Gấp rút phòng, chống đuối nước trước hè

GD&TĐ - Thời điểm này các địa phương, trường học đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống đuối nước...

Học sinh TP Mỹ Tho (Tiền Giang) tham gia phổ cập bơi dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên. Ảnh: Quốc Ngữ
Học sinh TP Mỹ Tho (Tiền Giang) tham gia phổ cập bơi dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên. Ảnh: Quốc Ngữ

Để phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh, thời điểm này các địa phương, trường học đã triển khai nhiều biện pháp; tổ chức lớp dạy bơi miễn phí, cắm biển cảnh báo nơi nguy hiểm để nhắc nhở trẻ không đến gần...

Trang bị kiến thức, kỹ năng trước hè

Từ đầu tháng 4, vào mỗi giờ chào cờ thứ Hai hàng tuần, Trường THCS Quang Trung (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) dành phần lớn thời gian để học sinh toàn trường nghe tuyên truyền về phòng chống đuối nước. Cùng đó, các em được hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống khi rơi xuống nước, cách mặc áo phao đảm bảo an toàn.

Ông Trần Văn Sang - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh đoàn Hà Tĩnh) cho biết: “Ngoài tuyên truyền, cảnh báo tai nạn đuối nước cho từng hộ gia đình, chúng tôi còn triển khai các lớp dạy bơi, học bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em; lắp đặt hệ thống pano cảnh báo ở các khu vực từng dễ xảy ra tai nạn đuối nước”.

Thầy Nguyễn Đình Chiến - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung nhìn nhận, hoạt động sẽ giúp học trò nhận thức được tầm quan trọng của phòng, chống đuối nước. Cùng đó, nhà trường tăng cường phối hợp với phụ huynh để quản lý học sinh trong và ngoài giờ đến trường, nhất là dịp hè.

Tại xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), ngoài phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và Trường Tiểu học Sơn Lâm tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh, Công an xã Sơn Lâm còn tận dụng vật liệu là bàn ghế cũ, xếp hình chữ nhật kết hợp thanh gỗ cố định lại sau đó dùng bạt lớn phủ làm đáy và bơm nước tạo bể bơi tự chế.

Tại Đắk Lắk, để giải bài toán an toàn dưới nước cho học sinh, Trường Tiểu học Ngô Mây (TP Buôn Ma Thuột) có nhiều giải pháp tích cực, giúp bảo vệ học sinh tránh tai nạn đuối nước. Đặc biệt, thông qua hoạt động chuyên môn, thầy cô thường xuyên đưa ra cảnh báo bằng hình ảnh, clip trực quan về hậu quả do tai nạn đuối nước. Với nỗ lực này nên 20 năm qua, dù trường ở gần nhiều ao hồ, đập nước nhưng chưa học sinh nào tử vong liên quan đến đuối nước.

Cô Võ Thị Nghê - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hàng năm, nhà trường tham gia nhiều chương trình tập huấn an toàn nước cho thầy cô giáo, cán bộ cứu nạn, cứu hộ; tổ chức dạy bơi miễn phí, dạy bơi xã hội hóa... Sau các buổi học, thầy cô sẽ nhắc nhở học sinh trên đường về nhà, các hoạt động ngoài trời không tự ý xuống tắm, bơi ở hồ, đập nước kể cả hồ bơi trẻ em khi không có giám sát của người lớn.

Gia đình nào thường xuyên đi làm rẫy xa, nhà trường đề nghị theo dõi việc học, chơi cho con em ở nhà qua điện thoại hoặc người thân. Nói chung, giải pháp quan trọng chính là thường xuyên đưa ra cảnh báo để các em hiểu được sự nguy hiểm, hậu quả đuối nước mang lại”, cô Nghê chia sẻ.

Công an xã Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) tự chế bàn ghế hỏng thành bể bơi tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Ảnh PH

Công an xã Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) tự chế bàn ghế hỏng thành bể bơi tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Ảnh PH

Ban ngành vào cuộc

Thời tiết ở Đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa nắng nóng. Học sinh có xu hướng tìm đến sông, rạch, ao hồ để bơi, tắm nên nguy cơ đuối nước gia tăng. Để ngăn chặn tình trạng này, Sở GD&ĐT Tiền Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường học có biện pháp phòng, chống.

Ông Nguyễn Hoàng Tấn - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết: “Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, trường học đặc biệt lưu ý công tác phòng, chống đuối nước; xây dựng chuyên đề tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước cho học sinh trên đường đi học và về nhà, khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi; vui chơi tại cộng đồng nơi có nguồn nước mở.

Yêu cầu giáo viên thường xuyên quán triệt, nhắc nhở học sinh không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình… những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Đặc biệt, không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, bơi khi không có người lớn, giám hộ đi cùng”.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Tiền Giang triển khai, phối hợp cùng các ban ngành, nhà trường mở lớp phổ cập bơi cho học sinh. Hiện toàn tỉnh có 52 hồ bơi trong đó 16 hồ bơi cố định trong các trường tiểu học, THCS, THPT; 36 hồ bơi di động, đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh toàn tỉnh.

Bốn bề là sông nước nên học sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được trang bị kỹ năng bơi lội. Ảnh: Phương Hồ

Bốn bề là sông nước nên học sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được trang bị kỹ năng bơi lội. Ảnh: Phương Hồ

Tương tự, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) - địa phương đầu tiên đầu tư hồ bơi để trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh. Theo đó, UBND huyện, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện đã triển khai Đề án “Dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn huyện” giai đoạn 2023 - 2025, với tổng kinh phí gần 630 triệu đồng. Mỗi năm huyện tổ chức từ 30 - 40 lớp với khoảng 500 - 600 học sinh được học bơi miễn phí, riêng dịp hè mở 20 lớp cho 500 học sinh tiểu học và THCS.

Ông Huỳnh Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Hiện, trung tâm kết hợp với các điểm trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh để hiểu được lợi ích việc tập luyện môn bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Ngoài dạy bơi, còn hướng dẫn, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cần thiết bảo vệ bản thân, cách xử lý tình huống, sơ cấp cứu khi có tai nạn đuối nước; giúp các em nâng cao sức khỏe, vui chơi lành mạnh, an toàn, góp phần giảm thiểu nguy cơ đuối nước”.

Công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh mùa Hè được Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) chú trọng và quan tâm. Theo ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, phòng ban hành văn bản chỉ đạo các trường tăng cường công tác tuyên truyền đến phụ huynh về những nguy cơ về đuối nước; không tắm sông, ao hồ khi không biết bơi; không đi tắm một mình.

Đồng thời, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa chuyên đề đuối nước và cách phòng chống, từ đó giúp các em có kiến thức cơ bản về đuối nước và sơ cứu đuối nước vào chương trình giảng dạy cho học sinh.

“Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan còn phối hợp với huyện Đoàn, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức các khoá dạy bơi miễn phí cho học sinh. Đối với vùng khó khăn, chỉ đạo các trường cử giáo viên thể dục tổ chức dạy bơi cho học sinh tại ao, hồ, suối của địa phương; vận động nhà tài trợ hỗ trợ áo, cặp phao cho học sinh đi học phải qua sông, suối để việc đi lại an toàn”, ông Hiền cho biết thêm.

Năm 2024 trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã đưa ra thông điệp 3K với trẻ em và 3T với người lớn. Trong đó, 3K là không xuống nước khi không biết bơi; không đi bơi khi không có người lớn; không chơi đùa tại sông, suối, ao, hồ, giếng nước... dễ dẫn đến đuối nước. 3T là thường xuyên nhắc nhở con em về nguy cơ tai nạn đuối nước; tập bơi cho trẻ và dạy kỹ năng phòng chống đuối nước; tăng cường quản lý, không để con em đi bơi ở ao, hồ, sông suối, làm rào, đậy nắp khu vực chứa nước nguy hiểm.

Tại Đắk Lắk, theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 216 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó 181 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước (chiếm 83,7%). Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, địa phương ghi nhận 9 trường hợp tử vong do tai nạn đuối nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.