờ DW của Đức trích lời đại diện đối ngoại EU Joseph Borrell thừa nhận rằng, các nước thành viên không đạt được đồng thuận để cấm vận hoàn toàn dầu khí Nga. Nhiều thành viên lo ngại rằng, việc này sẽ là biện pháp “gậy ông đập lưng ông”, sẽ gây tổn hại với chính mình trước hết.
Không chỉ là Ba Lan và Bulgaria, EU nói chung phụ thuộc lớn vào dầu khí Nga. Nga cung cấp khoảng 40% khí và 1/4 dầu cho cả khối. Để bù đắp cho con số này là không thể ngày một ngày hai, bởi sẽ đòi hỏi việc xây dựng những đường ống mới và giá cả chắc chắn sẽ còn tăng, trong khi mức tăng giá sinh hoạt và nhiên liệu cho đến nay đã gây sự lo ngại lớn trong dân chúng.
Một số thành viên EU như Litva, Latvia và Estonia đã tuyên bố ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Pháp, Phần Lan, Bồ Đào Nha cũng ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn. Song có những quốc gia như Đức, Áo đã nói rằng không thể dừng ngay việc hợp tác với Nga về năng lượng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo, việc cắt giảm đột ngột năng lượng Nga sẽ khiến cả châu Âu suy thoái. Đức nhập khẩu khoảng một nửa lượng khí đốt và than đá cùng hơn 1/3 lượng dầu từ Nga, còn Áo nhập khoảng 80% khí đốt.
Bỉ, Hungary cũng là các quốc gia từ chối cấm vận hoàn toàn năng lượng Nga. Cuối tháng 3 vừa qua, EU đã đề ra mục tiêu hoàn toàn thoát khỏi năng lượng Nga vào năm 2027.
EU nhất trí ngừng mua than đá của Nga từ tháng 8/2022, nhưng với dầu và khí thì cho đến giờ họ vẫn chưa thể áp đặt các biện pháp mạnh tay, thậm chí các công ty dầu khí của nhiều nước EU còn phải đàm phán các cách thức với các ngân hàng Nga để “lách” được lệnh cấm vận và tìm cách thanh toán.
EU từ lâu đã đề ra những kế hoạch chuyển đổi năng lượng tái tạo để bớt sự phụ thuộc năng lượng hóa thạch nói chung và nhập khẩu từ Nga nói riêng, song nhu cầu năng lượng ngày càng lớn và việc chuyển đổi đòi hỏi nhiều thời gian. Mỹ đã cam kết tăng cường xuất khẩu khí hóa lỏng cho đồng minh nhưng đây cũng không phải chuyện ngày một ngày hai.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo châu Âu chỉ có thể chống đỡ được 6 tháng nếu không có nguồn cung cấp năng lượng ổn định từ Nga. Sau đó, nếu không có nguồn cung cấp ổn định, giá tốt, EU sẽ phải chịu tác động nặng nề về kinh tế, có thể mất tới 3% GDP.
Như vậy chưa thể trả lời chính xác câu hỏi việc trừng phạt Nga đến giờ làm tổn hại Nga nhiều hơn hay chính EU nhiều hơn. Về chính trị, sự ổn định của châu Âu sẽ bị đe dọa khi cử tri ngày càng bức xúc với giá cả tăng, nhiên liệu thiếu.
Chắc chắn sẽ không có nhiều cử tri chấp nhận các các biện pháp kiểu “mặc thêm áo len” để chống chọi với cái rét mùa đông như lời kêu gọi của các chính trị gia, thay vì được sưởi ấm.