Phòng chống đuối nước từ giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh - đặc biệt hay rơi vào dịp nghỉ hè - trở thành vấn đề nhức nhối.

Dạy bơi cho học sinh dịp hè góp phần quan trọng để phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Đình Tuệ
Dạy bơi cho học sinh dịp hè góp phần quan trọng để phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Đình Tuệ

Để giảm đi những nỗi lo, sự mất mát cho mỗi gia đình, xã hội, Bộ GD&ĐT đã quyết liệt triển khai nhiều nhóm giải pháp để tăng cường hiệu quả cho công tác phòng, chống đuối nước. Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) trao đổi sâu với Báo GD&TĐ xung quanh chủ đề này.

Kết quả tích cực

- Năm 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành tài liệu Giáo dục phòng tránh đuối nước học sinh. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả triển khai tài liệu tại các cơ sở giáo dục?

- Theo Quyết định số 1248/QĐ-TTg ban hành Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, học sinh trong trường học; xây dựng trường học an toàn, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tuyên truyền giáo dục kiến thức, kỹ năng, phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước và bơi an toàn cho học sinh…

Từ thực tiễn và phân tích nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ em, học sinh thời gian qua cho thấy, phần lớn các vụ đuối nước gây tử vong xuất phát từ hạn chế nhận thức, ý thức chấp hành quy định an toàn. Thậm chí với học sinh đã biết bơi, bơi giỏi, khi tham gia sinh hoạt trong đời sống hàng ngày còn chủ quan, thiếu kiến thức, kĩ năng. Trong khi đó, việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong các nhà trường còn nhiều hạn chế bởi điều kiện cơ sở vật chất.

Tài liệu cũng hướng dẫn học sinh những quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, cách thoát hiểm nếu không may gặp sự cố môi trường nước; chỉ ra kỹ năng bơi và cứu đuối an toàn. Đặc biệt tài liệu đã đề cập tới vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong công tác quản lý, tổ chức triển khai phòng chống đuối nước cho học sinh.

Cuốn tài liệu hướng dẫn giáo dục phòng tránh đuối nước cho học sinh do Vụ Giáo dục Thể chất xây dựng và phát hành đã chú trọng vào những kiến thức, kỹ năng học sinh còn thiếu. Mặt khác, giới thiệu, cảnh báo các em những nguyên nhân, kỹ năng nhận biết môi trường không an toàn có thể xảy ra đuối nước cùng nhiều biện pháp phòng tránh; giúp học sinh nhận biết nguy cơ đuối nước có thể xảy ra tại gia đình, cộng đồng để thoát hiểm.

Bên cạnh tài liệu Giáo dục phòng tránh đuối nước học sinh, Bộ GD&ĐT còn phối hợp xây dựng nhiều tài liệu truyền thông khác bằng video clip phù hợp để giáo dục, hướng dẫn học sinh. Toàn bộ hệ thống tài liệu được số hóa và hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục khai thác sử dụng một cách thuận tiện.

Đáng nói, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều đợt tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán tại các địa phương nhằm thực hiện đại trà tài liệu trong các cơ sở giáo dục toàn quốc. Tài liệu được đánh giá cao về sự phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Từ đây, giúp các nhà trường tập trung, xây dựng kế hoạch triển khai bài bản, góp phần tích cực, hiệu quả trong từng bước giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh.

- Từ những kết quả bước đầu, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai kế hoạch về công tác phòng chống tai nạn thương tích đuối nước ở học sinh ra sao?

- Bám sát Quyết định số 4501/QĐ-BGDĐT ngày 29/11/2021 ban hành Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 – 2025, trong năm 2023 Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên thay thế Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT ngày 22/8/2007.

Song song đó, Bộ GD&ĐT tiến hành triển khai tập huấn nâng cao năng lực phòng chống đuối nước, bơi, cứu đuối an toàn và sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán các địa phương.

Khảo sát hoạt động dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước tại một số địa phương và tổ chức Hội thảo đề xuất các giải pháp phòng chống đuối nước trong trường học.

Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Đình Tuệ

Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Đình Tuệ

Giải pháp phù hợp cho từng địa phương

- Ở những địa phương, vùng miền khác nhau, việc tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng tránh đuối nước sẽ phụ thuộc vào yếu tố nào để đảm bảo hiệu quả, thưa ông?

- Để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình triển khai tài liệu, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt địa hình, địa thế và linh hoạt trong tổ chức, xây dựng nội dung, thời điểm phù hợp với đặc điểm vùng miền.

Ví như, với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng có địa hình sông nước, nhiều sông, kênh rạch, ao, hồ; hay miền núi, trung du nhiều suối, hồ, đập… thì việc tuyên truyền phải chú trọng về nội dung, đảm bảo phù hợp địa hình thực tiễn; Đưa ra các tình huống cụ thể, dẫn dắt bằng các vụ đuối nước điển hình, thường xảy ra tại mỗi khu vực đặc thù; Xây dựng nội dung tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn phù hợp từng đối tượng trẻ em, học sinh, giúp các em nhận biết và hình thành nhận thức đúng đắn trong phòng tránh tai nạn đuối nước.

- Thời gian nghỉ hè, học sinh tạm rời xa trường lớp thì công tác tuyên truyền phòng tránh đuối nước cần thực hiện ra sao để phát huy hiệu quả?

- Chúng ta cần xác định vai trò của gia đình vô cùng quan trọng trong việc nhắc nhở, giáo dục con em. Thời gian nghỉ hè học sinh thuộc sự quản lý của gia đình và địa phương, do đó cần tăng cường sự phối hợp của hai chân kiềng này để đảm bảo môi trường sống an toàn cho các em trong gia đình và ngoài cộng đồng.

Thường xuyên đăng phát các chuyên đề phòng chống đuối nước trên loa phát thanh địa phương, làng, xã và trên sóng truyền hình vào các khung giờ phù hợp để trẻ em, phụ huynh được theo dõi.

Mặt khác, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên địa phương, tăng cường hoạt động hè phong phú để thu hút học sinh tham gia. Đặc biệt cần thường xuyên tổ chức, tuyên truyền, cảnh báo tai nạn đuối nước để mỗi gia đình, học sinh chủ động cập nhật kiến thức, kĩ năng cần thiết trong phòng tránh đuối nước.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.